Thế giới kiềm chế trước "lằn ranh đỏ" thuế quan của Mỹ

Trong bối cảnh làn sóng bảo hộ thương mại ngày càng rõ nét, nhiều quốc gia đã chọn cách tiếp cận thận trọng trước chính sách thuế quan cứng rắn của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thay vì đáp trả tương xứng, các nền kinh tế lớn như Liên minh châu Âu (EU), Canada hay Anh đang tính toán kỹ lưỡng nhằm tránh rơi vào một cuộc chiến thương mại toàn diện - điều có thể gây tổn thất sâu rộng không chỉ cho Mỹ mà cả phần còn lại của thế giới.

Theo Wall Street Journal, phần lớn các nhà lãnh đạo toàn cầu đang thực hiện chiến lược "kiềm chế chiến lược", trong đó tránh đối đầu trực diện với Washington nhằm duy trì ổn định kinh tế trong nước. Trung Quốc là ví dụ điển hình cho nguy cơ phản tác dụng khi trả đũa quá mạnh tay: mức thuế lên tới 125% đối với hàng hóa Mỹ khiến giá thành sản phẩm tăng cao, làm tổn thương chính thị trường nội địa.

EU, mặc dù đã chuẩn bị danh sách các mặt hàng Mỹ để đánh thuế, vẫn quyết định tạm dừng triển khai và chỉ kích hoạt trong trường hợp đàm phán thất bại. Canada - dù có hành động mạnh mẽ hơn - cũng giới hạn phạm vi đánh thuế trong khung kiểm soát và nhắm tới các sản phẩm vi phạm Hiệp định USMCA. Anh thậm chí tuyên bố không có kế hoạch trả đũa và đang ưu tiên đàm phán với các đối tác thương mại khác như Ấn Độ.

Thế giới kiềm chế trước
Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra chính sách về thuế quan. (Ảnh: Reuters)

Các nghiên cứu kinh tế lượng đều cho thấy rằng chiến tranh thương mại gây thiệt hại cho tất cả các bên. Nghiên cứu của Trường Kinh doanh Aston (Anh) ước tính nếu các quốc gia phản ứng bằng các biện pháp trả đũa tương đương, kinh tế Mỹ có thể mất tới 2,5% thu nhập bình quân đầu người trong dài hạn, còn các nước đối tác cũng không tránh khỏi suy giảm tăng trưởng.

Một mô hình khác của Ủy ban châu Âu chỉ ra rằng nếu EU phản ứng mạnh mẽ, tăng trưởng của Mỹ có thể sụt giảm 2%, còn EU cũng mất khoảng 0,5%. Không chỉ là bài toán kinh tế, vấn đề còn mang tính chính trị. Các nước buộc phải cân nhắc giữa việc thể hiện lập trường và việc tự gây thiệt hại cho chính mình. Ignacio García Bercero, cựu quan chức thương mại EU, nhấn mạnh rằng "việc Mỹ tự làm tổn hại nền kinh tế của mình không có nghĩa các nước khác nên làm theo".

Dù vậy, áp lực trả đũa vẫn đang âm ỉ, nhất là khi chính quyền Tổng thống Donald Trump chưa có dấu hiệu nhượng bộ đáng kể. Giới chức EU đã đề xuất phương án đánh thuế vào doanh thu kỹ thuật số hoặc dịch vụ tài chính của các tập đoàn công nghệ Mỹ - một lĩnh vực Mỹ đang có thặng dư thương mại. Dù vậy, điều này cũng tiềm ẩn rủi ro với các nước như Ireland - nơi tập trung nhiều công ty công nghệ Mỹ.

Chiến lược kiềm chế cho thấy thế giới đang tìm kiếm một "khoảng đệm" để duy trì đối thoại và tránh kịch bản đối đầu toàn diện. Nhưng nếu Mỹ tiếp tục áp dụng các biện pháp đơn phương và áp lực trong nước tại các quốc gia bị ảnh hưởng ngày càng gia tăng, kịch bản một cuộc chiến thương mại quy mô lớn là điều khó tránh khỏi.

https://cand.com.vn/the-gioi-24h/the-gioi-kiem-che-truoc-lan-ranh-do-thue-quan-cua-my-i765792/

Như Thảo / CAND