Thị trường trái phiếu: Thanh lọc chứ không “khóa chặt”

Trước những “sự cố” xảy ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ký ban hành Chỉ thị 01/CT-BTC về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ...

Trước những “sự cố” xảy ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ký ban hành Chỉ thị 01/CT-BTC về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN phát hành riêng lẻ, yêu cầu Vụ Tài chính ngân hàng khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về chào bán và giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước, chào bán TPDN ra thị trường quốc tế.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, thị trường vốn đang có quy mô tương đương 134,5% GDP, gấp 3,5 lần so với năm 2015. Trong đó, TPDN đạt 14,2% GDP; thậm chí ở một số thống kê khác, con số này được cho là 16,6% GDP. Với tốc độ phát triển ấn tượng, TPDN trở thành kênh huy động vốn rất quan trọng. Tuy nhiên, phát triển nóng cũng đồng nghĩa phát sinh nhiều vấn đề mà pháp luật chưa kịp bắt nhịp theo.

Cụ thể, một bộ phận nhỏ các doanh nghiệp (DN) có sức khoẻ tài chính kém, không đủ điều kiện về chuẩn mực và giới hạn tiếp cận tín dụng đã phát hành TPDN riêng lẻ để huy động vốn. Tình trạng TPDN có thông tin mù mờ, người đầu tư không phải trái chủ và không nắm được mục đích DN sử dụng tiền của mình để làm gì, đã trở nên nhức nhối, tạo nên tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, đến mức, cơ quan quản lý phải tiến hành một loạt động thái thanh lọc. Đồng thời, nhằm tránh các vụ việc tương tự, pháp luật cho thị trường này cũng đang được dự thảo sửa đổi theo hướng siết chặt lại.

trai_phieu_2-1651365780483
Siết chặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhưng không để mất cơ hội tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng, ở các quốc gia trên thế giới, pháp luật không chỉ phục vụ mục đích quản lý hay để áp dụng các chế tài, mà văn bản pháp luật cũng cần có những quy định chính sách để thị trường trái phiếu phát triển. Trong các dự thảo của Nghị định sửa đổi Nghị định 153, ông Hà đánh giá, quan điểm siết chặt của Bộ Tài chính ngày càng được thể hiện rõ. Thậm chí, tại dự thảo mới nhất, đã xuất hiện một số điều khoản mang tính chất bất cập. Cụ thể, DN muốn phát hành riêng lẻ thì năm liền trước không được lỗ.

“Điều kiện quay ngoắt 180 độ khiến DN rất khó khăn, đặc biệt với các DN khởi nghiệp. Bởi lẽ, các DN này thường có thời gian dự kiến lỗ từ 5-10 năm và lỗ theo lộ trình. Vì vậy, sẽ rất nhiều dự án tốt bị bỏ rơi”, ông Hà nói.

Theo luật sư Hà, để hài hoà lợi ích của nhà đầu tư cũng như công tác quản lý của nhà quản lý thì vai trò của cơ quan tham mưu, nhất là Bộ Tài chính trong việc lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của cộng đồng doanh nhân, DN là điều rất quan trọng. “Không phải chỉ vì một vài trường hợp sai phạm mà chuyển sang khoá chặt thị trường. Cần có tư duy cởi mở thì mới giữ được nhịp tăng trưởng của thị trường TPDN”, ông Hà chia sẻ.

Thêm vào đó, ông Hà đánh giá, trái phiếu thực ra là khế ước, tức hợp đồng vay nợ của DN với cá nhân hay với một nhà đầu tư. Và giao dịch dân sự này cần tôn trọng sự vận động của thị trường. Vì vậy, ông Hà khuyến nghị, trước mắt để giữ nhịp tăng trưởng của kênh vốn này, các cơ quan quản lý cần phải trấn an nhà đầu tư, không nên để tình trạng hoang mang lan rộng. Đồng thời phải xử lý một cách hợp tình hợp lý với các lô trái phiếu bị huỷ bỏ, nếu không những lứa nhà đầu tư sau sẽ rất khó để đưa ra quyết định xuống tiền.

