Tuần trước, hãng thiết bị viễn thông Ericsson bị phạt 1 tỷ USD vì hối lộ ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tuần trước, hãng thiết bị viễn thông Ericsson bị phạt 1 tỷ USD vì hối lộ ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, thì công ty này đã chi hàng chục triệu USD cho "các quan chức nước ngoài" trong suốt gần hai thập kỷ để đổi lấy lợi ích kinh tế. Các cuộc dàn xếp ngoài tòa kiểu Mỹ này không cho phép công chúng tiếp cận chi tiết vụ việc. Chúng ta sẽ không biết là Ericsson bị cáo buộc cụ thể hành vi gì, có cái tên nào ở Việt Nam được nhắc tới. Đây cũng không phải lần đầu tiên có một vụ như thế này: bên đưa hối lộ ở Tây nhận tội, trả tiền phạt, nên chúng ta chỉ biết chung chung là họ nhận đã làm thế tại Việt Nam, không biết họ tố tiền đó ai cầm.
Và khách quan mà nói, chúng ta cũng không có trách nhiệm phải tin nền tư pháp của nước bạn (thậm chí còn có trách nhiệm phải nghi ngờ). Thông tin này chỉ nêu ra để tham khảo.
Nhưng thông tin về Ericsson làm tôi nhớ lại một buổi chiều vài năm trước. Tôi – trong vai tư vấn – "đập hộp" một lô thiết bị viễn thông ở một doanh nghiệp dùng ngân sách. Lô hàng này trị giá mấy chục tỷ mua trước đó vài năm, nhưng vì lý do nào đó, không được sử dụng cho đến rất lâu sau. Chúng tôi rất náo nức, vì cũ người mới ta.
Nhưng rồi bỗng nhiên ai đó phát hiện ra trên màn hình có một vết mờ nhẹ hình rễ cây. Căng thẳng một lúc tìm nguyên nhân, rồi ê kíp đành đi đến kết luận: cái cảm biến hình ảnh đã mốc rồi. Công việc đổ bể, anh em thẫn thờ giải tán.
Đó không phải là kho thiết bị viễn thông duy nhất tôi biết, mua bằng tiền ngân sách nhưng rồi để mốc. Chuyện mua đồ về để mốc, khách quan mà nói, có thể có nhiều nguyên nhân. Nhà tôi có cái máy nướng bánh mì để mốc. Gia đình vốn có nhu cầu thật. Nhưng mua được hai tháng thì cửa hàng bán bánh mì gối duy nhất trong cả khu đô thị lại đóng cửa. Không thể chạy ba cây số mua bánh mì được, cũng không cho bánh mì truyền thống vào cái máy đấy được, tôi đành cất vào tủ.
Lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước có thiết bị để mốc có thể cũng đau đáu như tôi với cái máy nướng bánh mì sáu trăm năm mươi nghìn ở nhà. Doanh nghiệp đã mất tiền vì lý do khách quan.
Sở dĩ tôi cứ phải tỏ ra "khách quan" từ đầu bài viết đến giờ, vì viễn thông là một thị trường có tính chuyên môn hóa rất cao. Chúng ta không thể bình luận với kiến thức của một người bình thường được. Sau vụ "đập hộp" tẽn tò, tôi cũng đi hóng đủ thứ chuyện về cái lô thiết bị đó, nghe đủ thứ tin đồn, nhưng về sau đành kết luận mình không đủ kiến thức để kết luận.
Vấn đề là thế này: càng ngày, trong nền kinh tế mới, chúng ta càng tiêu ngân sách cho các vấn đề có tính chuyên môn cực cao. Người ngoài nhìn vào không hiểu gì. Học dốt như tôi chắc phải mất mười hai năm đọc sách mới man mác hiểu Ericsson họ bán cái thiết bị gì và AVG được định giá ra sao. Và thực tế này khá nguy hiểm.
Có một năm, ở tỉnh nọ, ủy ban tỉnh chi mấy chục tỷ mua ấm chén làm quà biếu. Cho dù chưa có kết luận điều tra, chúng ta cũng có thể đưa ra quan điểm ngay. "Vớ vẩn", bạn sẽ lầm bầm. Dư luận chất vấn ngay cơ quan chức năng. Vì ấm chén là sở trường của dư luận.
Nhưng nếu cùng mấy chục tỷ đó tiêu cho một cái thiết bị tên là RBS 6102 gì đó (thêm nhiều ký tự và số vào cũng không khác mấy) của Ericsson, thì không ai biết bình luận cái gì. Hẳn nhiều người cũng như tôi, lần đầu tiên nghe thấy có thứ công trình gọi là "ụ nổi", nhờ vào đại án Vinalines được đem ra xét xử. Chúng không thuộc phổ chuyên môn của chúng ta.
