Thể thao Việt Nam cần gì để thoát cảnh “khát” HCV ASIAD?

Đoàn TTVN khép lại ASIAD 19 với 3 HCV, 5 HCB và 19 HCĐ, xếp thứ 21 trên bảng tổng sắp, hoàn thành chỉ tiêu trước ngày lên đường (2-5 HCV).

Đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) về hình thức đã hoàn thành chỉ tiêu tại ASIAD 19 với 3 HCV. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, các VĐV Việt Nam thi đấu rất chật vật ở Á vận hội lần này, bất chấp việc hai kỳ SEA Games liên tiếp đứng đầu khu vực.

Nghịch lý nhưng không bất ngờ

Đoàn TTVN khép lại ASIAD 19 với 3 HCV, 5 HCB và 19 HCĐ, xếp thứ 21 trên bảng tổng sắp, hoàn thành chỉ tiêu trước ngày lên đường (2-5 HCV). Tuy nhiên, nếu so với các quốc gia Đông Nam Á khác, chủ nhà SEA Games 31 đã tụt lại.

Thể thao Việt Nam cần gì để thoát cảnh “khát” HCV ASIAD? - Ảnh 1.

Đội tuyển karate Việt Nam giành 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ tại ASIAD 19. Ảnh: Quý Lượng.

Thái Lan xếp thứ 8 với 12 HCV, Indonesia đứng thứ 13 với 7 HCV, liền sau là Malaysia (6 HCV). Philippines giành 4 HCV, xếp thứ 17 còn Singapore tuy có cùng 3 HCV như Việt Nam nhưng đứng trên 1 bậc nhờ hơn HCB.

Điều đáng nói, ở hai kỳ SEA Games gần nhất, TTVN đều xuất sắc đứng đầu khu vực. Chuyên gia Đặng Việt Cường cho rằng, đây là nghịch lý song không bất ngờ.

"Tại ASIAD 19, Việt Nam có hơn 300 VĐV tranh tài, nhưng chỉ có 10 VĐV là niềm hy vọng và trên thực tế duy nhất cầu mây 4 nữ là ứng cử viên vô địch và họ đã giành được HCV. Tấm HCV của Phạm Quang Huy là nỗ lực và dấu ấn cá nhân rất lớn của VĐV này. Chúng ta nhất toàn đoàn hai kỳ SEA Games nhưng chỉ đứng thứ 6 khu vực là điều đáng buồn so với tiềm năng, vị thế", ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, ở đấu trường châu lục sự cạnh khốc liệt hơn khu vực và thành tích 3 HCV đã phản ánh đúng trình độ VĐV và năng lực đào tạo của TTVN. Chúng ta không có môn thuộc diện có thế mạnh hàng đầu, không có ứng viên thực sự giành HCV ASIAD.

Trong khi đó, Cục trưởng Cục TDTT, Trưởng đoàn TTVN tại ASIAD 19 Đặng Hà Việt cho rằng, thể thao thành tích cao là câu chuyện kinh tế, khi nguồn lực đầu tư cho thể thao tại Việt Nam còn hạn chế thì rất khó để cạnh tranh ở các đấu trường lớn như ASIAD hay Olympic.

Đầu tư thiếu hợp lý?

Theo tìm hiểu, mỗi năm, TTVN được cấp khoảng 800-900 tỷ đồng từ ngân sách, để duy trì hệ thống đào tạo, huấn luyện, thi đấu với cả nghìn HLV, VĐV, chuyên gia. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa còn hạn chế nên ngành thể thao đã phải liệu cơm gắp mắm sao cho phù hợp.

Nhưng có một thực tế, dường như TTVN vẫn đang quá chú trọng vào sân chơi SEA Games, đầu tư dàn trải dù nguồn lực có hạn. Chuyên gia Đặng Việt Cường hoàn toàn tán thành quan điểm này: "Cách thức đầu tư, huấn luyện và mục tiêu của TTVN chỉ phù hợp với SEA Games tổ chức 2 năm một lần, có tầm mức kém xa ASIAD".

Đồng ý kiến, nhà báo Nguyễn Lưu nhìn nhận: "Báo chí Indonesia nói chúng ta là gã khổng lồ ở SEA Games và kẻ tí hon tại ASIAD. Việt Nam mang đại quân hơn 300 VĐV dự Á vận hội mà chỉ giành 3 HCV. Trong khi Triều Tiên chỉ mang quân số bằng một nửa chúng ta mà họ giành tới 11 HCV, đứng top 10".

Theo ông Lưu, ở một vài kỳ SEA Games gần đây, nhiều quốc gia Đông Nam Á không còn quá mặn mà, không bằng mọi giá giành giật huy chương. Trong khi đó, để hướng tới SEA Games, chúng ta vẫn đầu tư cho cả ngàn VĐV trọng điểm, bao gồm nhiều môn không thuộc hệ thống Olympic giữa bối cảnh kinh phí hạn hẹp.

Vị nhà báo kỳ cựu còn thẳng thắn chỉ ra rằng, bên cạnh việc đầu tư chưa hợp lý, dồn trọng tâm cho SEA Games, việc tính toán phong độ, phân bổ điểm rơi cho các VĐV Việt Nam cũng bất cập.

