Thể thao Việt Nam, sau "cơn mưa" ASIAD là "bão" Olympic

Không thể phủ nhận sự cố gắng của các vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV) Việt Nam tại ASIAD 19 vừa qua. Tuy nhiên, kỳ Á vận hội này cũng bộc lộ ít nhiều điểm hạn chế của thể thao Việt Nam, nhất là khi Olympic Paris sẽ diễn ra trong vòng chưa đầy 1 năm nữa.

Chuẩn Olympic cao hơn kỷ lục quốc gia

Huy Hoàng có lý do để nói bản thân anh cảm thấy buồn vui lẫn lộn sau khi kết thúc hành trình ASIAD 19. VĐV này chưa thể đổi màu thành công tấm huy chương, đồng thời mới chỉ giành 1 vé tham dự Olympic chuẩn A. Ở nội dung bơi tự do 1.500m nam, Huy Hoàng mới vượt qua chuẩn B. Anh cũng chưa đạt chuẩn Olympic với nội dung bơi tự do 400m nam.

anh2.jpg -0
Vận động viên Nguyễn Thị Thật đã hụt huy chương ASIAD ở những giây cuối.

Đâu là lý do khiến Huy Hoàng mới chỉ đạt 1 chuẩn A Olympic? Đầu tiên, cần khẳng định Huy Hoàng đã thi đấu cố gắng với quyết tâm cao nhất tại ASIAD vừa qua. Tuy nhiên, nỗ lực cải thiện thành tích cá nhân của VĐV người Quảng Bình chưa thể theo kịp tiêu chuẩn tham dự Olympic được nâng lên từng ngày, đặc biệt trước thềm Thế vận hội Paris.

Vào tháng 4/2022, Hiệp hội Thể thao dưới nước thế giới (FINA) đã công bố khung chuẩn Olympic dành cho Thế vận hội Paris. Thành tích được tính làm vòng loại Olympic của VĐV được ghi nhận thi đấu từ ngày 1/3/2023 đến ngày 23/6/2024. Mức chuẩn A và chuẩn B Olympic có thể khiến nhiều VĐV ngạc nhiên, khi nó còn cao hơn cả kỷ lục bơi Việt Nam.

Theo thông báo từ FINA, chuẩn B Olympic nội dung bơi 100m tự do nam là 48 giây 58. Kỷ lục Việt Nam ở thể thức bơi này do VĐV Hoàng Quý Phước thiết lập vào năm 2017, khi anh về đích với thành tích 49 giây 03. Ngay cả trong thời kỳ đỉnh cao, Quý Phước vẫn bơi chậm hơn gần 0,5 giây so với chuẩn B mới của Olympic. Chuẩn A thậm chí còn yêu cầu ở mức 48,34 giây.

Trong trường hợp của Huy Hoàng, nội dung bơi 400m tự do nam anh tham dự ở ASIAD 19 có chuẩn B Olympic là 3 phút 47 giây 91. Huy Hoàng đã về đích với thành tích 3 phút 49 giây 16. Kỷ lục cá nhân của anh ở nội dung này được thiết lập vào 5 năm trước, ở mức 3 phút 48 giây 06, vẫn chậm hơn 1 chút so với yêu cầu tối thiểu IOC đưa ra với các VĐV muốn đến Olympic.

Bên cạnh Bơi, Điền kinh cũng là một trong những môn thể thao có chuẩn Olympic được nâng lên rất cao so với kỳ Thế vận hội trước đó. Đâu là lý do đằng sau hiện tượng này? Đầu tiên, việc nâng tiêu chuẩn tham dự Olympic sau mỗi kỳ Thế vận hội là điều hoàn toàn bình thường, khi mặt bằng chung trình độ các VĐV ngày một tăng dần theo thời gian.

anh1.jpg -0
Vận động viên Huy Hoàng mới chỉ đạt 1 chuẩn A Olympic.

Thứ hai, với môn Bơi, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) có một quy định đặc biệt. Kể từ Thế vận hội Rio, mỗi quốc gia có VĐV đạt chuẩn A Olympic sẽ có thêm 1 VĐV giới tính khác thi đấu ở nội dung tương tự. Đây chính là lý do Ánh Viên được tham dự Olympic Tokyo nhờ suất nam của Huy Hoàng. Trước đó, Quý Phước đã tham dự Olympic Rio khi Ánh Viên có chuẩn A Olympic.

