Tại sao phải đợi đến khi thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuộc thì những “con sâu bự” làm rầu nền khoa học mới bị phát hiện và bị chỉ đích danh?
Nhắm mắt, cười trừ
Chuyện một Giáo sư, tiến sĩ như ông Võ Khánh Vinh nguyên Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội trong năm 2015 hướng dẫn 44 luận văn thạc sĩ và 12 nghiên cứu sinh trong khi theo quy định, tối đa chỉ được hướng dẫn được 7 thạc sĩ và 5 nghiên cứu sinh/năm khiến nhiều người bất ngờ.
Lý do, vì sao ông Võ Khánh Vinh lại ôm đồm nhiều việc như vậy, trong khi quy định đặt ra là để người hướng dẫn có đủ thời gian dành cho học viên, tránh tình trạng học viên tự “bơi” trong nghiên cứu khoa học ảnh hưởng đến chất lượng các công trình khoa học.
Không chỉ có cá nhân ông Võ Khánh Vinh, mà kết luận thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn chỉ ra nhiều giáo sư, tiến sĩ cũng như ông Vinh một lúc nhận hướng dẫn lượng thạc sĩ và tiến sĩ vượt quy định.
Kết luận thanh tra cũng chỉ ra, nhiều ông giáo sư, tiến sĩ ngồi nhầm hội đồng phản biện khoa học vì không đúng chuyên môn theo quy định.
Nhiều trí thức đã đánh mất mình vì miếng cơm, manh áo nhỏ nhặt (ảnh minh họa - sưu tầm). |
Để xảy ra sai phạm này, không thể viện cớ cho việc thiếu nhận thức và trình độ vì người mắc lỗi là các ông giáo sư, tiến sĩ. Nhiều ý kiến cho rằng, có lẽ vì “lợi” nó che mắt, lợi ích nhóm, bè phái đứng “chống lưng” nên các vị này cố tình sai phạm.
Qua tìm hiểu từ nhiều nguồn thông tin cho thấy sai phạm tại Học viện khoa học xã hội tập trung vào một số người, trong khi lượng tiến sĩ, giáo sư trong Học viện Khoa học Xã hội đa số “ngồi chơi xơi nước” nhàn rỗi.
Người viết tự hỏi, tại sao phải đợi đến khi thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuộc thì những “con sâu bự” làm rầu nền khoa học mới bị phát hiện và bị chỉ đích danh. Trong khi, sai phạm này kéo dài trong thời gian dài không được phát hiện.
Trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý, trong đó trực tiếp là Viện Hàn Lâm khoa học Xã hội Việt Nam.
Tuy nhiên, không lẽ với những ông giáo sư, tiến sĩ “ngồi chơi xơi nước” trong thời gian dài tại Học viện Khoa học Xã hội lại cam chịu cảnh bị ghẻ lạnh, bắt nạt thời gian lâu đến thế.
Người đời hay đề cao phẩm chất kẻ sĩ - những người có học thức, trình độ được xem là “nguyên khí quốc gia”, có khí phách không chịu cường quyền, áp bức, dám dấn thân.
Nhưng rõ ràng, khí chất kẻ sĩ của các ông giáo sư, tiến sĩ bị điều “ngồi chơi xơi nước” trong thời gian dài gần như không tồn tại.
Vì sao những người ra đường, về nhà đều được tôn trọng gọi là tri thức, rường cột quốc gia như vậy lại bị tê liệt trước cường quyền, áp bức theo kiểu “xe to đè xe nhỏ” như vậy.
Thật khó để lý giải vì sao nhiều giáo sư, tiến sĩ không dám đấu tranh lên tiếng chống lại cường quyền trong khoa học.
Có lẽ nào, các giáo sư, tiến sĩ bị ghẻ lạnh đang mưu tính theo cách “nếm mật nằm gai” để chờ thời, kiểu như mưu sĩ Tàu trong phim cổ đại thời xưa chờ đợi thời cơ “nghêu cò đánh nhau ngư ông đắc lợi”.
Làm khoa học phải công tâm, khách quan
Nhìn vào sự cam chịu của tập thể các giáo sư, tiến sĩ tại Học viện Khoa học Xã hội chắc lẽ nhiều người buồn lòng như người viết.
Nếu như, không có thanh tra Bộ chỉ ra những sai trái của Học viện Khoa học xã hội thì làm sao có thể những sai trái của ông Võ Khánh Vinh được đưa ra ánh sáng?. Làm sao người ta biết được cái “lò ấp” tiến sĩ ấy lại có những chuyện sai phạm về giáo dục đến vậy?.
