Thấy gì từ việc Nga sửa đổi học thuyết hạt nhân?

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa thông báo những thay đổi được đề xuất đối với học thuyết hạt nhân của đất nước mình. Quyết định này lẽ ra phải được đưa ra từ lâu, nhưng nó được người đứng đầu Điện Kremlin công khai vào thời điểm này là có lý do. Tuy nhiên, một số chuyên gia bày tỏ băn khoăn về những “ranh giới đỏ” mà Moscow đưa ra trong đề xuất sửa đổi của mình.

“Sự mơ hồ” có chủ đích?

Chuyên gia về lực lượng hạt nhân của Nga Pavel Podvig bình luận rằng, có một “sự mơ hồ” có chủ đích trong thông báo (của Tổng thống Vladimir Putin - PV), đặc biệt là xung quanh việc học thuyết định nghĩa thế nào là hành vi “xâm lược nước Nga”.

5_10_2024_quocte_hatnhannga.jpg -0
Binh sĩ Nga canh gác tại Nhà máy Điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Đông Nam Ukraine. Ảnh: AP

Cụ thể, trong phiên bản hiện tại của học thuyết hạt nhân của Nga, không có sự phân biệt giữa hành động xâm lược của quốc gia có vũ khí hạt nhân và không có vũ khí hạt nhân. “Tất cả những gì họ nêu là một hành động xâm lược đe dọa đến sự tồn tại của đất nước”, chuyên gia Pavel Podvig cho hay, đồng thời lưu ý rằng, Nga đã từng đảm bảo Moscow sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các quốc gia không có vũ khí hạt nhân, ngoại trừ một trường hợp: khi quốc gia đó hành động “liên kết hoặc liên minh với một quốc gia có vũ khí hạt nhân”. Điều này khiến các “lằn ranh đỏ” của Nga càng trở nên mơ hồ. “Ngôn ngữ được thiết kế cho tình huống rất cụ thể mà chúng ta đang gặp phải”, ông Pavel Podvig nhấn mạnh, “Chúng ta biết những quốc gia có vũ khí hạt nhân và không có vũ khí hạt nhân này là ai”. Trong khi đó, theo nhận định của bà Mariana Budjeryn, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Belfer của Trường Harvard Kennedy, các lằn ranh đỏ có thể chủ yếu tồn tại trong đầu Tổng thống Vladimir Putin. Bà giải thích: “Có hai điểm đáng chú ý so với học thuyết quân sự Nga năm 2020 trước đó. Học thuyết năm 2020 cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả hành động xâm lược thông thường, gây nguy hiểm cho sự tồn tại của nhà nước. Giờ đây, điều này đã được nới lỏng xuống “mức đe dọa cực độ đến chủ quyền của nhà nước”. Điều đó có nghĩa là gì? Ai định nghĩa những mối đe dọa này là gì? “Hành động xâm lược thông thường” đã được chỉ định cụ thể hơn, bao gồm cả một cuộc tấn công đường không lớn. Ai định nghĩa thế nào là “lớn” hoặc “đủ lớn”? Chỉ có thể là ông ấy (Tổng thống Vladimir Putin)”. Theo vị chuyên gia này, điểm mấu chốt cho những thay đổi đối với học thuyết quân sự, “bớt đi những điều cụ thể, trong khi cung cấp nhiều không gian diễn giải hơn cho giới lãnh đạo Nga để xác định các trường hợp sử dụng hạt nhân”.

Về phần mình, bà Kristin Ven Bruusgaard, Giám đốc Trường Tình báo Norway, người có nghiên cứu học thuật tập trung vào chiến lược hạt nhân của Nga, cho rằng, điểm mấu chốt ở đây là: hành động truyền đạt “học thuyết của chúng ta đang thay đổi” hiện đã thu hút sự chú ý của thế giới, với thông điệp ngầm: Các bạn nên lo lắng đi là vừa. Lưu ý học thuyết hạt nhân của Nga không rõ được sửa đổi thực tế sẽ như thế nào, vị chuyên gia nêu rõ: “Nội dung bài phát biểu của ông Vladimir Putin không quá hoành tráng; một số vấn đề được xử lý chi tiết hơn trước, nhưng mức độ chi tiết của ngưỡng hạt nhân vẫn mơ hồ như trước. Câu hỏi chính là bây giờ thì sao? Chúng ta sẽ thấy Nga đưa ra một tài liệu, liệu nó có chứa nhiều hơn những gì ông Vladimir Putin đã tuyên bố không?”

Tại sao là bây giờ?

