- Elon Musk biến nợ vay thương vụ 44 tỷ USD thành ‘vàng’: Ngân hàng lãi đậm nhờ tin tưởng vào ông chủ Tesla
- Ông Trump không để Elon Musk tham gia vào quyết định liên quan đến không gian
Những nhà tài phiệt, tỷ phú không còn tập trung vào xây dựng các đế chế kinh doanh của riêng mình nữa mà lấn sân sang làm chính trị gia, tạo ảnh hưởng toàn cầu.
Trong nhiều thế kỷ, nền chính trị được coi là lãnh địa của những con người am hiểu luật pháp, ngoại giao và chính sách công. Nhưng thế giới hiện nay không còn như vậy.
Từ sòng bạc đến Phòng Bầu dục
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên mà những doanh nhân, nhà tài phiệt với tư duy thương mại và kỹ năng thao túng thị trường có thể đường hoàng bước vào chính trường, thậm chí nắm giữ quyền lực cao nhất. Donald Trump, Elon Musk, Silvio Berlusconi và Thaksin Shinawatra là những biểu tượng điển hình cho xu hướng này.

Tổng thống Donald Trump - hình mẫu tiêu biểu của một "nhà buôn bỏ nghề", "tay ngang làm chính trị gia".
Không một chính trị gia truyền thống nào có thể hình dung ra cảnh một ông trùm bất động sản, người từng điều hành các sòng bạc và là ngôi sao truyền hình thực tế, lại có thể trở thành Tổng thống Hoa Kỳ. Nhưng Donald Trump đã làm được.
Ông Donald Trump không có nền tảng chính trị, không có kinh nghiệm ngoại giao, cũng chẳng phải học giả kinh tế. Điều ông có là một cái tên đủ hấp dẫn để tạo thương hiệu và khả năng khuấy động đám đông bằng những phát ngôn gây sốc.
Với chiến lược truyền thông táo bạo, ông Trump đã tận dụng sự thất vọng của cử tri đối với giới tinh hoa chính trị để xây dựng hình ảnh một "người ngoài cuộc", sẵn sàng phá vỡ hệ thống. Khi lên nắm quyền, và đến nay là lần thứ hai, ông vận hành Nhà Trắng không khác gì một tập đoàn, đưa những người trung thành vào vị trí chủ chốt và điều hành bằng bản năng thương mại, thay vì tuân theo các quy tắc chính trị truyền thống.
Không chỉ ông Trump, trước đó, Silvio Berlusconi, một trùm truyền thông Italia, đã ba lần trở thành Thủ tướng nước này, nhờ vào quyền lực truyền thông và mối quan hệ chặt chẽ với giới doanh nghiệp. Thaksin Shinawatra, một tỷ phú viễn thông, cũng đã tận dụng sức mạnh tài chính để bước lên vũ đài chính trị Thái Lan và duy trì ảnh hưởng trong nhiều thập kỷ, ngay cả sau khi bị lật đổ.
Sự xuất hiện của những nhà buôn trong chính trị cho thấy một thực tế: thời đại của chuyên môn hóa đã kết thúc. Các chính trị gia chuyên nghiệp từng thống trị hệ thống, nhưng nay họ phải nhường chỗ cho những kẻ có sức hút truyền thông, quyền lực kinh tế và khả năng thao túng dư luận.
Vì sao tỷ phú thích làm chính trị?
Chia sẻ cùng VTC News, ông Hoàng Việt - Đại học Luật TP.HCM cho rằng, giữa chính trị gia và doanh nhân luôn có mối quan hệ chặt chẽ, gắn liền với các chính sách kinh tế, trong đó giới tài phiệt ít nhiều chi phối đến việc hoạt định chính sách của các nước.
