Với Thủ tướng Mahathir Mohamad, hãng xe Proton từng là niềm tự hào của Malaysia, nhưng ông giờ đây muốn một sự lột xác hoàn toàn.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trong lễ ra mắt một dòng xe của hãng Proton hồi năm 2002. Ảnh: Star Online. |
Khi Thủ tướng Mahathir Mohamad đề xuất một dự án "xe hơi quốc gia" không lâu sau khi đắc cử hồi tháng 5 năm ngoái, nhiều người dân Malaysia nhanh chóng thể hiện hoài nghi trên mạng xã hội về sự khôn ngoan của việc hồi sinh một chiến lược ôtô do nhà nước dẫn dắt từng tạo ra kết quả gây tranh cãi trong nhiệm kỳ thủ tướng trước đây của ông.
Với nhiều người, đề xuất này của Thủ tướng 94 tuổi không phải nhằm tạo ra một thương hiệu ôtô quốc gia mới, mà là để điều chỉnh di sản từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông từ năm 1981 đến 2003. Đây là 22 năm Malaysia thực thi các chính sách công nghiệp hóa và dự án xây dựng hình ảnh đất nước đầy tham vọng nhằm hiện đại hóa nền kinh tế phụ thuộc lớn vào nông nghiệp của nước này.
Proton, hãng xe quốc doanh Malaysia, được cho là động lực chính của quá trình công nghiệp hóa khi nó ra mắt vào năm 1983, với tư cách một thực thể hoàn toàn thuộc sở hữu nhà nước. Giây phút chiếc xe Proton Saga thế hệ đầu tiên rời băng chuyền sản xuất, Thủ tướng Mahathir ca ngợi đây là "biểu tượng cho sự tôn quý của người dân Malaysia".
Proton thống trị thị trường Malaysia vào đầu thập niên 1990, chiếm 74% thị phần ở thời kỳ đỉnh cao. Thuế bảo hộ làm tăng đáng kể giá ôtô nhập khẩu, thúc đẩy doanh số xe hơi nội địa. Tuy nhiên, những người kế nhiệm Mahathir sau đó đã hạ thuế nhập khẩu xe hơi, dẫn tới việc doanh số của Proton sụt giảm. Năm 2017, chỉ 13,8% số ôtô mới lưu thông trên đường là xe Proton.
Sự cạnh tranh ngày càng tăng của xe nhập khẩu và sự thành công của Perodua, hãng sản xuất xe tư nhân Malaysia liên doanh với các công ty Nhật Bản thành lập năm 1992, cũng khiến Proton lao dốc. Perodua hiện nắm giữ thị phần lớn nhất trên thị trường xe hơi Malaysia, chiếm 39,8% vào năm 2017.
Ông Mahathir lái thử một chiếc xe Lotus Evora 400 năm 2015. Ảnh: Motorn.com. |
Dù từng là biểu tượng của niềm tự hào dân tộc, thương hiệu Proton những năm qua không còn được như trước với vô số lời phàn nàn về chất lượng, bất chấp việc hãng xe này nhận được sự hỗ trợ lớn từ chính phủ. DRB-HICOM, tập đoàn của tỷ phú Malaysia Syed Mokhtar Albukhary, chi 412 triệu USD mua 42,72% cổ phiếu của Proton vào năm 2012 trong một nỗ lực tư nhân hóa nhằm thay đổi số phận hãng xe.
Tuy nhiên, nỗ lực phục hồi Proton của DRB-HICOM thất bại, chính phủ Malaysia năm 2015, lúc bấy giờ do thủ tướng Najib Razak dẫn dắt, phê duyệt khoản vay trị giá 284 triệu USD cho Proton để công ty trả nợ các nhà cung cấp, với điều kiện Proton phải có một đối tác chiến lược là nhà sản xuất ôtô nước ngoài.
Tập đoàn Cổ phần Cát Lợi Chiết Giang (hay Geely) bắt đầu nhập cuộc. Công ty này năm 2017 mua 49,9% cổ phần Proton với giá 107,3 triệu USD. Thương vụ được mô tả là nhằm cải thiện tình trạng tài chính kiệt quệ của Proton, đồng thời mang đến cơ hội để Proton nâng cấp công nghệ.
Trong khi một số nhà quan sát coi việc Cát Lợi mua lại Proton là một dấu hiệu kinh tế tích cực, thương vụ trên đã trở thành trọng tâm chỉ trích của ông Mahathir và cả những người theo chủ nghĩa dân tộc bảo thủ ở Malaysia trong cuộc bầu cử tháng 5/2018. Bản thân Thủ tướng Mahathir từng giữ chức chủ tịch Proton.
