Thêm một giáo trình vi phạm chủ quyền biển đảo

Ngày 5/11, lãnh đạo Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội xác nhận khoa Trung - Nhật lưu trữ cuốn giáo trình ghi sai tên hai quần đảo Việt Nam. 

Giáo trình mang tên "Tổng quan về Trung Quốc" (NXB Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh, 2018), trong đó quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam được nhắc đến dưới hai tên là Tây Sa và Nam Sa.

Bà Đào Thị Thúy Hằng, Phó trưởng khoa Trung - Nhật, cho hay giáo trình này được một cô giáo thỉnh giảng mua về từ Trung Quốc, cho khoa mượn vào đầu năm học 2019-2020. "Khoa Trung - Nhật đã đưa vào danh sách thẩm định giáo trình gửi nhà trường phê duyệt. Nếu không có vấn đề gì, khoa sẽ dùng để giảng dạy cho sinh viên khóa 24 (vào trường năm 2019). Tuy nhiên, nhà trường chưa phê duyệt và giáo trình chưa được đưa vào sử dụng", bà Hằng nói.

Hơn 1.000 cuốn giáo trình có nội dung vi phạm chủ quyền biển đảo bị thu hồi, hiện lưu giữ ở khoa Trung - Nhật. Ảnh: Dương Tâm

Trước đó ngày 21/10, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội gửi văn bản tới Ban chủ nhiệm khoa Trung - Nhật, nêu: "Phòng Khoa học và Đảm bảo chất lượng phát hiện ra các giáo trình tiếng Trung Quốc mà khoa đang giảng dạy nảy sinh một số vấn đề như có in đường lưỡi bò chín đoạn và lồng vào những hình ảnh ghi Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là Nam Sa và Tây Sa. Đó là sự cố ý, tuyên truyền sai trái của phía Trung Quốc".

Ban giám hiệu trường đã yêu cầu khoa dừng việc sử dụng, thu hồi, rà soát tỉ mỉ các giáo trình lựa chọn của nước ngoài nói chung và của Trung Quốc nói riêng để phát hiện nội dung, hình ảnh, câu chữ sai trái nằm lẫn trong các đoạn, câu, ví dụ. "Mọi giáo trình phải thông qua Hội đồng khoa học - Đào tạo trường và báo cáo hiệu trưởng trước khi sử dụng", công văn nêu.

Do giáo trình "Tổng quan về Trung Quốc" chưa được phát hành tại trường nên khoa Trung - Nhật không phải thu hồi cuốn này. Với hai cuốn in bản đồ "đường lưỡi bò" là Đọc - Viết và Nghe sơ cấp trong bộ "Developing Chinese", khi phát hiện sai sót, khoa Trung - Nhật đã thu hồi hơn 1.000 cuốn, trong đó có 716 cuốn do Trung tâm phát hành sách của trường bán, số còn lại do sinh viên tự photo. Phần sai sót nằm ở bài 7, hiện sinh viên học tới bài 6. Khoa nhận trách nhiệm đã làm sai quy trình khi cho sinh viên "dùng thử" trong quá trình thẩm định.

Liên quan đến giáo trình có "đường lưỡi bò" phi pháp, Phòng an ninh chính trị nội bộ (PA03), Công an Hà Nội đã làm việc với Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu trường làm rõ sai phạm của các cá nhân, đơn vị có liên quan và có hình thức xử lý kỷ luật, báo cáo về Bộ trước ngày 5/2/2020.

Dương Tâm

Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo theo luật pháp quốc tế
Bãi Tư Chính chưa hề và chưa bao giờ là khu vực tranh chấp chủ quyền
Thiên đường du lịch biển đảo Campuchia biến thành thủ phủ sòng bạc Trung Quốc như thế nào?
Nhân lên sức mạnh đại đoàn kết bảo vệ chủ quyền biển đảo
7 khái niệm cần hiểu rõ để bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam

/ vnexpress.net