Thiên đường hạ giới

Tôi đến Tà Năng - Phan Dũng ba lần không có hướng dẫn viên. 

thiên đường

Lần đầu tiên, tôi đã sững sờ trước một nơi đẹp đến nhường này, tồn tại ở một đất nước nhỏ bé đến thế. Có người từng bảo với tôi rằng các ngọn đồi ở đây được gọi là “lưng của khủng long”, bởi nó nhấp nhô đi lên đi xuống. Tôi đã mơ ước mãi được đứng trên lưng khủng long, trong màn sương, nhìn các cột nắng xiên xuống mặt rừng như những lối đi riêng lên thiên đường.

Ở đây từ xưa đã có rất nhiều loại cây phát triển. Chúng hoang dã và tự do. Chúng kết nối với nhau, chia sẻ chất dinh dưỡng qua hàng nghìn năm để bây giờ chúng ta thấy sự hiện hữu của chúng. Đó chính là khu rừng.

Nhưng, lần thứ hai và thứ ba, cũng chính tôi phải chứng kiến sự suy tàn của thiên đường ấy chỉ vì một thứ: tiền.

Hoạt động du lịch là lý do dẫn đến sự suy sụp vẻ đẹp nguyên sơ của Tà Năng - Phan Dũng. Đầu tiên là rác thải. Quay lại một năm sau lần đầu chạm mặt khu rừng, tôi không còn sợ lạc như lần đầu. Rác được rải như lông ngỗng Mỵ Châu từ đầu tới cuối cung đường. Có những nhóm bạn trẻ còn mang theo loa mở nhạc ầm ĩ, phá phách rất vô ý tứ, vứt rác ở bất cứ nơi đâu. Ở thác Yaly, tim tôi như thắt lại khi nhìn thấy đống vỏ lon bia vương vãi trên nền cỏ xanh mướt, chai nhựa và các mảnh rác khắp nơi. Có người còn đi vệ sinh làm bẩn dòng suối.

Tiếp đến, họ bắt đầu bán các món quà lưu niệm, hoặc đặc sản mà họ tự bịa ra. Càng nhiều tour du lịch được sinh ra, càng nhiều tiền chảy vào. Mà tiền là một thứ nhu cầu kỳ lạ, nó không bao giờ có dấu kết.

Và ngay lúc đó, Tà Năng - Phan Dũng hiện lên như một miếng mồi ngon đang chờ được xâu xé. Có cầu thì ắt có cung. Bất cứ ai có đủ tiền cho công ty du lịch đều dễ dàng được ghi danh vào một chuyến đi ba ngày.

Tôi không nghĩ các công ty du lịch nên có mặt ở đó. Hiện tại, họ chẳng mang lại được gì nhiều hơn ngoài một nhóm du khách vô ý thức và các núi rác mới cho khu rừng. Nhiều công ty đang tổ chức tour bất chấp các mùa nguy hiểm. Họ chẳng quan tâm nếu mực nước có quá cao đi chăng nữa. Bạn vẫn sẽ bị đẩy qua sông mà không có bất kỳ thiết bị bảo vệ hay dây thừng nào cả.

Rừng là quần thể được kết nối, chia sẻ và hợp tác với nhau. Trong rừng có rất nhiều loại nấm, đặc biệt là nấm Mycelium - sợi nấm. Loại nấm này có khả năng kết nối cả khu rừng với nhau và chuyển dinh dưỡng, thông tin giữa cây, hoa và cỏ. Tất nhiên sự ích kỷ và hám lợi cá nhân không có quyền đứng xen vào sự mật thiết đó. Điều này là chống lại ý nghĩa của tự nhiên, làm mất sự liên kết của khu rừng.

Thực sự tôi không muốn các tour du lịch lao đến đó nữa. Tôi không muốn họ tổ chức các tour trong khi thiếu kiến thức trầm trọng về rừng cũng như sinh tồn.

