Chờ mổ lâu, bỏ tiền túi mua thuốc và vật tư, thức đến nửa đêm về sáng để xạ trị… là những điều mà người bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn đang phải gánh chịu do thiếu thuốc, vật tư y tế.
Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, Bộ Y tế cũng có nhiều giải pháp để gỡ khó tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, trong đó Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, Luật Đấu thầu sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2024; ban hành nhiều thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu để các bệnh viện, cơ sở y tế công lập thuận lợi đấu thầu, mua sắm được thuốc, vật tư y tế. Song đến nay đã là tháng 8/2024, tình trạng thiếu thuốc, vật tư vẫn diễn ra ở nhiều cơ sở y tế công lập khiến người bệnh khốn đốn.
Mỗi ngày chi 3 – 6 triệu tiền thuốc
Có mặt tại phố Phủ Doãn (Hà Nội) vào sáng 7/8, nơi có nhiều nhà thuốc trước cổng Bệnh viện Việt Đức, chúng tôi gặp khá nhiều bệnh nhân ra mua thuốc, có người đi khám, bác sĩ kê đơn ra mua, có người mua cho người thân đang nằm điều trị trong bệnh viện. Cầm đơn thuốc trên tay, người nhà bệnh nhân N.V.H (79 tuổi, Bắc Giang) đến hiệu thuốc đối diện cổng bệnh viện để mua thuốc cho bố. Theo lời kể, bố anh bị ung thư đại tràng di căn, đã phẫu thuật, nhưng tình trạng rất nặng, đang bị viêm phổi. Anh cho tôi xem đơn thuốc sáng nay bác sĩ kê, gồm 3 loại: Q-pem 1g (điều trị các nhiễm khuẩn) x 6 lọ, Vinluta 1200mg (dạng bột đông khô pha tiêm, hỗ trợ giảm độc tính của phương pháp xạ trị, hoá trị điều trị ung thư…) x 2 túi và Vancomycin 500mg (thuốc tiêm điều trị nhiễm khuẩn nặng) x 3 lọ. Đơn thuốc này, anh mua hết 3,92 triệu đồng. “Từ hôm mổ đến nay 22 ngày, ngày nào gia đình cũng phải ra ngoài mua thuốc, thời gian đầu mỗi ngày phải mua đơn thuốc hết 6 triệu, sau đó giảm dần, giờ 3 - 4 triệu/ngày”, anh này cho biết.
Theo con trai bệnh nhân, ông H có BHYT chuyển từ tuyến dưới lên, được hưởng 100%. Nhưng hằng ngày ông vẫn phải mua thuốc ngoài khiến gia đình rất vất vả và khó khăn. Không chỉ thuốc điều trị, giai đoạn mổ người nhà cũng phải mua dây truyền dịch, ống xông nhưng số tiền này không thấm vào đâu so với tiền thuốc hằng ngày phải chi trả. “Bố tôi còn điều trị thuốc tăng cường miễn dịch, giá 6 triệu/ống, ông điều trị 25 ống hết 150 triệu đồng. Bác sĩ bảo thuốc này không được BHYT chi trả”, con trai bệnh nhân cho biết.
Hơn 1 tháng ông H nằm viện, tổng chi phí điều trị, phẫu thuật, thuốc thang và tiền ăn ở đi lại chăm nom đã lên tới gần 500 triệu đồng. “Mấy hôm nay phổi của bố tôi cũng tiến triển tốt, đã cai được máy thở, tuổi cao nên khả năng chữa ung thư cũng rất khó khăn, gia đình cố gắng điều trị phổi cho bố tôi được khoẻ, thở được bình thường để cho ông về”, con trai ông H bùi ngùi.
Tại một hiệu thuốc khác trên phố Phủ Doãn, chị Đ.T.H (Hà Nội) có con trai chuẩn bị mổ tháo nẹp vít cánh tay bị gãy cũng đến mua dây truyền dịch. Chị H cho biết, trước lúc mổ bác sĩ kê đơn ra ngoài mua dây truyền dịch. Trường hợp khác cũng phải mua dây truyền dịch là bệnh nhân mổ cắt bán phần dạ dày nằm cùng phòng bệnh với con chị H. Tương tự, một bệnh nhân phẫu thuật liên quan đến thận cũng phải mua kẹp mạch máu bên ngoài có giá hơn 500 nghìn đồng.
“Con tôi phẫu thuật u não, trước mổ cũng phải ngoài mua kim tiêm và dây truyền dịch. Sáng nay mổ xong rồi nhưng tôi cũng phải ra ngoài mua tiếp”, chị P.V.H (Hưng Yên) kể. Còn một nam bệnh nhân mổ chân thì cho biết, bác sĩ kê đơn ra nhà thuốc bệnh viện mua và lấy hoá đơn về được thanh toán BHYT. Tuy nhiên, nhà thuốc bệnh viện hết loại thuốc này, phải ra ngoài mua và không có hoá đơn nên không thể thanh toán được.
