Thảm họa cháy rừng ở Hy Lạp là "báo động đỏ" về tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu

Chỉ trong vài tháng qua, những đợt nóng lịch sử càn quét từ Bắc Mỹ đến châu Á. Lũ lụt tàn phá nhiều khu vực tại châu Âu và Trung Quốc, trong khi cháy rừng vượt tầm kiểm soát tại Siberia (Nga), Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.

Cháy rừng như hỏa ngục tàn phá hòn đảo lớn thứ hai Hy Lạp suốt 7 ngày qua được coi là hậu quả trực tiếp của biến đổi khí hậu.

Thảm họa cháy rừng tại Hy Lạp là hậu quả của biến đổi khí hậu
Thảm họa cháy rừng tại Hy Lạp là hậu quả của biến đổi khí hậu

Lực lượng tuần duyên Hy Lạp đã sơ tán hơn 2.000 người khỏi đảo Evia, điểm nghỉ mát nổi tiếng ở đông bắc Athens, từ khi cháy rừng bùng phát hôm 3/8. Lực lượng cứu hỏa từ hơn 20 quốc gia châu Âu đang có mặt ở Evia để giúp ngăn chặn cháy rừng đang phá hủy hàng nghìn m2 đất rừng và nhà cửa.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho hay vụ cháy rừng tàn phá đảo Evia là một phần trong chuỗi thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra bởi hành vi con người. Khói bốc lên từ đám cháy che khuất ánh nắng mặt trời giữa thời tiết nóng nhất mà Hy Lạp từng ghi nhận trong 30 năm qua.

Nhiệt độ đã lên tới 45 độ C trên khắp Hy Lạp trong vài ngày qua. Trong khi đám cháy lớn tàn phá nhà cửa, cơ sở kinh doanh và rừng ở phía bắc Athens đang suy yếu dần, những vụ cháy khác bùng lên thiêu rụi rừng, đất nông nghiệp ở Peloponnese, miền nam Hy Lạp.

Theo báo cáo mới được công bố của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hợp Quốc, kể cả khi nhân loại quyết tâm cắt giảm lượng khí nhà kính carbonic ngay từ hôm nay, nhiệt độ Trái Đất vẫn sẽ tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp trước năm 2040.

Nhân loại sẽ cần chuẩn bị cho một tương lai nóng bức hơn, với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn.

Khi nhiệt độ Trái Đất tăng 1,5 độ C, mối nguy với nhân loại gia tăng đáng kể. Gần một tỷ người sẽ phải thường xuyên đối mặt với những đợt nắng nóng chết người. Hàng trăm triệu người rơi vào cảnh thiếu nước ngọt do hạn hán. Nhiều loài sinh vật sẽ tuyệt chủng.

Nếu các quốc gia có thể phối hợp để ngừng phát thải carbon ra không khí trước năm 2050 và trích xuất carbon từ không khí, mức tăng nhiệt độ 1,5 độ C có thể được duy trì.

Tuy vậy, nếu con người không thể tận dụng cơ hội này, nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng. Con số này có thể lên đến 2, 3, thậm chí 4 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Băng đang tan ở Greenland
Băng đang tan ở Greenland

Báo cáo chỉ ra khi nhiệt độ càng cao, khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt hay nắng nóng càng lớn. Nhiệt độ gia tăng còn khiến băng ở vùng cực tan chảy, khiến nước biển dâng cao, qua đó đe dọa đến sự tồn vong của một số quốc đảo giữa đại dương.

Ngoài ra, điều này còn dẫn đến nguy cơ đưa biến đổi khí hậu đến mức độ “không thể đảo ngược”. Theo một nghiên cứu gần đây, nếu Trái Đất nóng lên 2 độ C, các thềm băng ở đảo Greenland và phía Tây Nam cực sẽ tan ra. Không có cách nào phục hồi chúng.

Báo cáo của IPCC cho thấy mối nguy đối với con người là chưa từng có trong lịch sử. Thập kỷ vừa qua là thập kỷ nóng nhất của Trái Đất trong khoảng 125.000 năm. Băng trên Trái Đất đang tan chảy với tốc độ “chưa từng có trong ít nhất 2.000 năm trở lại đây”. Thậm chí, nồng độ khí nhà kính trong không khí đang ở mức cao nhất trong 2 triệu năm.

Trong 100 năm qua, mực nước biển tăng khoảng 20 cm. Tốc độ nước biển dâng tăng gấp đôi từ năm 2006 đến nay. Các đợt nắng nóng trở nên nóng hơn và kéo dài lâu hơn so với 70 năm trước. Tần suất nhiệt độ nước biển dâng đột ngột - hiện tượng có thể giết chết các loài sinh vật biển - tăng gấp đôi kể từ những năm 1980.

Mực nước biển dâng là thảm họa với các quốc gia có đường bờ biển
Mực nước biển dâng là thảm họa với các quốc gia có đường bờ biển

Khi Trái Đất tăng 1,5 độ C, hiện tượng thời tiết cực đoan trên sẽ diễn ra mỗi 5 năm. Nếu biến đổi khí hậu không được kiểm soát, khiến Trái Đất tăng 4 độ C, nắng nóng chết người sẽ xảy ra gần như hàng năm.

Với mức tăng nhiệt độ 1,5 độ C, mức nước biển sẽ dâng cao từ 30 đến 60 cm trong thế kỷ này, khiến nhiều thành phố ven biển phải chịu cảnh ngập lụt. Nếu nhiệt độ tiếp tục tăng, tình hình còn tồi tệ hơn. Trong kịch bản xấu nhất, mực nước biển sẽ còn tăng thêm gần 1 m.

Đây là bản báo cáo toàn diện nhất đến nay về biến đổi khí hậu. Tài liệu này dự kiến sẽ là trọng tâm thảo luận tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26), được tổ chức tại Glasgow, Anh vào tháng 11 tới.

Phóng viên (t/h)

https://nghenghiepcuocsong.vn/tham-hoa-chay-rung-o-hy-lap-bao-dong-do-ve-bien-doi-khi-hau-toan-cau/?fbclid=IwAR1CDgDZuTPil0lR2iyXagSEiQFQV6OBb11mVNL1HjGP8gWV52Z597q2n1Y

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu
Tổng thống Mỹ ký loạt sắc lệnh đối phó biến đổi khí hậu Tổng thống Mỹ ký loạt sắc lệnh đối phó biến đổi khí hậu
Thách thức với Biden trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu Thách thức với Biden trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu

/ Nghề nghiệp & Cuộc sống