Thí sinh tận dụng tối đa các phương thức tuyển sinh

Muốn vào Đại học Bách khoa Hà Nội, thay vì chỉ dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT, Đức Khoa vừa làm hồ sơ tài năng, vừa thi đánh giá tư duy.

Thức dậy từ 4h30 ngày 11/4, Nguyễn Đức Khoa, học sinh trường THPT Thuận Thành 1, Bắc Ninh, bắt xe bus lên Hà Nội dự buổi Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021. Năm nay, Khoa dự thi khối A00 (Toán, Lý, Hóa), đặt nguyện vọng 1 vào Công nghệ thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội. Tự nhận tư duy Toán tương đối tốt, lại yêu thích Công nghệ thông tin từ lâu nên Khoa quyết tâm theo đuổi.

Biết nhóm ngành này lấy điểm chuẩn cao nhất, nhì của trường, Khoa xác định học nghiêm túc từ bậc THCS. Năm cuối bậc THPT, em thường dành 12-13 tiếng mỗi ngày cho việc học. Ngoài 3-4 buổi học thêm mỗi tuần, nam sinh chủ yếu tự học ở nhà. Sau nhiều lần thi thử và tự làm đề, Khoa nhẩm tính được khoảng 8-9 điểm mỗi môn trong tổ hợp A00, nhưng vẫn chưa yên tâm.

Thấy Đại học Bách khoa Hà Nội năm nay xét tuyển theo ba phương thức gồm xét tuyển tài năng (chiếm 10-20% tổng chỉ tiêu), sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (50-60%), căn cứ kết quả kỳ thi đánh giá tư duy (30-40%), Khoa lên kế hoạch tận dụng cả ba. Vì lực học ở trường tương đối tốt, nam sinh nộp hồ sơ xét tuyển tài năng trước, sử dụng kết quả học bạ kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, Khoa cũng không hoàn toàn tự tin với phương thức này vì không phải học sinh trường chuyên, "hồ sơ có thể không đủ sáng".

Nếu không trúng tuyển bằng xét tuyển tài năng, em sẽ ôn thi đánh giá tư duy, kỳ thi riêng do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức, bên cạnh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia như bình thường. Với kế hoạch này, thời gian học một ngày của Khoa có thể phải nâng lên 14-15 tiếng bởi nội dung và hình thức thi đánh giá tư duy có chút khác biệt với thi tốt nghiệp. Em dự định bắt đầu tự ôn tập kỳ thi riêng vào tháng 6, hiện sẽ tập trung tối đa cho ba môn Toán, Lý, Hóa để nâng điểm như mong muốn.

"Việc các trường mở rộng nhóm thí sinh đủ điều kiện xét tuyển kết hợp bằng học bạ, chứng chỉ với điểm thi tốt nghiệp THPT và gia tăng các phương thức tuyển sinh giúp chúng em có nhiều cơ hội trúng tuyển. Nhưng bù lại, em cũng cần dành thêm thời gian ôn tập, chuẩn bị hồ sơ chu đáo", Khoa nói.

Thí sinh tận dụng tối đa các phương thức tuyển sinh

Nguyễn Đức Khoa (trái) cùng Nguyễn Minh Quang, bạn cùng lớp, dự tư vấn tuyển sinh và cùng đặt mục tiêu vào Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Thanh Hằng

Cũng như Khoa, Nguyễn Kim Anh, học sinh trường THPT Đa Phúc, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, đang ôn thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội song song với thi tốt nghiệp THPT để tăng cơ hội đỗ vào ngành Luật Kinh tế, Đại học Ngoại thương (trường sử dụng kết quả của Đại học Quốc gia Hà Nội). Không phải học sinh trường chuyên, cũng không có giải học sinh giỏi thành phố hay chứng chỉ tiếng Anh nên Kim Anh không đăng ký xét tuyển kết hợp.

Theo dõi phương án tuyển sinh của Đại học Ngoại thương, ngay khi trường công bố các phương thức, trong đó có tuyển sinh dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Kim Anh nhanh chóng quyết định ôn tập thêm. "Năm nay, trường chỉ còn dành 30% chỉ tiêu từ thi tốt nghiệp THPT, nếu sử dụng phương thức này, em sợ rằng cơ hội trúng tuyển sẽ thấp", Kim Anh giải thích.

