Tôi lớn lên ở xóm chợ, một xóm nhỏ nằm ven tuyến quốc lộ 10 nối từ Hải Phòng sang Thái Bình.
Trưởng CA xã tung cước: Tôi không có gì để bào chữa cho mình |
Được xin lỗi sau 7 năm bị truy tố oan |
Như ngàn vạn xóm nghèo khác, người dân trong xóm nghiễm nhiên coi mọi không gian trên lòng, lề đường là nơi buôn bán, mưu sinh.
Nhất cận thị, nhị cận giang, ai cũng nghĩ như vậy nên người đến mua đất, xây nhà, làm quán quanh chợ dần đông hơn. Nhưng đường sá thì ngày càng hẹp đi, nhếch nhác và nguy hiểm. Chúng tôi may mắn lớn lên bình an. Nhưng có nhiều gia đình không có được niềm hạnh phúc ấy.
Tôi vẫn nhớ như in một buổi sáng cuối năm, đó là phiên chợ Tết. Người dân bày đủ thứ, từ bóng bay, hoa thược dược, gà, ngan, gạo nếp... ra ven đường để bán. Chợ mới họp được chừng hai tiếng thì một chiếc xe tải, trong khi cố tránh những gánh hàng rong, đã đâm vào quán cắt may của ông Quỳnh thương binh. Ông Quỳnh chỉ còn một chân nên không kịp chạy. Trong thoáng chốc, tử thần như đã điểm danh. Nhưng ông Quỳnh không chết, nạn nhân thiệt mạng hôm ấy là chị Luyến người ở xã khác. Chị Luyến đi ra khu chợ may đồ để chuẩn bị lấy chồng.
Đó là vụ tai nạn đầu tiên tôi chứng kiến. Sau đêm đó, tôi không dám ngủ một mình, hình ảnh người phụ nữ nằm thoi thóp dưới bánh xe đè nặng lên trí óc đứa trẻ mới lớn như tôi. Nếu hôm đó, chiếc xe tiến thêm vài mét nữa, không biết sẽ có bao nhiêu gia đình trong xóm chợ phải khoác lên đầu vành khăn trắng.
Nhưng rồi người ta cũng dễ quên đi vụ tai nạn. Cái nghèo không cho phép ai sợ hãi. Tất cả lại lao ra đường bán cá, gạo, gà, cả bát hương, xôi, oản. Rồi mấy tháng sau lại thêm những vụ tai nạn khác. Có người ở xã tôi chết, có người xã khác mang thương tích. Nhưng chính quyền xã không tìm ra cách gì để dẹp cái chợ ven đường. Tôi đã 40 tuổi, nhưng mỗi khi có việc về quê, đi qua quãng đường ấy, nghe tiếng còi xe rít lên tôi vẫn sởn da gà.
Mấy hôm nay, người ta nói nhiều đến việc ông trưởng công an xã Quảng Điền, huyện Krông Ana (Đăk Lăk) hùng hổ lao vào cái chợ cóc, giật chậu cá, ném mớ rau và tung chân đá tất cả những gì của người dân bày ra ven đường để bán. Hành động dẹp đường của ông là sai, rất sai. Nhiều người lên án, chê trách rằng ông ta lộng quyền, chà đạp lên công đạo. Với nhiều sức ép từ tỉnh tới huyện, ông đã phải đứng trước dân chúng để đưa ra lời xin lỗi. Ông xin lỗi vì hành vi phản cảm của mình, tôi cho là lời xin lỗi cần thiết.
Sau lời xin lỗi, tiểu thương dẹp hàng hóa vào bán sát lề. Chính quyền địa phương cũng đã kẻ vạch sơn để người dân buôn bán không lấn lòng đường. Nhưng sẽ được bao lâu trước khi việc tái chiếm tiếp diễn. Tôi tự hỏi, vì sao ông công an xã giận dữ đến như vậy? Dẹp đường - một phần việc ông được trả lương để thực hiện - phải chăng lâu nay giống trò chơi cút bắt đầy nhàm chán?
Chúng ta không cổ xúy cho hành vi sử dụng bạo lực thiếu phù hợp để thực thi công vụ nhưng bằng sự lên án mạnh mẽ một chiều với ông công an xã, dường như chúng ta lại đã cổ xúy cho hành vi vô pháp của rất đông người dân. Họ họp chợ ngang nhiên, mặc kệ chính quyền hò hét và không thèm chấp Thần Chết đang rập rình.
Giá như năm xưa, chính quyền, công an xã tôi có một người đủ dũng cảm, đủ cương quyết để ra tay dẹp cái chợ ven đường thì nhiều gia đình trong xóm tôi, trong xã tôi đã không mất người thân vì tai nạn. Nhìn rộng ra, nếu cả nước có vài chục anh công an xã hăng hái, cương quyết với việc dẹp chợ ven đường (nhưng theo cách phù hợp), chắc chắn mỗi năm cả nước sẽ không có cả nghìn người phải tử nạn dưới bánh xe.
Tôi từng ngồi với một quan chức ngành giao thông, phân tích về thảm kịch tai nạn diễn ra hàng ngày, vị này khẳng định, Việt Nam có siêu đô thị dài nhất hành tinh, đó là tuyến đô thị bám đường 1A nối dọc theo chiều dài đất nước. Ở đây việc họp chợ, lấn chiếm lòng lề đường đã thành “truyền thống”. Rất nhiều địa phương bất lực. Dăm ba tháng chính quyền tổ chức ra quân lấy lệ rồi đâu đóng đấy.
Vì vậy, khi ông công an xã bất chợt nổi đóa hất tung chậu cá, con gà, nải chuối… ông đã phải vội vã đưa ra lời xin lỗi. Tôi nghĩ, sẽ là công bằng hơn nếu một người dân nào đó cũng dám đứng lên xin lỗi vì hành vi buôn bán không đúng nơi quy định của mình. Lẽ nào hàng trăm người dân sai phạm mà mặc nhiên không ai dám thừa nhận. Pháp luật đề ra chẳng lẽ chỉ để cho vui?
Chúng ta luôn lên tiếng đòi hỏi thượng tôn pháp luật nhưng chúng ta cũng rất nhiều khi hành xử đầy một chiều, cảm tính.
“Thôi, kệ, bao giờ có tai nạn thì người dân sẽ tự lui vào”, tôi sợ nhiều anh công an xã sẽ nghĩ và làm như vậy sau vụ việc này.
Công việc đòi lại vỉa hè, dẹp hàng rong chợ cóc để khuôn mặt các đô thị sáng sủa hơn, sẽ chìm vào bế tắc dài lâu, nếu những lực lượng thực thi dễ dàng bị làm cho nhụt chí vì một cú đá của đồng nghiệp hay vì một đề nghị giải trình cách nói bóng gió "về rừng U Minh" từ Ban Tuyên giáo Cà Mau.
https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/thieu-mot-loi-xin-loi-3651539.html