Thế thì làm sao mà ngăn chặn được các nghi ngờ chủ quan trong mua sắm công ở các lĩnh vực có tính chuyên môn hóa cao như vậy?
Tham nhũng trong mua sắm thường gây hại gấp hàng trăm lần tham ô. "Tham ô" là khi anh thò tay vào công quỹ và rút ra một khoản x đồng, đút vào túi riêng. "Tham nhũng" trong mua sắm là khi anh vẫn nhận x đồng, đút vào túi riêng, nhưng dưới dạng hoa hồng cho một hợp đồng trị giá 200x đồng. Lô hàng đó, hay thậm chí là công ty đó (như cáo buộc trong vụ Mobifone-AVG), có thể có giá trị chỉ 20x, hoặc vô giá trị. Anh sẵn sàng đốt 199 tỷ của nhân dân để lấy 1 tỷ.
Nhưng như đã phân tích ở trên, hành vi nguy hại này, nếu được đặt trong những lĩnh vực đặc thù, thì các cơ chế giám sát đương đại trở nên yếu đuối. Nhà báo thì thôi không nên nghĩ đến. Đại biểu quốc hội cũng có nhiều tiến sĩ khoa học nhưng chỉ được một lĩnh vực. Các cơ quan thanh tra thì giám sát dựa trên nguyên tắc chi tiêu, và các nguyên tắc này được thiết kế phổ quát, không thể điều chỉnh tất cả các đặc thù lĩnh vực. Có những vụ tham nhũng mang nguy cơ mãi mãi tàng hình.
Chỉ có một nơi đủ chuyên gia để giám sát toàn bộ hoạt động chi tiêu có dùng ngân sách. Đó là toàn bộ xã hội.
Trong bài viết của tiến sĩ Lê Đăng Doanh tại chuyên mục này ngày hôm qua, các ví dụ về bất cập trong chi tiêu công được nêu ra rất dễ hiểu: vé máy bay, in băng rôn biểu ngữ. Lãng phí nhìn thấy được. Nhưng trong ngày đại án AVG được xét xử, chúng ta có thể nghĩ rộng hơn, đến những lĩnh vực mà chẳng mấy ai hiểu. Để thấy rằng áp lực phải công khai, minh bạch hoạt động chi tiêu của nhà nước, và các tổ chức, doanh nghiệp có dùng ngân sách, lớn tới mức nào.
Và vấn đề không chỉ nằm ở công khai, mà còn phải công khai một cách thuận tiện cho hoạt động giám sát. Các cuộc đấu thầu và biên bản chi tiêu công vẫn nằm lác đác đâu đó, nhưng trong một ma trận http không ai hiểu nổi. Chúng ta cần một cổng thông tin có thể tìm kiếm được về đồng tiền của mình.
Sẽ luôn có ai đó trong xã hội hiểu được cái thiết bị tên là ADXL345 nào đó có giá bao nhiêu, và phù hợp cho việc gì. Nhưng họ cần được cung cấp thông tin tận tay, hay nói cách khác là thông tin phải được phủ rất rộng với kỳ vọng tìm ra "Người giám sát" đó.
Trong một xã hội mà việc đăng báo cáo tài chính bán niên lên website cũng còn khó khăn với các Tổng công ty nhà nước, thì tên của một ông tổng giám đốc số đen bị bắt chỉ là... để tham khảo. Cuộc chiến chống tham nhũng của nhà nước sẽ mãi chênh vênh nếu không huy động được sức mạnh toàn dân.
Trong một kịch bản huyền ảo, một buổi sáng Chủ nhật ở Hà Nội, câu lạc bộ kỹ sư viễn thông thủ đô sẽ gặp nhau đi uống cà phê trứng, cùng ngồi mở cái cổng thông tin mơ tưởng của tôi ra ngồi bàn tán. Họ ngồi phân tích các hạng mục mua sắm của các tổng công ty như thể là hoạt động thể thao cuối tuần, rất vui vẻ. Tranh luận chán, họ sẽ nhấc điện thoại gọi cho tôi, Hoàng ơi bọn tớ nghĩ là mình tìm được Ericsson thông thầu món gì rồi. Tôi xin phép họ được gọi lại sau, vì còn phải nghe điện của câu lạc bộ thiết bị đường thủy Hải Phòng, đang offline ở quán bánh đa cua.
Nhưng cho đến ngày kịch bản đó diễn ra, tôi sẽ buộc phải đón nhận những tin tức không thuộc lĩnh vực của mình một cách rất khách quan. Tôi đã mất sáu trăm năm mươi nghìn cho cái máy nướng bánh, thì nhà nước có thể mất sáu nghìn năm trăm tỷ với lý do khách quan.
Dù chủ quan mà nói, giữ mãi sự khách quan kiểu ấy kể cũng buồn.
Đức Hoàng