Rõ ràng, người cố tình làm sai là vì lợi, đáng trách và đáng lên án. Nhưng ở đây khi ngẫm kỹ ra trong trường hợp này theo người viết những người làm sai và những người cam chịu nhìn người khác làm sai đều có chung một điểm là “chữ lợi”.
Người làm sai vì lợi đã đành nhưng ngậm ngùi nhìn người khác làm sai cũng vì lợi đó mới là điều đáng bàn. Có chăng họ hy vọng kẻ khác sẽ “bồng bột” đứng lên đấu tranh còn bản thân mình sẽ lựa thời mà “mượn gió bẻ măng chăng”, thực hiện triệt để“im lặng là vàng”. Những mưu tính nhỏ nhặt đó đang đè chết sự liêm chính trong khoa học.
Sau khi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải hai bài báo “Làm khoa học cũng có chuyện... "con voi chui lọt lỗ kim"? và “ Ngồi nhầm hội đồng có khác nào... "Thầy bói xem voi" báo có nhận được nhiều phản hồi từ độc giả.
Có thể hiểu được, việc đối xử bất công trong nghiên cứu khoa học tại Học viện Khoa học Xã hội mang đến sự ấm ức của một số cá nhân. Có người thông tin cho rằng, để xảy ra sai trái như vậy là do Giám đốc học viện và trưởng phòng đào tạo thời kỳ trước đây là hai cha con.
Hay chuyện người ta gọi ông này, ông kia với những danh xưng võ đại gia.. kiểu như kiếm hiệp Tàu.
Có những phản hồi của độc giả cho rằng việc ngồi nhầm hội đồng và để cho người không đúng chuyên môn giảng dạy hàng nghìn học viên ngành chính sách công của học viện này.
Hay thông tin phản ánh về việc các hội đồng nhất là các phản biện hội đồng thạc sĩ, tiến sĩ ngành chính sách công, ngành chính trị học của Học viện Khoa học Xã hội không đúng chuyên ngành.
Những thông tin trên chúng tôi thiết nghĩ cần được kiểm tra một cách kỹ lưỡng. Bởi sau khi thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra các sai phạm trong việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong đó có việc ngồi nhầm hội đồng – một việc tưởng chừng không thể xảy ra trong khoa học đã xảy ra nên cơ quan chức năng cần vào cuộc xem xét những phản hồi trên.
Để giúp xác minh rõ hơn những thông tin mà độc giả phản ánh, tránh tình trạng nghi ngờ sai lệch bản chất vấn đề, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đến đặt lịch làm việc với Học viện khoa học xã hội.
Phóng viên có trao đổi qua điện thoại với Giáo sư, tiến sĩ Phạm Văn Đức, Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội và được ông cho rằng, phải qua 30/9 thì mới có thông tin với báo chí. Điều này cho thấy, để xác minh có sai phạm hay không như phản ánh của độc giả là rất gian nan.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 6/9, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trao đổi với Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng và được ông cho biết, những nội dung đã có kết luận thanh tra thì hiện nay cần phải thực hiện theo thanh tra để xử lý.
Nếu có thêm thông tin mới, thì thanh tra Chính phủ nên vào cuộc làm việc. Vì ở đây có dấu hiệu vi phạm. Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, đã làm khoa học thì phải làm cho nó đàng hoàng. Nên hạn chế việc lạm quyền trong khoa học. Phải kiểm soát được quyền lực trong nghiên cứu khoa học.
(http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/That-buon-cho-khi-chat-ke-si-thoi-nay-post179543.gd)
50% tiến sĩ là công chức: Chạy theo cái nhất?
Phải có đến 70% cán bộ, công chức là tiến sĩ, 50% còn khiêm tốn... |
Bộ GD-ĐT lên tiếng vụ hàng loạt sai phạm về đào tạo tiến sĩ
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết Học viện Khoa học Xã hội phải khắc phục hậu quả, chấn chỉnh công tác đào tạo theo ... |
Bất ngờ 50% công chức là tiến sĩ: Thêm hiện tượng lạ
50% GS, TS tập trung ở khu vực quản lý nhà nước, không tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học. |
“Lò sản xuất" tiến sĩ: Lỏng lẻo trong kiểm soát quyền lực
“Sự việc này cho thấy, học viện KHXH không thực hiện đúng quy định của cơ quan quản lý Nhà nước, không thể đảm bảo ... |
Đào tạo tiến sĩ: Việt Nam là số 1?!
Chỉ trong 3 năm từ 2015-2017, một đơn vị đào tạo trong nước đã ấp nở đến hơn 1.100 tiến sĩ. Chắc là không nơi ... |