Điều này dẫn tới việc nhiều VĐV không có thể trạng, thể lực và hưng phấn cao nhất tại đấu trường châu lục. Điền kinh là một ví dụ khi từng giành 22 HCV SEA Games 32 nhưng không có nổi tấm huy chương nào ở ASIAD.

Phải có nhiều giải pháp đồng bộ

Vậy làm sao để TTVN thoát khỏi cảnh xưng bá SEA Games nhưng chật vật ở ASIAD? Ông Đặng Hà Việt khẳng định, không phải chỉ trong ngày một, ngày hai chúng có ngay các nhà vô địch Olympic và châu Á.

"Đó sẽ là quá trình lâu dài, từ việc phát triển giáo dục thể chất rồi việc xác định môn nào là trọng điểm, cần phải có hệ thống tuyển chọn ở 63 tỉnh, thành và gần như ngay ở các cấp, từ cấp tiểu học đã phải có hệ thống thi đấu, từ đó mới lựa chọn được nhiều tài năng cho TTVN.

Hiện nay, thể thao Việt Nam tổ chức còn lỏng lẻo, thế mới có chuyện lùm xùm ở đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia. Chúng ta chưa biết liệu còn những trường hợp khác hay không. Thiết nghĩ ngành thể thao cần siết lại tổ chức về mọi mặt, để cả hệ thống thực sự đi vào khuôn khổ, việc đầu tư xứng đáng, đúng người, đúng chỗ, đạt hiệu quả cao nhất.

Nhà báo Nguyễn Lưu

Phân tích các môn thể thao đạt HCV của các nước Đông Nam Á chúng ta thấy rất rõ, hầu hết huy chương của họ đến từ các môn thể thao xã hội hóa và các môn thể thao truyền thống có hệ thống thi đấu từ cấp tiểu học. Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng đều là những quốc gia có phong trào thể thao trường học phát triển mạnh.

Ngoài ra, chúng ta cần một quy trình toàn diện, khoa học và bài bản, từ khâu tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, hồi phục, phòng tránh - điều trị chấn thương và đội ngũ khoa học với trang thiết bị hiện đại để hỗ trợ công tác kiểm tra, đánh giá VĐV, phân tích đối thủ", Trưởng đoàn TTVN nói.

Chuyên gia Đặng Việt Cường nhấn mạnh, để bứt phá, ngoài việc huy động nguồn lực đảm bảo, điều cốt yếu là phải thay đổi cả chiến lược, mục tiêu, cách làm, trong đó thành tích và trình độ châu Á phải là đích nhắm chính. Có sự phân cấp rõ ràng giữa Olympic, ASIAD, SEA Games để từ đó triển khai việc đầu tư cho ASIAD mang tính trọng tâm, trọng điểm, đúng quy trình quốc tế.

"Đặc biệt, chúng ta phải tạo nên một số môn hội đủ các yếu tố thành nhóm mũi nhọn, có khả năng tranh chấp huy chương ASIAD, Olympic một cách ổn định. Chẳng hạn như bắn súng, cử tạ, cầu mây, karate", ông Cường tiếp lời.

Nhưng để VĐV Việt Nam đủ sức giành giật huy chương ở đấu trường lớn, ông Cường cho rằng cần quyết liệt hơn đầu tư về mặt khoa học kỹ thuật, dinh dưỡng thể thao.

"Chế độ dinh dưỡng dành cho các VĐV Việt Nam đang thực sự là vấn đề. Từ vụ bữa ăn 800.000 đồng của các tuyển thủ bóng bàn trẻ, chúng ta chưa nói tới việc có bớt xén hay không, nhưng rõ ràng cách thực hiện chưa tốt. Chúng ta chưa có chế độ ăn buffet cho các VĐV. Những VĐV ở các môn khác nhau phải có chế độ dinh dưỡng khác nhau, một VĐV của môn vật thì chế độ ăn không thể giống VĐV bắn súng được", ông Cường phân tích.

Ở góc nhìn tổng thể hơn, nhà báo Nguyễn Lưu khẳng định, TTVN muốn phát triển thì nhất thiết phải tổ chức lại toàn bộ hệ thống, từ cao xuống thấp: "Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta cần nhìn nhận thẳng vào thực tế để thay đổi chứ không nên xuê xoa nữa. Cứ mỗi kỳ đại hội lại rút kinh nghiệm, động viên nhau nhưng đâu vẫn hoàn đấy".

Những điểm sáng của TTVN tại ASIAD 19

Ngoài 3 HCV của bắn súng, karate và cầu mây, về thành tích cũng có những thông số đáng khích lệ như thành tích 7 phút 51 giây 44 của Nguyễn Huy Hoàng, nội dung bơi 800m tự do, tốt hơn 2,88 giây so với lần Hoàng giành HCĐ ở Asian Games 18. Hay như ở nội dung 4x400m tiếp sức của môn điền kinh, dù chỉ về đích ở vị trí thứ 4 nhưng thành tích 3 phút 31 giây 61 đã vượt qua mức 3 phút 32,36 ở Giải vô địch châu Á 2023. Đội tuyển bóng chuyền nữ tuy chỉ về thứ 4 nhưng đã đánh bại cả Hàn Quốc lẫn Triều Tiên.

 Thể thao Việt Nam cần gì để thoát cảnh “khát” HCV ASIAD? (baogiaothong.vn)

An Khuê / Giao thông