Thành phố Hồ Chí Minh: Đột phá từ giải phóng mặt bằng

Theo nhận định của các sở, ngành thành phố Hồ Chí Minh, một trong những nguyên nhân chính khiến việc giải ngân vốn đầu tư công bị chậm là ách tắc trong công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án. Trước tình hình này, thành phố đang xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm gỡ các nút thắt, tạo đột phá ngay từ công tác giải phóng mặt bằng trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Cầu Tăng Long (thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) sẽ được bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 12-2022.

Chậm do “tắc” giải phóng mặt bằng

Hiện nay, nhiều dự án phát triển đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là dự án hạ tầng giao thông đang chậm tiến độ bởi bị "tắc" trong khâu giải phóng mặt bằng. Trong đó có thể kể đến là cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè) được phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2001, nhưng đến nay, do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng khiến dự án chỉ mới xây dựng được các mố trụ cầu. Để tháo gỡ vướng mắc này, thành phố Hồ Chí Minh đã điều chỉnh giá bồi thường đất từ 14 triệu đồng/m² lên 44 triệu đồng/m². Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Triệu Đỗ Hồng Phước khẳng định, chậm nhất là ngày 2-9-2022 tới, địa phương sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng để tiếp tục thi công, dự kiến hoàn thành công trình trước ngày 31-12-2023.

Năm 2017, thành phố Hồ Chí Minh khởi công cầu Tăng Long (thành phố Thủ Đức). Theo kế hoạch, dự án hoàn thành năm 2019 nhưng “trùm mền” suốt 3 năm qua khi chỉ mới thi công đạt 30% khối lượng. Do chậm tiến độ, dự án này bị “đội” vốn từ hơn 450 tỷ đồng lên hơn 688 tỷ đồng. Cũng tại thành phố Thủ Đức, cầu Ông Nhiêu dự kiến thực hiện giai đoạn 2016-2018 nhưng đến nay vẫn chưa được khởi công, khiến tổng mức đầu tư tăng từ hơn 425 tỷ đồng lên hơn 763 tỷ đồng.

Dự án cầu Tăng Long và Ông Nhiêu là hai dự án bị Kiểm toán Nhà nước nhắc nhở do chậm tiến độ vì vướng mặt bằng và yêu cầu thành phố Hồ Chí Minh sớm thi công hoàn thành dự án. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh Lương Minh Phúc cho biết, UBND thành phố Thủ Đức cam kết bàn giao mặt bằng cầu Tăng Long và Ông Nhiêu vào tháng 12 năm nay. Khi chủ đầu tư nhận mặt bằng, các dự án này sẽ hoàn thành sau 15 tháng thi công.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh, trong số các dự án giao thông mà đơn vị làm chủ đầu tư, có tới 67 dự án bị vướng giải phóng mặt bằng, làm chậm tiến độ thi công. Trong số này, nhiều dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư do chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao, gây khó khăn trong việc cân đối vốn và hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Tháo gỡ nút thắt về giá bồi thường

Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chi phí cho công tác giải phóng mặt bằng dự án xây dựng công trình giao thông chiếm khoảng 50% tổng mức đầu tư. Thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng để triển khai thi công thường kéo dài từ 14 đến 18 tháng, thậm chí có dự án kéo dài 2-3 năm. Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An cho biết, điểm nghẽn khó gỡ nhất đối với công tác giải phóng mặt bằng là giá bồi thường.

Tháo gỡ vấn đề này, UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư với mức cao nhất là gấp 15 lần đối với đất ở và cao nhất gấp 35 lần đối với đất nông nghiệp so với bảng giá đất do Nhà nước ban hành, có hiệu lực từ ngày 25-8-2022. Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Thắng cho rằng, so với năm 2021, hệ số K năm nay được đánh giá sát thực tế hơn. Áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất này sẽ rút ngắn được thời gian lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân...

Còn theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân, đối với hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, cần có cơ chế đặc thù trong đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công, đơn cử như việc thực hiện tách dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng với dự án xây lắp. Điều này sẽ bảo đảm thời gian triển khai xây dựng dự án.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, giao thông phải luôn đi trước mở đường. Trong thẩm quyền, thành phố sẽ làm tốt nhất có thể để triển khai các dự án đúng tiến độ, vượt thẩm quyền thành phố sẽ đề xuất cơ chế với Trung ương. Ngày 17-8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có kết luận về buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 27-7-2022. Theo đó, sẽ thí điểm lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ vướng mắc tại thành phố Hồ Chí Minh.

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1040410/thanh-pho-ho-chi-minh-dot-pha-tu-giai-phong-mat-bang

TRỌNG NGÔN / HNM.com.vn