"Chúng ta có thể thấy, những người làm chính trị và kinh doanh có mối liên hệ, chi phối, tác động lẫn nhau. Ngay ở Thái Lan, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra trước khi làm chính trị, lãnh đạo đất nước, ông làm kinh doanh rất thành công. Thời gian ông Thaksin nắm quyền thì tất cả những doanh nghiệp của ông vẫn giữ nguyên, hoạt động bình thường", ông Hoàng Việt cho hay.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và tỷ phú Elon Musk. (Ảnh: Getty)
Theo ông Hoàng Việt, khi các tỷ phú khi lấn sân sang chính trị, các quyết sách của họ cũng sẽ hướng đến việc bảo vệ quyền lợi, mang lại lợi ích cho chính họ và nhóm, những người ủng hộ.
"Ví dụ, ông Donald Trump, ông ấy sẽ phục vụ cho những người giàu có. Còn chính quyền ông Joe Biden thì lại phục vụ cho những người trung lưu. Mỗi một bên sẽ chọn ra nhóm đối tượng để tập trung. Đảng Dân chủ sẽ chạy theo nhóm trung lưu và đảng Cộng hòa chạy theo tầng lớp giàu có. Rõ ràng mỗi đảng đều có những nhóm của riêng mình và những nhóm đó đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành chính sách", ông Hoàng Việt cho hay.
Ông Hoàng Việt cho rằng, không phải người nào xuất phát từ doanh nhân ra cũng thành công trong vấn đề chính trị. Theo ông, mọi người nên sẵn sàng cho một cuộc thử nghiệm đối với một chính quyền có lãnh đạo là những nhà buôn chính hiệu.
Còn theo GS. TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho hay việc doanh nhân, tỷ phú chuyển sang làm chính trị không phải là điều quá khó hiểu. Ông cho rằng, điểm chung giữa những nhà làm kinh doanh và chính trị đó là có tư duy giống nhau.
"Tỷ phú Mỹ Donald Trump làm chính trị được mọi người xem là chuyện bình thường, không phải là điều gì quá khó hiểu. Các nhân vật trong nội các của ông Trump cũng có nhiều tỷ phú. Nhìn chung, tư duy của những người làm kinh doanh và tư duy của các nhà chính trị có nhiều điểm tương đồng", GS. TS Võ Đại Lược nói.
Theo GS. TS Võ Đại Lược, có 2 vấn đề cần làm rõ, đó là sở thích và mục đích. Không phải tỷ phú nào cũng thích làm chính trị, trường hợp như ông Trump thuộc loại hiếm. Và để những tỷ phú lấn sân sang chính trị thì họ phải có sự hậu thuẫn, ủng hộ mạnh mẽ từ giới kinh doanh, nhóm lợi ích.
"Xuất thân là doanh nhân, các tỷ phú khi chuyển sang làm chính trị sẽ phải nhận được sự ủng ủng hộ của nhiều tỷ phú. Và ngược lại, khi làm chính trị, họ có những chính sách ủng hộ đối với nhóm này", GS Võ Đại Lược cho biết thêm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoài Bắc (kiều bào Canada) - Ủy viên Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hội doanh nhân Việt Nam - Canada, cho biết nhà tài phiệt, tỷ phú khi làm chính trị sẽ có nhiều khác biệt với các nhà hoạt động chính trị đơn thuần.
"Giống như các nhà khoa học, nhân vật trong các lĩnh vực chuyên ngành chuyển sang làm chính trị, các tài phiệt cũng sẽ có nhiều khác biệt. Nước Mỹ dưới nhiệm kỳ Donald Trump 2.0 là ví dụ. Khác với nhiệm kỳ đầu, ông Trump lựa chọn nhiều doanh nhân vào bộ máy của mình ngay sau khi tiếp quản Nhà Trắng.
Ông Trump và bộ sậu của mình, với vai trò nổi bật của Elon Musk, nhanh chóng bắt tay vào công việc, liên tục có những chính sách bất ngờ, khiến cho thế giới và ngay chính các đồng minh của Mỹ 'đứng ngồi không yên'. Mục tiêu của những chính trị gia xuất thân từ doanh nhân này là đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên hết", ông Nguyễn Hoài Bắc chia sẻ.