Không chỉ ở Tà Năng - Phan Dũng đâu, tôi thường xuyên thấy báo Việt Nam đăng tin “phát hiện” thêm các vụ phá rừng. Ví dụ như trong năm nay thôi, có tin phá 61ha rừng tự nhiên ở Bình Định, phá rừng đặc dụng tại tỉnh Điện Biên, phá rừng tại Quảng Ngãi, Quảng Nam; một vụ phá rừng trồng quy mô lớn vừa được phát hiện tại xã Bar Maih, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Những rừng thông nổi tiếng hơn 50 năm tuổi dọc quốc lộ 14 ở huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum cũng bị triệt hạ. Tại huyện Đăk G\'Long, tỉnh Đăk Nông, hơn 53ha rừng bị phá chỉ trong vòng một năm. Hay hơn 100 ha rừng thông 20 năm tuổi, “Đà Lạt thứ hai” của huyện Kon Plông, Kon Tum bị phá để trồng mắc ca.

Và các hoạt động “du lịch” thiếu ý thức tham gia vào việc phá rừng một cách tích cực. 100 ha rừng phòng hộ bị phá để làm sân golf ở Phú Yên. Một tập đoàn bất động sản lớn còn dọn sạch cả chục ha rừng phòng hộ ven biển Thanh Hóa. Họ phá cả rừng ngập mặn… Nhiều quá tôi không kể hết. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, chỉ trong 5 tháng đầu năm nay có hơn 7.800 vụ chặt phá rừng.

Có một sự thật: 99,5% thời gian của con người tồn tại trên Trái đất là ở trong rừng. 30 triệu năm tiến hóa từ một giống linh trưởng nhỏ cho đến loài người trưởng thành, tất cả chỉ xảy ra khoảng vài nghìn năm trước mà thôi.

Tổ tiên chúng ta từng biết mọi thứ về thiên nhiên. Ta hiểu rõ bí mật của nó, ta biết loài cây nào tốt để làm thuốc, loài nào ăn được và không ăn được. Chúng ta tường tận mọi ngóc ngách, biết nơi nào có thể dùng để trú mưa và nơi đâu để đến mỗi khi bão lũ.

Nhưng giờ đây, c

on người quay lưng lại với thiên nhiên và bước đi một con đường khác. Chúng ta ghì chặt lấy những khối bê tông và nhựa cứng. Ta tôn thờ thần tượng và các thương hiệu đắt tiền. Con người đã biến ngôi nhà của chính tổ tiên thành một nhà máy khổng lồ để phục vụ cho sự tham lam của mình.

Như đã nói, tôi yêu rừng và tôi mong có thêm người Việt Nam cảm nhận được như thế. Ta cần những nơi như vậy để nhắc nhở rằng chúng ta đến từ đâu. Ta cần rừng để giúp ta giũ bỏ nhiều loại bệnh xã hội như nghiện ngập, phương tiện di động, các thực tế sai lầm hay chủ nghĩa tôn thờ vật chất. Và đặc biệt là cơn khát tiền.

Rừng không phải là nơi để chúng ta đùa giỡn. Rừng không chào đón những con người thiếu ý thức cùng với iPhone của họ. Những người đó thèm muốn một nơi tuyệt đẹp để tham quan và chụp hình, nhưng khi rời đi lại để rác cho khu rừng tự dọn.

Rừng cũng không nên là một công cụ để thu lợi nhuận hay phục vụ mục đích cá nhân của bất kỳ ai. Bất cứ khi nào tiền và sự ích kỷ vào cuộc, mọi thứ đúng sẽ bị đảo lộn.

Rừng là để yêu thương, học hỏi và tôn trọng.

thien duong ha gioi Bàn tay vô hình

Bạn hãy tưởng tượng rằng mình đang ở trong một quán ăn vỉa hè ở Bangkok.

thien duong ha gioi Xây đặc khu cần \'bàn tay sắt\'

Đồng tình thiết kế chính quyền đặc khu theo mô hình trao quyền cho Trưởng đặc khu, nhưng đại biểu Quốc hội lưu ý cơ ...

/ Jesse Peterson/VnExpress