Việc đưa ra quy định "bình đẳng giới" dành cho môn Bơi tại Olympic, vô tình khiến số lượng VĐV tham gia môn này ở 2 kỳ Thế vận hội vừa qua phình to lên. Rất nhiều VĐV tham dự Olympic môn Bơi cũng cho thấy họ chưa đủ khả năng để vươn ra thế giới. Vì thế, cách tốt nhất để IOC và FINA giảm bớt số lượng VĐV, đảm bảo chất lượng chuyên môn của giải là nâng chuẩn vòng loại.

Chuẩn Olympic được nâng cao là thách thức lớn với nhiều nền thể thao. Trên thực tế, chuẩn A Olympic của Bơi và Điền kinh đã nằm ngang mức tranh chấp huy chương tại ASIAD. Vì thế, các quốc gia muốn phát triển 2 môn này sẽ phải nghiêm túc hướng đến tầm nhìn bước ra thế giới, thay vì chỉ đơn giản giành vé Olympic, hoặc thi đấu lấy kinh nghiệm tại châu lục.

Những tấm vé khó khăn

Trước ASIAD 19, Việt Nam mới chỉ có 2 suất tham dự Olympic của Nguyễn Thị Thật (Xe đạp) và Trịnh Thu Vinh (bắn súng). Sau Á vận hội, Nguyễn Huy Hoàng là người mang về tấm vé Olympic thứ 3. Phạm Quang Huy đã giành HCV ASIAD, nhưng chưa thể tham dự Paris năm sau bởi giải đấu này không nằm trong hệ thống thi đấu vòng loại của Olympic.

Trên thực tế, chỉ có 9 môn thi đấu tại ASIAD 19 được chọn làm vòng loại của Olympic Paris. Nhưng phần lớn các môn trong số đó đều không phải thế mạnh của đoàn thể thao Việt Nam. Một số môn thậm chí còn là "vùng trắng" như bơi nghệ thuật, 5 môn phối hợp hiện đại và khúc côn cầu.

16.jpg -0
Đằng sau một vận động viên trẻ tài năng như Nguyễn Thúy Hiền (bơi) là cuộc cạnh tranh gắt gao giữa các bộ môn.

Nếu may mắn hơn, Việt Nam lẽ ra đã có 1 vé trực tiếp đến Olympic năm sau từ Boxing. Môn võ này trao tới 34 suất tham dự Thế vận hội, trung bình 2-4 suất ở mỗi nội dung thi đấu. Tuy nhiên, hầu hết các võ sĩ Việt Nam đều không thể lọt vào đến vòng đấu này. Người duy nhất giành huy chương, võ sĩ Lưu Diễm Quỳnh, lại tranh tài ở hạng mục chỉ lấy 2 suất dự Olympic.

Trong trường hợp đoàn thể thao Việt Nam muốn đặt mục tiêu giành 15 suất dự Olympic giống Thế vận hội Tokyo, đây sẽ là một bài toán khó. Với 3 tấm vé đã có trong tay, đoàn Việt Nam cần phải hướng đến 12 tấm vé khác. Tuy nhiên, số lượng các môn khả dĩ có VĐV đến Olympic hiện chỉ giới hạn trong khoảng 5 môn: Cầu lông, Taekwondo, Rowing, Thể dục dụng cụ.

Với môn Cầu lông, Thùy Linh đang tích lũy được rất nhiều điểm số trên hành trình đến Olympic Paris. Cô thậm chí có thể áp sát top 20 thế giới nếu đạt thành tích tốt tại tour đấu châu Âu và châu Á trong thời gian tới. Bên cạnh Thùy Linh, Đức Phát và Hải Đăng ở nội dung đơn nam cũng đang có bước tiến tốt để đến Thế vận hội vào năm sau.

Trong môn Taekwondo, Trương Thị Kim Tuyền nhiều khả năng vẫn có vé đến Olympic Paris. Để hiện thực hóa điều đó, cô cần cải thiện thành tích thi đấu tại các giải quốc tế trong thời gian tới. Đó cũng là điều Kim Tuyền đang hướng đến. Rowing và Thể dục dụng cụ cũng có một số nội dung thi đấu tốt, qua đó có thể hướng tới việc giành được thêm 1-2 vé.

Tập thể và cá nhân

Những môn thể thao tiếp theo có khả năng giành vé đến Olympic năm tới là Boxing, Cử tạ, Bắn cung, Judo. Chia sẻ bên lề Á vận hội Hàng Châu, ông Đặng Hà Việt (Cục trưởng Cục TDTT, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tham dự ASIAD 19) đã bày tỏ sự tiếc nuối khi Nguyễn Thị Tâm gặp chấn thương trong thời gian tham dự SEA Games 32.

