Để ngăn chặn tẩu tán tài sản tham nhũng, phải phong tỏa tài sản của cá nhân cán bộ, công chức phạm tội tham nhũng và người thân của họ.
Liên quan đến vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty Địa ốc Alibaba, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã gửi công văn đề nghị phong tỏa tài khoản kèm bảng danh sách 16 người đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM.
Trong bảng danh sách này có tên cha mẹ ông Nguyễn Thái Luyện (Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Alibaba) là ông Nguyễn Văn Huấn và bà Thái Thị Túc.
Ngoài ra, danh sách này còn có tên bà Huỳnh Thị Ngọc Như (Phó Tổng Giám đốc đối ngoại và đào tạo Công ty Alibaba).
Theo đại diện Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, động thái này nhằm để xác minh người thân của Luyện và các giám đốc thuộc Alibaba có đứng tên tài khoản nào không, từ đó cơ quan điều tra sẽ tổng rà soát để phong tỏa và thu hồi.
Trao đổi với Đất Việt, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, đây là một trong những biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn mà luật pháp cho phép nhằm tránh tẩu tán tài sản do lừa đảo, chiếm đoạt mà có.
Bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra hoàn toàn xác định được có hay không dấu hiệu tẩu tán, chuyển dịch tài sản cho người thân trong vụ án xảy ra tại Công ty Địa ốc Alibaba. Trong trường hợp xác định đó là tài sản tẩu tán do lừa đảo, chiếm đoạt thì hoàn toàn có thể dùng pháp luật trừng trị bằng cách thu hồi tài sản hoặc phong tỏa tài sản đó chờ kết luận điều tra.
Cũng theo ông Lê Như Tiến, trên diễn đàn Quốc hội khóa XII, XIII, ông đã nhiều lần đề cập đến việc phải có những giải pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản của những kẻ tham nhũng bởi những đối tượng này rất nhiều mưu ma chước quỷ, thủ đoạn tinh vi. Họ không dại gì giữ khối tài sản khổng lồ cho chính bản thân mình mà tiến hành chuyển dịch tài sản cho người thân trong gia đình như con cháu, vợ/chồng, bố mẹ...
Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đề nghị phong tỏa tài khoản của bố mẹ Chủ tịch Địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện |
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội dẫn một trường hợp tiêu biểu làm ví dụ. Theo đó, một vị lãnh đạo của tỉnh nọ chuyển dịch tài sản, gồm biệt thự và nhiều đất đai cho con đẻ của mình, thậm chí cho cả cháu, mà cháu mới vị thành niên.
"Mới vị thành niên thì làm sao có được số tài sản khổng lồ đó được? Chúng ta biết hết những chuyện đó! Bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra có thể xác minh được đó là tài sản của ai, nhưng chúng ta chưa kiên quyết làm và pháp luật còn có kẽ hở", ông Lê Như Tiến nhận xét.
Khi còn công tác, ông đã đề nghị sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng theo hướng mạnh dạn quy định phải kê khai tài sản của những người thân trong gia đình cán bộ, công chức và phải phong tỏa tài sản, kể cả tài khoản ở ngân hàng của không chỉ của đối tượng phạm tội tham nhũng mà của cả người thân họ.
"Người thân của các đối tượng đó phải chứng minh được nguồn gốc tài sản, nếu không chứng minh được thì chứng tỏ tài sản do tham nhũng mà có. Luật Phòng chống tham nhũng đã quy định rõ: tài sản do tham nhũng mà có, lại không chứng minh được đó là tài sản chính đáng bằng mồ hôi nước mắt của mình thì phải có biện pháp thu hồi, tịch thu", ông Lê Như Tiến nói.
Cũng theo vị nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, trong Luật Tố tụng hình sự đã quy định rõ các biện pháp ngăn chặn, như tạm giữ, tạm thu hồi, tạm phong tỏa tài sản khi chưa kết luận được, đối với cá nhân thì buộc không được đi khỏi nơi cư trú, không được xuất cảnh...
Nếu không áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời thì như nhiều vụ án tham nhũng thời gian qua cho thấy, kẻ tham nhũng tẩu tán tài sản một cách nhanh chóng, thậm chí gửi tài sản ra các nhà băng nước ngoài. Các nhà băng nước ngoài lại có những quy định chặt chẽ về bí mật đời tư nên rất khó xử lý, nhất là khi những tài sản ấy đang ở nước ngoài.
Sau khi tẩu tán xong tài sản, bản thân kẻ tham nhũng cũng cao chạy xa bay ra nước ngoài, phía Việt Nam phải rất tốn kém về thời gian điều tra, làm việc với các nước về hiệp định tương trợ tư pháp để dẫn độ đối tượng về, mà vụ Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ.
Bởi vậy, một lần nữa, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh: "Việc áp dụng biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn là cần thiết. Phải tạm giữ, phong tỏa, không cho tài sản có được do tham nhũng, lừa đảo, chiếm đoạt mà có chuyển dịch trong khi chờ kết luận điều tra. Khi kết luận điều tra xác định có hành vi tẩu tán tài sản, lúc ấy phải thu hồi".
Địa ốc Alibaba lừa đảo: Tiếp tục chặn tẩu tán tài sản Cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu phong tòa tài khoản ngân hàng những người liên quan đến 16 đối tượng đang bị điều ... |
Sale Alibaba đã dụ cả bạn bè, người thân vào tròng như thế nào? Bằng việc đưa ra những mức cam kết lợi nhuận hấp dẫn, nhiều sale Alibaba dụ cả bạn bè, họ hàng và thậm chí là ... |
Họp báo Bộ Xây dựng “nóng” vấn đề thanh tra nhận hối lộ, địa ốc Alibaba Vụ Thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ tại Vĩnh Phúc vẫn chưa thông báo chính thức về tội danh của bà Nguyễn Thị ... |
Từ vòng xoáy địa ốc đa cấp Alibaba đến bi kịch gia đình Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hồ Chí Minh vừa gửi danh sách bổ sung các cá nhân có liên quan đến vụ ... |
Thành Luân