Sau khi quyết định dùng hai phương thức xét tuyển, ngoài thời gian đầu tư để học các môn khối A00, Kim Anh tự đọc thêm Địa, Sinh, Sử và Văn để chuẩn bị cho kỳ thi riêng. Để tự đánh giá, nữ sinh cho rằng lợi thế của mình là đã có nền tảng, học đều nhưng vẫn gặp khó khăn để phân chia, sắp xếp thời gian vì phải ôn cùng lúc 7 môn.

Hàng ngày, em sẽ học trên lớp, sau đó tự học hoặc học thêm ở nhà. Kim Anh xác định, khối A00 vẫn là mục tiêu chính, cần đầu tư hơn nên dự định dành 2/3 thời gian ôn luyện. Còn lại, trong những giờ nghỉ hoặc xen kẽ vào lúc rảnh, em sẽ đọc thêm về các môn còn lại. "Em đặt mục tiêu 110/150 điểm thi đánh giá năng lực và mong được 27 điểm khối A để cơ hội vào Đại học Ngoại thương của mình chắc chắn hơn", Kim Anh nói.

Thí sinh tận dụng tối đa các phương thức tuyển sinh

Kim Anh, học sinh trường THPT Đa Phúc, theo dõi các thông tin tư vấn tuyển sinh, ngày 11/4. Ảnh: Thanh Hằng

Hoàng Anh Minh, học sinh trường THPT Lê Quý Đôn, quận Hà Đông, Hà Nội, cũng không yên tâm nếu chỉ xét tuyển theo phương thức dựa vào điểm tốt nghiệp THPT. Minh từ lâu đã yêu thích ngôn ngữ và nước Đức nên đặt mục tiêu thi vào ngành tiếng Đức của Đại học Hà Nội. Ngay khi vào lớp 10, em đã đi học IELTS và tiếng Đức song song. "Lúc đó, em chỉ muốn mình giỏi ngoại ngữ. Nhưng khi lên lớp 12, em nhận ra mình đang sở hữu nhiều công cụ có thể giúp con đường đến với mong muốn của mình đa dạng hơn", Minh nói.

Vì học nhiều môn cùng lúc, nhiều tuần Minh không còn ngày nghỉ, thường xuyên tự học đến gần nửa đêm. Thời điểm căng thẳng nhất với Minh là cuối năm 2020, khi vừa phải ôn thi học kỳ trên trường, vừa phải đảm bảo học thêm 6 buổi tiếng Anh và Đức mỗi tuần. Đến tháng 3 năm nay, nam sinh thi IELTS, được 6.5 và hài lòng về kết quả. Với tiếng Đức, Minh ước chừng mình ở trình độ B1 nhưng chưa đăng ký thi vì muốn ôn tập thêm.

Sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cùng điểm học bạ đều trên 8, Minh đang hoàn thiện hồ sơ để nộp theo phương thức xét tuyển kết hợp để vào Đại học Hà Nội. Xác định sẽ nhiều bạn đạt chứng chỉ ngoại ngữ tương đương hoặc cao hơn mình, Minh không dám lơ là việc học để ôn thi tốt nghiệp THPT. "Nếu không đỗ theo xét tuyển kết hợp, em vẫn còn một cơ hội khác là sử dụng điểm thi. Năm nay, Đại học Hà Nội vẫn lấy khoảng 65% chỉ tiêu từ phương thức này nên cơ hội trúng tuyển của em vẫn còn khá mở", Minh lạc quan.

Năm 2021, đa số đại học mở rộng các nhóm thí sinh thuộc diện xét tuyển kết hợp. Thí sinh sở hữu chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOELF, SAT, ACT... cùng điểm học tập ở mức khá, giỏi có nhiều cơ hội trúng tuyển. Ngoài ra, các trường cũng quan tâm đến nhóm thí sinh tại trường THPT chuyên, song ngữ hoặc đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên.

Các trường còn tăng phương thức tuyển sinh bên cạnh việc xét điểm thi tốt nghiệp THPT như truyền thống. Chẳng hạn, Đại học Xây dựng dành khoảng 10% chỉ tiêu để tuyển thí sinh từ kết quả thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, còn Đại học Ngoại thương tuyển 7% chỉ tiêu từ kỳ thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia Hà Nội và TP HCM.

Thanh Hằng

Đại học Khoa học Tự nhiên có 5 phương thức tuyển sinh năm 2020 Đại học Khoa học Tự nhiên có 5 phương thức tuyển sinh năm 2020
Thay đổi lớn trong tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội Thay đổi lớn trong tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội
/ vnexpress.net