- Người Việt ở Nga: Thấy mất nửa tài sản trước mặt mà không làm gì được
- Nỗi ám ảnh bom rơi, đạn lạc của người Việt trở về từ Ukraine
- Hành trình 5 ngày đêm chạy khỏi Ukraine của một người Việt
Với mỗi người Việt Nam, tình yêu quê hương, đất nước từ lâu đã trở thành một giá trị cao quý, được truyền từ đời này sang đời khác, bằng những biểu hiện sinh động, cụ thể. Tháng tư về, người dân đất Việt càng tự hào, biết ơn các thế hệ ông cha đã hy sinh xương máu cho quê hương, đất nước, đồng thời cảnh báo những ai đang đi ngược dòng chảy thời cuộc, phá hoại sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.
Thực tế đã, đang và sẽ còn chứng minh lòng yêu nước đã trở thành một giá trị truyền thống và là tài sản vô giá, tạo sức sống bất khuất và trường tồn của dân tộc con Lạc cháu Hồng qua nghìn năm lịch sử trước mọi hiểm họa xâm lăng và đô hộ, là mạch nguồn cho sự sinh sôi và phát triển ngày càng mạnh mẽ của đất nước, giống nòi. Không ai có thể phủ nhận được rằng, dù là người dân đang sinh sống trên xứ sở quê hương hay với cộng đồng người Việt đã định cư và hội nhập ổn định ở nước ngoài, mỗi khi thiên tai, địch họa đe dọa cuộc sống và vận mệnh của Tổ quốc, lập tức muôn người như một, kết thành khối vững chắc, sẵn sàng cống hiến công sức, xả thân vì lòng tự trọng, tự tôn dân tộc, vì vận mệnh của Tổ quốc và cuộc sống của đồng bào mình.
Ðặc biệt, đối với chủ quyền quốc gia và nền độc lập dân tộc, lòng yêu nước mãnh liệt chính là nền tảng vững chắc nhất để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, giang sơn cha ông để lại. Giá trị đó không thể là điểm tựa để dung túng, kích động tinh thần dân tộc cực đoan, đề cao bá quyền, đe dọa sử dụng bạo lực và bất chấp thủ đoạn gian dối, hèn hạ, bất chấp đạo lý và luật pháp của văn minh nhân loại, cốt tranh đoạt trắng trợn và phi pháp lãnh thổ của người khác. Ðiều này đã và phải tiếp tục trở thành yêu cầu của lương tri, của đạo đức không chỉ với Việt Nam mà với mọi quốc gia - dân tộc khác trên thế giới.
Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta không chỉ trui rèn truyền thống giữ nước, chống xâm lăng, mà còn cho thấy người bán nước như Kiều Công Tiễn, Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống,... luôn bị dân tộc phê phán, danh xấu nghìn năm khôn rửa. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam cho thấy, khi Pháp, Mỹ can thiệp vào Việt Nam đã có một số người lầm lạc, chĩa súng vào đồng bào, gây nên nhiều tội ác. Chỉ đến khi thua trận, những kẻ xâm lược phải rút khỏi Việt Nam thì những người trên lại chọn cho mình con đường rời bỏ quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình để tiếp tục mưu lợi cá nhân, đi ngược lại lợi ích của dân tộc.
Chiến tranh đã đi qua, vết thương đã "liền da" khi quê hương hòa làm một, đất nước được vẹn tròn. Nhưng nỗi thù, sự ích kỷ và mưu lợi cá nhân vẫn còn tồn tại trong lòng những con người đó, họ chấp nhận đời tha hương mà không chịu thừa nhận thất bại, vẫn luyến tiếc cuộc sống dựa dẫm hưởng lợi từ ngoại bang, vẫn cay cú, vẫn cố tìm mọi cách thực hiện giấc mơ được ngoại bang giúp sức để trở về "phục quốc".
Ðể đạt mục đích xấu xa đó, họ tiến hành rất nhiều thủ đoạn, từ sử dụng lá phiếu cử tri buộc một số vị dân biểu nơi họ cư trú lên tiếng tạo sức ép với chính quyền các nước vu cáo, đồng thời thành lập, tham gia các tổ chức tiến hành hoạt động khủng bố, phá hoại; lợi dụng mạng Internet để lập ra nhiều trang mạng, diễn đàn lấy danh nghĩa “yêu nước” để bóp méo sự thật, tuyên truyền xuyên tạc các chủ trương, đường lối chính sách, đối ngoại của Đảng và nhà nước ta, thậm chí họ còn ủng hộ, tiếp tay cho tư tưởng chia cắt với những luận điệu như “thành lâp nhà nước Mông ở Tây Bắc”, đuổi người Kinh khỏi Tây Nguyên để thành lập “nhà nước Degar độc lập”...
Không dừng lại ở đó, để hiện thực hóa những mưu đồ trên, các tổ chức này còn thường xuyên hậu thuẫn, hỗ trợ cho số đối tượng chống đối trong nước hoạt động khủng bố, phá hoại. Hằng năm, các tổ chức trên đã vận động và gửi về nước hàng triệu USD cùng các phương tiện kỹ thuật hiện đại như máy tính xách tay, máy ảnh kỷ thuật số, điện thoại thông minh, máy ghi âm từ xa… cho các đối tượng trong nước tiến hành kích động biểu tình, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Do sự hậu thuẫn, hỗ trợ của các tổ chức khủng bố ở nước ngoài nên số chống đối trong nước hoạt động chống phá ngày càng quyết liệt, nguy hiểm, thậm chí một số đối tượng coi hoạt động chống đối là một nghề kiếm sống, là một con đường để rời bỏ quê hương, vứt bỏ gốc gác người Việt của mình như Lê Thu Hà bị trục xuất khỏi Việt Nam ngày 20/11/2018.