Ở nước Mỹ, những "bộ óc" kinh tế như Donald Trump và Elon Musk mới bắt đầu cho những kế hoạch tham vọng của mình, cần phải chờ xem, thời gian mới trả lời cho kết quả của những quyết sách táo bạo của họ. Rõ ràng, hiện có rất nhiều vấn đề đối với chính quyền ông Trump, từ ý tưởng cho đến việc hiện thực hóa là cả một chặng đường dài.

Những nhà tài phiệt, tỷ phú khi làm chính trị sẽ có nhiều khác biệt với các nhà hoạt động chính trị đơn thuần.
Ông Nguyễn Hoài Bắc (kiều bào Canada) - Ủy viên Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hội doanh nhân Việt Nam - Canada
Xung đột lợi ích?
Đề cập đến thuận lợi, khó khăn của những "tay ngang", chuyển từ tỷ phú sang làm chính trị, GS Võ Đại Lược cho rằng khi những nhà buôn lấn sân sang làm chính trị, họ sẽ có quan điểm, chính sách khác với những chính trị gia thuần túy.
"Có những điểm giống nhau và có cả những điểm khác nhau. Bởi vì những người làm tỷ phú khi cân nhắc về quyết sách, họ sẽ tính đến lợi ích rất cụ thể. Còn người chính trị thuần túy thì quá trính cân nhắc của họ khác hơn, song đó là điều bình thường, không quá khó hiểu.
Đối với ông Donald Trump, nước Mỹ là trên hết. Việc tài trợ cho cuộc xung đột ở Ukraine, ông Trump sẽ không thể nào bỏ ra hàng tỷ USD ủng hộ Kiev giống ông Biden. Đối với Trump, việc nào có lợi cho nước Mỹ thì ông ấy sẽ làm, cái gì không có lợi sẽ không làm. Cho nên Mỹ sẽ buộc NATO phải chi tiền. Đó là tư duy của người làm kinh doanh", GS Võ Đại Lược nhấn mạnh.
Ở nước Mỹ có hai loại hai trường phái chính trị, một trường phái xem Mỹ là số một, giữ vai trò lãnh đạo thế giới. Cho nên, Mỹ phải nhúng tay vào mọi chuyện, bỏ tiền ra chi cho nhiều tổ chức quốc tế, khối NATO.
Thứ hai, ở Mỹ có tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Những năm vừa, ngân sách của Mỹ chi 700 tỷ USD (năm nay là hơn 900 tỷ USD) chủ yếu để mua vũ khí của tổ hợp công nghiệp quốc phòng này. Lợi ích của tổ hợp công nghiệp quốc phòng này là phải bán vũ khí, mà muốn bán được vũ khí thì phải có xung đột, chiến sự nổ ra. Cho nên, họ sẽ kích động để các nước đánh nhau. Thực chất, đằng sau các cuộc xung đột đều có Mỹ.
Tổ hợp này có lợi ích đối với nước Mỹ. Tức là nếu kinh tế suy thoái thì chính tổ hợp công nghiệp quốc phòng này sẽ giữ nền kinh tế Mỹ không bị suy thoái. Cho nên, tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Mỹ đóng vai trò chi phối, ảnh hưởng rất lớn trong nền chính trị, kinh tế Mỹ.
Theo GS Võ Đại Lược, ông Donald Trump là một tài phiệt, nên ông ấy biết rõ những tổ hợp công nghiệp quốc phòng này. Chính vì thế mà ngay khi vừa mới lên nắm chính quyền, ông Trump dừng ngay việc viện trợ cho Ukraine, tìm giải pháp chấm dứt xung đột Ukraine - Nga bởi chi tiền cho Kiev như chính quyền ông Biden sẽ ngốn khoản lớn ngân sách của Mỹ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoài Bắc cho biết, nhà tài phiệt, tỷ phú khi làm chính trị sẽ có nhiều khác biệt với các nhà hoạt động chính trị đơn thuần.