1.jpg -0
Thể thao Việt Nam không có nhiều vận động viên đủ khả năng lấp khoảng trống của Dương Thúy Vi, Nguyễn Thị Tâm hay Nguyễn Thị Thật.

Nếu thi đấu ở thể trạng bình thường, Nguyễn Thị Tâm lẽ ra đã đạt kết quả tốt hơn rất nhiều ở ASIAD vừa qua. Cô chính là người sẵn sàng nhận chỉ tiêu giành HCV Á vận hội, thậm chí hướng đến huy chương Olympic năm tới. Để Nguyễn Thị Tâm có thể hiện thực hóa giấc mơ đó, cô cần được các bác sĩ đưa ra kế hoạch phục hồi, trị liệu phù hợp để đạt phong độ như trước chấn thương.

Câu chuyện không giành được HCV ASIAD của Nguyễn Thị Tâm, và Nguyễn Thị Thật trong môn Xe đạp đã chỉ ra một vấn đề căn bản của thể thao Việt Nam. Đó là, các môn thể thao thành tích cao đang phụ thuộc chỉ tiêu thành tích vào một vài cá nhân nổi trội. Nếu họ không thể thi đấu tốt, hoặc giải nghệ sau đó, bộ môn cũng không có VĐV kế cận.

Trong trường hợp của đội tuyển Boxing Việt Nam, khi Nguyễn Thị Tâm gặp chấn thương, ban huấn luyện lập tức phải hạ chỉ tiêu từ "giành HCV" xuống "có huy chương". Những VĐV như Tâm, Thật, cũng như Dương Thúy Vi (Wushu) được ví như kỳ nhân 10 năm mới xuất hiện 1 lần. Và không phải ai trong số họ cũng sẵn sàng gắn bó để thi đấu với thể thao đỉnh cao trọn tuổi thanh xuân.

"Nếu em sợ thành tích của bản thân trong quá khứ, em đã giải nghệ ngay sau khi giành HCV ASIAD năm 2014. Bởi khi ấy, em đã giành mọi danh hiệu cao quý nhất. Nhưng em vẫn thi đấu đến giờ này vì đam mê". Đó là chia sẻ của Dương Thúy Vi sau khi kết thúc Á vận hội Hàng Châu. Nỗ lực của VĐV là điều đáng quý, nhưng họ cũng cần có người san sẻ gánh nặng mang tên "chỉ tiêu".

Cạnh tranh lấy nhân tài

Trong phạm vi thể thao thành tích cao của Việt Nam, các bộ môn luôn có sự cạnh tranh gay gắt trong việc tuyển mộ VĐV trẻ. Các em được "săn đầu người" bởi hệ thống tuyển trạch viên tại địa phương. Họ vốn là giáo viên thể chất ở các trường tiểu học, trung học cơ sở, và có mối quan hệ với huấn luyện viên thể thao ở nhiều tỉnh thành khác nhau.

Một trong những tiêu chí đánh giá, tuyển chọn VĐV tiềm năng của các HLV là nhìn vào bộ thông số chiều cao, cân nặng, sải tay, sức bật, tốc độ chạy ngắn. Một bé gái 12 tuổi cao trên 1,7m sẽ lập tức được nhận vào đội bóng chuyền, hoặc bóng rổ nữ. Tuy nhiên sau đó, các em có thể được điều chuyển qua một số môn thể thao khác theo yêu cầu của huấn luyện viên.

Nếu xét theo hình thể, một VĐV có thể thi đấu tốt ở nhiều môn thể thao khác nhau nếu được rèn luyện bài bản. Điều này vô tình dẫn đến hiện tượng cạnh tranh VĐV giữa các bộ môn, nhất là với những VĐV có thể hình tốt. Lúc này, các HLV sẽ bước vào khâu "đấu giá": Ai trả tiền lót tay nhiều hơn cho tuyển trạch viên, người đó sẽ chiêu mộ được VĐV tốt hơn.

Một điểm đáng chú ý là khoản chi phí chiêu mộ VĐV trẻ, bao gồm tiền lót tay cho tuyển trạch viên, không được hạch toán vào chi phí của các bộ môn địa phương. Tiền này thường là tiền túi của huấn luyện viên đảm nhiệm cương vị trưởng bộ môn đó. Đây cũng là nguồn gốc câu chuyện "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" của các HLV thể thao.

 Thể thao Việt Nam, sau "cơn mưa" ASIAD là "bão" Olympic - Báo An ninh thế giới (cand.com.vn)

Đơn Ca / CAND