Hai người tử vong, trong đó có một thanh niên gốc Việt, và 700 người cần hỗ trợ y tế do dùng ma túy tại lễ hội âm nhạc ở Australia cuối tuần qua.
Lễ hội âm nhạc Defqon.1 ở thành phố Sydney hôm 15/9. Ảnh: Facebook |
Joseph Pham, 23 tuổi, và một cô gái 21 tuổi là hai người tử vong trong lễ hội âm nhạc Defqon.1 ở thành phố Sydney hôm 15/9, News dẫn tin từ cảnh sát cho hay.
Các nhân viên y tế được gọi tới hiện trường khi hai người bất tỉnh vào khoảng 21h nhưng không thể cứu vãn tình hình. Các nạn nhân được tuyên bố tử vong tại bệnh viện sau đó không lâu.
13 người khác cũng nhập viện, trong đó hai người ở trong tình trạng nghiêm trọng, và khoảng 700 người cần nhân viên y tế trợ giúp ngay tại sự kiện. 69 người được tìm thấy sở hữu ma túy và cảnh sát đã buộc tội 10 nghi phạm cung cấp chất gây nghiện, trong đó có hai thiếu niên mang theo 120 viên nang.
Cách đây một tháng, Pham đã chia sẻ trên mạng xã hội về sự háo hức đối với lễ hội âm nhạc nổi tiếng thế giới. "Chỉ một tháng nữa là đến Defqon. 1 Australia! Mong gặp các bạn ở đó", anh viết.
Tuy nhiên, trong một bài đăng cách đây vài tuần, Pham bày tỏ sự phản đối về việc cảnh sát triển khai chó nghiệp vụ để đánh hơi ma túy tại lễ hội.
Joseph Pham, trái, một trong hai người tử vong tại lễ hội Defqon. 1 hôm 15/9. Ảnh: Facebook |
Tranh cãi về kiểm soát ma túy tại lễ hội âm nhạc
Defqon. 1 là sự kiện âm nhạc thường niên diễn ra ở Australia từ năm 2009, do công ty Q-Dance của Hà Lan tổ chức. Vào năm 2013 và 2015, hai thanh niên trong độ tuổi 20 cũng thiệt mạng khi tham gia lễ hội này, nghi do bị sốc thuốc.
"Tôi rất bàng hoàng trước những gì vừa xảy ra, tôi không muốn bất kỳ gia đình nào phải trải qua thảm kịch này khi tỉnh dậy vào sáng nay. Đó là chuyện rất khủng khiếp", bà Gladys Berejiklian, thủ hiến bang New South Wales, nói. "Đây là một sự kiện không an toàn và tôi sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo nó không bao giờ tái diễn".
Bà Berejuklian cho rằng cần phải bỏ lễ hội này và việc áp dụng thiết bị kiểm tra thuốc tại các sự kiện âm nhạc để hạn chế hậu quả không phải là giải pháp. Trong khi đó, theo bác sĩ Nicole Lee, chuyên nghiên cứu về các vấn đề ma túy và rượu bia, việc cấm đoán giới trẻ dùng ma túy là không khả thi và nên áp dụng kiểm tra thuốc để giúp họ sử dụng ma túy an toàn.
Các thám tử địa phương đã thành lập một nhóm chuyên trách mới để điều tra về hai trường hợp tử vong.
Cảnh sát New South Wales cho biết đã làm hết sức để đảm bảo sự kiện được an toàn. "Những gì chúng tôi không thể làm là ở trong đầu của mọi người, trong quá trình quyết định của mọi người khi họ dùng ma túy độc hại", ủy viên cảnh sát Allan Sicard nói.
Ông cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận liệu những trường hợp tử vong và nhập viện có dùng chung một loại ma túy. Tuy nhiên, các xét nghiệm độc tính đang được khẩn trương tiến hành và sẽ có kết luận trong tuần này.
Hôm qua, ban tổ chức Defqon. 1 đã gửi lời "chia buồn sâu sắc" đến gia đình của hai nạn nhân tử vong.
"Chúng tôi rất thất vọng về số vụ liên quan tới ma túy được báo cáo, chúng tôi có chính sách không khoan nhượng với việc dùng ma túy tại lễ hội", thông cáo viết.
Defqon. 1 năm nay thu hút khoảng 30.000 bạn trẻ tham dự trong những bộ trang phục gợi cảm, sặc sỡ. Một số người vẽ mặt, đeo mặt nạ hoặc đội tóc giả để tăng vẻ nổi bật. Nhiều cô gái còn mặc bikini, còn các chàng trai mặc quần bơi.
700 người phải cấp cứu vì ma túy, Australia kêu gọi cấm lễ hội âm nhạc
Cảnh sát bang New South Wales, Australia, cho biết ngoài 2 người thiệt mạng tại lễ hội âm nhạc Defqon 1, khoảng 700 người khác ... |
Lễ hội âm nhạc có 7 người tử vong ở Hồ Tây là sự kiện thế nào?
Trước khi xảy ra sự cố nhiều người bị sốc thuốc và tử vong, lễ hội âm nhạc này từng gây tiếng vang khi đưa ... |