Theo chuyên gia Dmitry Suslov, thành viên Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga, Phó Giám đốc Kinh tế Thế giới và Chính trị Quốc tế tại Trường Kinh tế Cao cấp Moscow và chuyên gia của Câu lạc bộ Valdai, việc cập nhật học thuyết hạt nhân của Nga chắc chắn không phải là một bước đi tự phát. Lẽ ra việc này đã phải diễn ra từ lâu và có liên quan đến thực tế là mức độ răn đe hạt nhân hiện tại đã được chứng minh là không đủ. Đặc biệt là khi nó không ngăn được phương Tây tiến hành một cuộc chiến tranh hỗn hợp chống lại nước Nga. Cho đến gần đây, mong muốn gây ra một thất bại chiến lược cho Moscow được coi là điên rồ và không thể, vì Nga là một siêu cường hạt nhân. Nhưng theo ông Suslov, hóa ra một số người ở phương Tây lại coi trọng điều đó. Đó là lý do tại sao mức độ răn đe hạt nhân hiện tại tỏ ra không đủ trước sự tham gia ngày càng tăng của khối do Mỹ lãnh đạo trong cuộc xung đột chống lại Nga, nay đang chuyển thành các cuộc thảo luận về các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa của phương Tây vào sâu trong lãnh thổ Nga. Về vấn đề này, chuyên gia Dmitry Suslov cho rằng, việc hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí nguyên tử và mở rộng số lượng các tình huống mà Moscow cho phép thực hiện hành động này lẽ ra phải được đưa ra từ lâu. Cách diễn đạt ở phiên bản trước của học thuyết, trong đó nêu rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc xung đột phi hạt nhân chỉ có thể xảy ra trong trường hợp đe dọa đến sự tồn tại của Nga với tư cách là một quốc gia, nay không còn phù hợp với thực tế toàn cầu. Bây giờ ngưỡng này đã được hạ thấp và việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc xung đột phi hạt nhân là có thể xảy ra trong trường hợp có mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền quốc gia. Như vậy, “ranh giới đỏ” hiện nay không phải là sự tồn vong của nhà nước Nga, mà là các mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền của quốc gia. Đó là lý do tại sao việc sử dụng vũ khí hạt nhân hiện được phép chống lại cả một quốc gia phi hạt nhân có hành động xâm lược và các quốc gia hạt nhân ủng hộ quốc gia đó. Theo chuyên gia Dmitry Suslov, đây là phản ứng trước cuộc chiến tranh ủy nhiệm đang diễn ra chống lại Nga và đang ngày càng trở nên dữ dội hơn.

Về thông báo công khai của Tổng thống Vladimir Putin về thay đổi học thuyết hạt nhân, ông Dmitry Suslov cho rằng, điều này liên quan đến cuộc thảo luận của phương Tây về việc sử dụng tên lửa tầm xa tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga. Moscow thực sự tin rằng một bước đi như vậy đồng nghĩa là chuyển sang chiến tranh trực tiếp và để truyền tải thông điệp này, tổng thống đã quyết định công bố một số thay đổi và biểu hiện cụ thể về việc hạ ngưỡng hạt nhân, ngay lúc này, để cho phương Tây thấy rằng rủi ro đối với hành động của họ đang gia tăng. Và họ cần hiểu rằng việc tham gia vào một cuộc chiến tranh trực tiếp chống lại nước Nga sẽ tồi tệ hơn nhiều đối với họ so thất bại của Ukraine trên chiến trường. Đối với phản ứng của các bên không liên quan đến cuộc xung đột của Nga với phương Tây, chuyên gia Dmitry Suslov đánh giá rằng, Trung Quốc, mặc dù có lập trường công khai về việc không được phép sử dụng vũ khí hạt nhân, nhu cầu phi hạt nhân hóa và gần như cấm bom nguyên tử, nhưng họ hiểu được tình hình mà Nga đang gặp phải. Bắc Kinh cũng hiểu được nhu cầu tăng cường răn đe, mặc dù nước này tuyên bố học thuyết không sử dụng vũ khí hạt nhân trước. Điều này có nghĩa là Nga phải tăng cường về mặt chất lượng quan hệ với các quốc gia thân thiện về chính sách hạt nhân và thuyết phục các đối tác rằng việc hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân là nhằm mục đích loại bỏ việc sử dụng chúng hoặc ít nhất là giảm nguy cơ xảy ra bước đi như vậy. Ông Dmitry Susluv cho rằng, phần lớn các quốc gia, phần lớn thế giới, sẽ hiểu điều này.

Vị chuyên gia Nga cũng bình luận rằng, những lời kêu gọi gần đây của Washington về việc nối lại đàm phán về hiệp ước START chính xác là để giúp họ dễ dàng tiến hành một cuộc chiến tranh hỗn hợp chống lại Nga và thậm chí là để giúp người Mỹ dễ dàng tham gia vào một cuộc chiến tranh trực tiếp chống lại Nga. Washington muốn loại bỏ vấn đề này khỏi bức tranh và giả vờ rằng không có mối liên hệ nào giữa vũ khí nguyên tử và cuộc chiến ủy nhiệm mà họ đang tiến hành. Để đạt được mục đích này, họ muốn kéo Nga vào các cuộc đàm phán về vũ khí hạt nhân. Theo ông, đó là lý do tại sao Nga hiện đang từ chối các cuộc đàm phán này, bởi vì trước tiên Mỹ phải ngừng tìm cách gây ra thất bại chiến lược cho Moscow. Chỉ khi đó, Nga mới có thể quay lại đối thoại về sự ổn định chiến lược. Điều này hoàn toàn đúng, bởi vì mối liên hệ giữa vũ khí hạt nhân và phi hạt nhân luôn tồn tại. Kể từ lần đầu tiên Washington sử dụng bom nguyên tử vào năm 1945, mục đích của công cụ này là đảm bảo ưu thế trong chiến tranh thông thường và sau đó là chiến tranh hạt nhân.

Theo CAND