Không chỉ mua thuốc, dây truyền dịch, nhiều người đến khám tại Bệnh viện Việt Đức có chỉ định mổ nhưng được cho về chờ gọi vì bệnh viện chưa có vật tư. Có bệnh nhân đã làm xong thủ tục nhập viện nhưng cũng chưa có lịch mổ và về nhờ đợi.
Thức đêm chờ xạ trị
Bệnh viện K vào mỗi buổi sáng, hàng nghìn bệnh nhân chờ tới lượt khám. Bệnh nhân từ các tỉnh đổ về đông vào ngày đầu tuần khiến bệnh viện trong tình trạng quá tải. Đi xe chuyến 3h sáng từ Quảng Ninh lên, ông N.V.H cho biết, đây là đợt thứ 5 ông xạ trị, nhưng do máy thiếu nên phải chờ tới nửa đêm mới tới lượt. Theo ông H, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều có 5 máy xạ trị, nhưng máy số 2 (máy được BHYT chi trả) hay bị hỏng nên bệnh nhân dồn sang các máy khác. Có khi chờ đợi đến 2h sáng mới tới lượt xạ trị, khiến người bệnh rất vất vả.
Theo phản ánh của người bệnh, vì là máy BHYT, nên máy số 2 ngày nào cũng hoạt động hết công suất, thỉnh thoảng lại bị hỏng. Nhiều người lo lắng đến lịch xạ trị nhưng không có máy, đành phải xin chuyển xạ máy khác và phải đóng tiền vì là máy dịch vụ. Do quá tải bệnh nhân, máy xạ trị phải hoạt động gấp đôi công suất, nên việc phải chờ đợi đến nửa đêm và sáng để được xạ trị đã diễn ra tại Bệnh viện K.
Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương cơ sở 1 ở Yên Lãng, Thái Thịnh, Hà Nội, một số bệnh nhân bị suy tuyến thượng thận lo lắng cho chúng tôi biết, 3 tháng qua, họ không nhận được 1 viên thuốc bảo hiểm nào để chữa tuyến thượng thận, dù họ có BHYT. Chị Trần Thị Thanh Phương, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Trước đây mỗi lần đi khám tuyến thượng thận, tôi được bệnh viện phát thuốc Valgesic, đặc trị về suy tuyến thượng thận, giá thuốc này hơn 4.000 đồng/viên. Lấy thuốc cả tháng, tôi được phát tầm 90 viên, nhưng 3 tháng nay tôi đi khám, bác sĩ điều trị đều bảo hết thuốc và yêu cầu bệnh nhân phải tự xoay xở, mua ngoài. Vì sao bệnh viện hết thuốc lâu vậy, tháng nào chúng tôi cũng hỏi bác sĩ điều trị nhưng đều không nhận được câu trả lời. Người bệnh phải chi một khoản tiền không nhỏ để mua thuốc tuyến thượng thận ở ngoài trong khi chúng tôi hoàn toàn được hưởng quyền lợi thuốc bảo hiểm, đó là điều vô cùng phi lí”.
Một bệnh nhân khác là chị Ngô Thu Linh, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: “Bác sĩ chỉ định tôi dùng 3 viên thuốc tuyến thượng thận/ngày, không được phát thuốc bảo hiểm, tôi phải ra ngoài mua thuốc Hydrocotisone của Pháp, giá 9.400 đồng/viên, những lúc khan hiếm thuốc, tôi phải mua tới 10.000 đồng/viên, như vậy, 1 tháng tôi mất ngót tiền triệu để điều trị căn bệnh này. Điều này khiến bệnh nhân rất ức chế, bức xúc. Tôi đề nghị bệnh viện phải đẩy nhanh tiến độ đấu thầu hay giải quyết các thủ tục hành chính với bảo hiểm, để chúng tôi được cấp thuốc, như thế đỡ thiệt thòi cho người bệnh”.
Phải mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài, đối với người bệnh BHYT là một gánh nặng oằn vai trong khi đây là quyền lợi chính đáng họ được hưởng. Người bệnh đang chờ đợi Bộ Y tế sớm ban hành Thông tư hướng dẫn quy định Điều 31 của Luật BHYT để có cơ chế pháp lý thêm vào trong trường hợp vì điều kiện bất khả kháng và khách quan mà người bệnh đi khám tại cơ sở y tế nhưng cơ sở y tế không có thuốc thì được quỹ BHXH chi trả.
Được biết, tháng 6 năm nay, Vụ BHYT đã lấy ý kiến các đơn vị của 36 tỉnh, TP và đã khảo sát báo cáo tình trạng thiếu thuốc trong 3 năm vừa qua. Có 63 sở y tế đã báo cáo và nói cho đến nay cơ bản đủ thuốc, chỉ một số trường hợp do mở thầu chưa thành công. Tại buổi họp báo mới đây, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT cho biết, sẽ trình Ban cán sự Đảng Bộ Y tế xem xét về Thông tư này. Hiện, Vụ Pháp chế đang thẩm định và Vụ đang triển khai nghiên cứu, rà soát để báo cáo đồng chí Bộ trưởng.
https://cand.com.vn/Ban-doc-cand/chi-tien-tui-mua-thuoc-bao-gio-duoc-tra-bai-1--i739974/