Mahathir coi thương vụ bán Proton cho Cát Lợi là một đòn tấn công chính trị, sự xúc phạm niềm tự hào dân tộc. Ông cáo buộc chính quyền thủ tướng Najib đã "cố tình khiến Proton phá sản để bán công ty".
Quan điểm của Mahathir về thương vụ Proton đã giúp ông rất nhiều trong chiến dịch tranh cử. Vị chính trị gia kỳ cựu đã mở rộng vấn đề sang nguy cơ Malaysia bị phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc, đồng thời tuyên bố sẽ xem xét kỹ lại các dự án tỷ USD liên quan đến Trung Quốc.
Thủ tướng Malaysia Mahathir (trái) lái chiếc Proton Persona chở Tổng thống Indonesia Widodo đến thăm nước này hôm 9/8. Ảnh: Twitter. |
Mahathir chiến thắng cuộc bầu cử một phần nhờ thông điệp rằng Najib sẵn sàng nhận những khoản nợ lớn từ nước ngoài để ký vào các hợp đồng tệ hại đang làm xói mòn chủ quyền Malaysia.
Song kể từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Mahathir lại có cách tiếp cận mang tính hòa giải hơn với Cát Lợi. Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 8/2018, Mahathir đã tới trụ sở của Cát Lợi ở Hàng Châu, nơi ông hết lời ca ngợi công nghệ "ôtô xanh" mà công ty theo đuổi và chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận mở rộng thị trường cho Proton vào Trung Quốc và vươn ra nước ngoài.
Thủ tướng Mahathir đã lái thử trước hai tháng và phê duyệt mẫu xe mới nhất của Proton, một chiếc SUV dựa trên mẫu Geely Boyue, ra mắt tháng 12/2018. Giới quan sát cho rằng việc giới thiệu mẫu xe này là một phần quan trọng trong chiến lược của Cát Lợi nhằm hồi sinh Proton.
Dù vậy, Thủ tướng Mahathir giờ đây tuyên bố Proton "không còn là hãng xe quốc gia" vì nó "đã được bán cho một công ty Trung Quốc". Tháng 6 năm ngoái, tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 24 tổ chức ở Tokyo, Nhật Bản, ông cho biết chính phủ Malaysia sẽ thành lập một công ty ôtô quốc gia mới, "do người Malaysia sở hữu".
Trong cuộc phỏng vấn với Nikkei Asian Review, Thủ tướng Mahathir nói rằng hãng xe mới sẽ áp dụng các công nghệ tiên tiến để chiếm lĩnh thị phần toàn cầu và tuân thủ tiêu chuẩn khí thải Euro-5 hoặc Euro-6. Chính phủ Malaysia có thể đã tiếp cận các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản như Nissan hay Toyota để tìm kiếm sự hỗ trợ cho dự án.
Dự án xe hơi quốc gia mới của Thủ tướng Mahathir được hé lộ ngay sau khi chính phủ hủy bỏ dự án đường sắt cao tốc MRT3 ở thủ đô Kuala Lumpur để kiềm chế nợ công quốc gia.
Tuy nhiên, đề xuất xây dựng hãng xe quốc gia mới của Mahathir vấp phải không ít phản đối từ người dân Malaysia. Không ít người nói họ cần hệ thống giao thông công cộng tốt hơn là một hãng xe quốc gia khác, số khác lo ngại về tình trạng tắc nghẽn giao thông ở Kuala Lumpur cũng như cảnh báo nguy cơ dự án mới đi vào "vết xe đổ" của Proton.
Tuy nhiên, chính quyền Mahathir tin rằng dự án có thể hồi sinh ngành công nghiệp ôtô, thúc đẩy lĩnh vực sản xuất linh kiện và nâng cao năng lực kỹ thuật của Malaysia.
Theo giới quan sát, thị trường ôtô Malaysia tương đối nhỏ và mạng lưới đường bộ còn yếu kém đang là những yếu tố gây khó khăn cho việc thành lập một hãng ôtô quốc gia mới. Dù đề xuất về hãng xe mới của Thủ tướng Mahathir hướng tới mục tiêu xuất khẩu, thực tế cho thấy cả Proton lẫn Perodua đều phải chật vật cạnh tranh và không thể giành được thị phần đáng kể ở thị trường nước ngoài.
Thủ tướng Mahathir rõ ràng đã quay trở lại ghế lái và sẵn sàng xây tiếp di sản ôtô quốc gia của mình, nhưng ông chắc chắn sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn để thuyết phục người dân Malaysia rằng hãng ôtô mới nhằm phục vụ lợi ích quốc gia, bình luận viên Shawn Crispin của Nikkei Asian Review nhận định.
Vũ Hoàng (Theo Asia Times)