Doanh nghiệp yếu kém không được phát hành trái phiếu

Đây là khẳng định đáng chú ý của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại "Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế".

Theo đó, Bộ trưởng Phớc cho biết, ngoài xử phạt nghiêm minh hành vi vi phạm, những doanh nghiệp yếu kém không được phát hành và dòng tiền phải phục vụ đúng mục đích phát hành...

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, hiện nay, thị trường vốn hình thành và vận hành đầy đủ các cấu phần bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh. Quy mô của thị trường vốn tăng trưởng ấn tượng, bình quân 28,5%/năm giai đoạn 2016-2021, đưa quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP năm 2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015. Theo đó, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8% GDP; quy mô thị trường trái phiếu đạt 39,7% GDP, trong đó, trái phiếu Chính phủ là 22,7% GDP và trái phiếu doanh nghiệp là 14,2% GDP.

image001-1650763617515
Dòng tiền phát hành trái phiếu phải phục vụ đúng mục đích phát hành.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, song phát sinh rủi ro do có các nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong việc đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp.

Một số trường hợp có hành vi gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Tình hình tài chính của một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế; một số doanh nghiệp có mục đích sử dụng vốn không đúng với thông tin công bố.

Mặc dù triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu các tổ chức kinh doanh chứng khoán, chất lượng hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường còn chưa đồng đều, còn xảy ra các hành vi tiêu cực. Một số tổ chức kiểm toán, tổ chức thẩm định giá năng lực còn hạn chế, chưa đáp ứng các chuẩn mực nghề nghiệp. Một số tổ chức đại lý phát hành, tổ chức phân phối trái phiếu doanh nghiệp chưa tuân thủ đúng pháp luật.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, do thị trường chứng khoán phát triển quá nhanh, mặc dù công tác thanh tra, giám sát được triển khai trong thời gian gần đây song chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Tình hình chấp hành quy định pháp luật của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức cung cấp dịch vụ chưa cao.

Một số tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường chứng khoán như tổ chức kiểm toán, kế toán, thẩm định giá... không đáp ứng yêu cầu chất lượng và vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Còn nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật và hiểu biết về thị trường, mua bán theo tin đồn, chạy theo lãi suất cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Để đáp ứng nhu cầu vốn cho kinh tế, công tác điều hành thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu của Bộ Tài chính trong thời gian tới tiếp tục duy trì theo hướng đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Bộ Tài chính sẽ tập trung vào năm giải pháp chính, trong đó sẽ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng bền vững để trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp; tập trung phát triển thị trường thứ cấp minh bạch, xây dựng chuẩn mực thị trường, tách bạch rõ giữa trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ.

Trước mắt, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo hướng siết chặt một cách hợp lý, quản lý chặt chẽ các công ty chứng khoán tư vấn phát hành.

"Các doanh nghiệp yếu kém không được phát hành. Thu hẹp lại mục tiêu huy động trái phiếu chỉ phục vụ cho việc đầu tư triển khai dự án. Doanh nghiệp sau khi phát hành phải thông báo ngay cho Sở Giao dịch chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thường xuyên có công bố thông tin về việc sử dụng tiền từ huy động trái phiếu", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.