Sau một thời gian đấu tranh, ghi dấu ấn của mình cộng với sự tác động của Nguyễn Văn Đài, Lê Thu Hà được bảo lãnh theo diện tị nạn. Hà được sắp xếp, bố trí chỗ ở tại thị trấn Bad Naheim, bang Hawai, Đức; được chu cấp tiền để học tiếng Đức, thuê nhà, sinh hoạt và đào tạo nghề. Số tiền này chỉ đủ để phục vụ các hoạt động nói trên, chưa kể Hà phải tự lo cho cuộc sống của bản thân. Tuy nhiên, do không có trình độ, tiền không có, nhà ở thuê, bạn bè cô quạnh, bản thân không thể đáp ứng yêu cầu, điều kiện lao động và mức sống tại đây, Hà vỡ mộng với cuộc sống tại “xứ thiên đường”, nơi mà khi còn ở Việt Nam, Hà từng ao ước rồi phản bội lại đất nước, dân tộc để đạt được mục đích. Chỉ trong 6 tháng, Lê Thu Hà bắt đầu thấm thía và từ đó, viện cớ rằng “nhớ quê hương, đất mẹ” để tìm cách nhập cảnh vào Việt Nam.
Trường hợp tương tự là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm) được bảo lãnh “xuất khẩu miễn phí”. Cầm tấm thẻ xanh trên tay một thời gian, Quỳnh vừa mừng vừa lo. Mừng vì chỉ sau 2 năm ăn cơm tù đã đạt được mục đích sang Mỹ; lo vì nhận ra rằng mức sống ở nơi đây cao hơn rất nhiều so với ở Việt Nam, việc sinh tồn tại nơi đây là một vấn đề khó khăn. Mặc dù được chính phủ Mỹ tài trợ 6 tháng tiền trợ cấp (mức trợ cấp dành cho người thất nghiệp là 5.000 USD/năm) nhưng số tiền đó chỉ đủ để trả tiền thuê nhà, ăn uống, học nghề, chưa kể mẹ già, con thơ.
Việc trang trải cuộc sống cho bản thân còn chưa xong, liệu Quỳnh có dám nghĩ việc ăn chơi, kiếm tiền từ nước ngoài một cách dễ dàng khi còn ở Việt Nam? Xa hơn, có thể kể đến những kẻ từng một thời được giới phản động lưu vong nước ngoài tung hô nhưng sau khi đến Mỹ mới té ngửa, ca thán như Tạ Phong Tần quay ra bới móc, kể tội Nguyễn Văn Hải (điếu cày), Nguyễn Văn Hải cũng lập tức tố cáo lại Tạ Phong Tần…
Có lẽ, đây mới chỉ là những đoạn đầu của con đường không tương lai của những người trên, những kẻ phản bội đất nước, dân tộc để cầu vinh. Chỉ khi ra nước ngoài, bản chất thật sự của số gọi là “nhà dân chủ, người yêu nước, nhà đấu tranh nhân quyền” mới bộc lộ, để rồi chìm dần vào sự quên lãng khi đã không còn giá trị sử dụng đối với các tổ chức chống phá ở nước ngoài. Cha ông ta thường dạy “không ai cho không thứ gì”. Những kẻ phản bội đất nước thì đa phần đều đã làm cha làm mẹ, luôn nói rằng được sống trong môi trường giáo dục nhưng bản thân lại không làm theo điều cha ông đã dạy “đói cho sạch, rách cho thơm”.
Con đường phạm pháp do họ chọn và chính họ chấp nhận rời bỏ quê hương, phản bội lại Tổ quốc, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân. Đến khi nhận ra bị chính những tổ chức phản động lợi dụng “vắt chanh, bỏ vỏ”, sức tàn lực kiệt, hối cải, nghĩ đường về quê hương thì mọi thứ đã muộn. Đây cũng là bài học cho những kẻ trong nước lựa chọn con đường phản bội lại đất nước, dân tộc, tiếp tay cho các tổ chức thù địch, phản động, nuôi mộng định cư ở nước ngoài hay “đổi đời”.
Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc, vị thế đất nước đang dần được khẳng định trên thế giới. Trong quá trình phát triển đó, không thể tránh khỏi những bất cập, tồn tại cần phải khắc phục nên chưa thể đáp ứng được hết những trông đợi của mọi người. Nhưng nếu dựa vào đó để phủ nhận các thành tựu phát triển, bịa đặt, xuyên tạc về tình hình đất nước, chối bỏ gốc gác, làm những việc đi ngược lợi ích của dân tộc mình thì những cá nhân đó phải tự vấn lương tâm. Hãy tự thấy xấu hổ khi nghĩ tới không ít kiều bào, dù xa quê, mưu sinh xứ người vẫn coi quê hương là đất Việt, vẫn đang từng ngày đóng góp tài trí, sức lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hơn bao giờ hết, trên bất kỳ phương diện nào, lòng yêu nước và hướng về quê hương luôn là một giá trị phù hợp với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Chỉ có lòng yêu nước chân chính mới có thể giúp quê hương, đất nước giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ; đồng thời làm cho quê hương, đất nước ngày càng hưng thịnh, trường tồn.
Xin nhắc lại câu nói của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong cuộc gặp gỡ với kiều bào tại quận Cam nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ (tháng 6/2007): “Chúng ta nghĩ Tổ quốc là cái gì xa xôi, nhưng Quốc văn giáo khoa thư nói rằng, đó là những gì gần gũi nhất... Tôi mong bà con của mình, hãy vì quê hương đất nước, gác bỏ những khác biệt của mình, hãy đoàn kết lại, cùng nhau xây dựng mẹ hiền Việt Nam, đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường”.