"Giống như các nhà khoa học, nhân vật trong các lĩnh vực chuyên ngành chuyển sang làm chính trị, các tài phiệt cũng sẽ có nhiều khác biệt. Nước Mỹ dưới nhiệm kỳ Donald Trump 2.0 là ví dụ. Khác với nhiệm kỳ đầu, ông Trump lựa chọn nhiều doanh nhân vào bộ máy của mình ngay sau khi tiếp quản Nhà Trắng.
Ông Trump và bộ sậu của mình, với vai trò nổi bật của Elon Musk, nhanh chóng bắt tay vào công việc, liên tục có những chính sách bất ngờ, khiến cho thế giới và ngay chính các đồng minh của Mỹ 'đứng ngồi không yên'. Mục tiêu của những chính trị gia xuất thân từ doanh nhân này là đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên hết", ông Nguyễn Hoài Bắc chia sẻ.

Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra là tỷ phú trước khi tham gia chính trường. (Ảnh: Kyodo)
Ông Nguyễn Hoài Bắc cho rằng, nhà tài phiệt làm chính trị luôn hướng tới lợi tức tối đa, muốn bảo đảm cho người lao động trong quốc gia hưởng chế độ cao nhất. Theo ông, nhà tài phiệt và doanh nhân tham gia chính trường nhiều lợi hơn hại bởi họ đặt cuộc sống bản thân và cộng đồng xã hội là tối thượng.
Nước Mỹ nhiệm kỳ Trump 2.0 đầy biến số với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Mỹ. Các sách lệnh áp giá thuế nhập khẩu hàng hoá vào Mỹ tăng tới 25%, kể cả đồng minh có quan hệ gần gũi, bền chặt trong nhiều thập kỷ.
Các cuộc đàm phán trực tiếp, giá tiếp hoặc dùng chiêu bài truyền thông đi trước phủ đầu đối phương, với chiến lược 'lấy hư làm thực" như kêu gọi sáp nhập Canada vào Mỹ, mua lại hòn đảo Greenland, giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama... đều khiến các bên bất ngờ. Mục đích quan trọng của ông Trump và đội ngũ cộng sự của ông là bài toán lợi ích, có lợi cho nước Mỹ.
Chưa hết, với tư duy của những người làm kinh tế, ông Trump và Elon đã tinh gọn bộ máy chính phủ Mỹ, sa thải loạt quan chức trong hệ thống công quyền vốn được xem là không cần thiết, gánh nặng đối với ngân sách của nước Mỹ.
Đối với vấn đề Ukraine, ngoài việc dừng viện trợ, ông Trump còn đẩy Ukraine và Tổng thống Zelensky vào thế "tiến thoái lưỡng nan" trong thỏa thuận "mua bán đổi chác" đất hiếm và khoáng sản quý trị giá 500 tỷ USD. Đó là tư duy của người làm kinh doanh, của những nhà tài phiệt.
Ông Nguyễn Hoài Bắc nhấn mạnh, các quốc gia muốn hưng thịnh thì không thể dựa vào các công ty của nhà nước. Ông Trump và bộ sậu của mình đã nhìn thấu điều đó, nước Mỹ hiểu nên giao hết kinh doanh, sản xuất, công nghệ cao cho tư nhân hóa.
Thế giới hậu chuyên môn hóa không còn đặt nặng các yếu tố truyền thống như bằng cấp, kinh nghiệm hay sự am hiểu luật pháp. Thay vào đó, nó được quyết định bởi quyền lực tài chính, khả năng gây ảnh hưởng và sự linh hoạt trong cách tiếp cận chính trị. Đây có thể là một bước tiến dân chủ, nhưng cũng là một con dao hai lưỡi, khi những người thiếu kinh nghiệm điều hành nhà nước có thể kéo cả hệ thống vào hỗn loạn.
Vậy câu hỏi đặt ra là thế giới sẽ đi về đâu khi chính trị trở thành một "thị trường mở", nơi những người có tiền và sức ảnh hưởng có thể mua quyền lực? Liệu chúng ta đang chứng kiến sự dân chủ hóa chính trị, hay chỉ là một cuộc chiến quyền lực kiểu mới, nơi những nhà buôn chiếm thế thượng phong?