Xa hơn, ông Hà kiến nghị phải sửa Nghị định 153 theo hướng phù hợp với thị trường hơn, chứ không phải theo hướng thắt chặt. Theo quan điểm của ông Hà, chính sách thắt chặt có thể khiến thị trường có thể bị đóng băng hoàn toàn, hoặc lại phát sinh thêm kiểu “lách” khác và hành lang pháp lý lại phải chạy theo để sửa đổi.

Có cùng quan điểm, ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng nhóm, Nghiên cứu rủi ro tín dụng FiinRatings, FiinGroup, cũng cho rằng, không phải cứ lỗ là DN xấu. Bởi thực tế, có nhiều DN, dự án đang ở giai đoạn đầu lỗ nhưng bản chất dòng tiền kinh doanh của họ vẫn dương, khả năng chi trả nợ của họ vẫn còn, sức khoẻ tài chính ổn định, khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tín dụng ổn định. Chưa kể, họ cũng có thiện chí trả nợ thì vẫn nên cho phát hành trái phiếu.

"DN lỗ không phải là xấu. Chúng ta cũng nên nhận diện sự khác biệt giữa DN có khả năng trả nợ và thiện chí trả nợ của DN đó. Trái phiếu riêng lẻ nên hướng đến là kênh để DN có mục đích sử dụng vốn minh bạch hoàn toàn có thể tiếp cận được", ông Tùng Anh nhấn mạnh.

Phân tích cụ thể hơn, ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch HĐTV VietinBank Capital cho rằng để tránh hiệu ứng domino đến với thị trường TPDN, điều cần làm là siết chặt lại một số con ốc, thay vì siết mục đích phát hành hay thắt chặt quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp gây "toát mồ hôi"... Chủ tịch VietinBank Capital mong muốn, dù Nghị định 153 sửa đổi theo hướng nào, không làm giảm đi cơ hội tiếp cận vốn của bất kỳ một DN nào và cũng không ngăn cản luồng chảy vốn từ khu vực dân cư cung cấp cho DN.

"Nguyên tắc huy động TPDN là DN tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, nhưng đi kèm quá nhiều điều kiện sẽ khiến nhiều DN sẽ không đáp ứng được. Một lượng lớn nguồn vốn nằm trong khu vực dân cư sẽ không thể chạy đến các DN thông qua sản phẩm tài chính đó. DN buộc phải đi vào ngân hàng. Thậm chí, buộc lại phải đi vay các hình thức hình thức bị bóp méo khác. Bởi khi nhu cầu của DN đủ lớn, nhu cầu khai thác đồng vốn nhàn rỗi đủ lớn, sẽ sinh ra một công cụ hoặc những dạng khế ước nằm ngoài sự kiểm soát của luật pháp, đấy là điều không mong muốn", ông Đức nói.

Bởi vậy, theo ông Đức, nên coi TPDN là chứng khoán hóa các khế ước dân sự đang xảy ra đầy rẫy ở ngoài thị trường, trong nền kinh tế. Việc chứng khoán hóa này giúp cơ quan quản lý nhà nước có địa chỉ để nắm rồi, bây giờ, việc cần làm là siết chặt lại ở một số con ốc.

“Thứ nhất, điều luồng vốn thông qua các tổ chức trung gian. Thứ hai, khuyến khích sử dụng định mức tín nhiệm. Thứ ba, nâng cao vai trò của đại diện trái chủ, nâng cao trách nhiệm của các bên trung gian khác như công ty chứng khoán tham gia trong quá trình tư vấn phát hành hoặc khai thông những quy định cho các định chế tài chính là ngân hàng, quản lý tài sản đảm bảo... là những siết chặt khác. Tiếp đó, nâng cao chất lượng công bố thông tin”, ông Đức phân tích.