Thách thức với Biden trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu

Biden hứa đưa Mỹ trở lại vị trí lãnh đạo toàn cầu chống biến đổi khí hậu, nhưng nhiệm vụ này không dễ dàng sau nhiệm kỳ Trump.

Joe Biden đã chỉ định cựu ngoại trưởng John Kerry là quan chức hàng đầu phụ trách chính sách về khí hậu toàn cầu và có một ghế trong Hội đồng An ninh Quốc gia thuộc chính quyền tương lai của ông. Giới quan sát cho rằng động thái này thể hiện cam kết của Tổng thống đắc cử nhằm khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Các nhà hoạt động môi trường, những người hy vọng chính quyền mới sẽ xem biến đổi khí hậu là vấn đề trọng tâm, hoan nghênh thông tin này, nhưng đây là nhiệm vụ khó khăn đối với cả Kerry và Biden.

2538 23
Joe Biden (phải) và cựu ngoại trưởng John Kerry tại Nhà Trắng năm 2014. Ảnh: White House.

Sau 4 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, danh tiếng của Mỹ trên vũ đài quốc tế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trump nhiều lần bác bỏ bằng chứng khoa học về biến đổi khí hậu, đảo ngược hàng loạt quy định cắt giảm khí thải và quy định bảo vệ môi trường, rút khỏi Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu chỉ 6 tháng sau khi nhậm chức.

Để kết thúc kỷ nguyên của Trump và khôi phục vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ về khí hậu, Biden và Kerry phải đẩy nhanh các chính sách cắt giảm khí thải trong nước và hỗ trợ cho các đối tác đang đạt tiến bộ trong lĩnh vực này. Nhiều đồng minh cho rằng điều quan trọng là Mỹ cần phải cho thế giới thấy rằng Washington sẽ không còn đơn phương đặt ra các điều khoản thỏa thuận.

"Chúng tôi phải tái gia nhập lĩnh vực này, khi chúng tôi tham gia với các đồng minh trên tinh thần khiêm nhường", Gina McCarthy, từng là người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) và hiện là chủ tịch Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên, nói. "Chúng tôi phải tạo dựng lại rất nhiều sự tín nhiệm trên toàn thế giới".

Một phần trong chiến lược của chính quyền Biden là nhắc nhở thế giới về những gì ông từng làm trong quá khứ. Khi là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và sau đó là 8 năm giữ chức phó tổng thống Mỹ, Biden đã gây dựng được danh tiếng trên sân khấu quốc tế, giúp mở ra kỷ nguyên vàng trong chính sách ngoại giao về khí hậu của Mỹ.

Kerry không những là người nổi tiếng trên thế giới, mà còn giành được sự tín nhiệm đặc biệt trong các cuộc thảo luận về khí hậu. Từng là ngoại trưởng dưới thời tổng thống Barack Obama, Kerry đã đàm phán thành công với các quốc gia đang phát triển và đảm bảo thỏa thuận Paris được thông qua.

Bài toán đầu tiên của chính quyền Biden là liệu Mỹ có làm được những gì đã nói và theo đuổi chính sách khí hậu có ảnh hưởng sâu rộng trong nước hay không. Cam kết "chính phủ dốc sức" đối phó với biến đổi khí hậu của Biden, bằng cách đưa vấn đề này vào quá trình hoạch định chính sách ở hầu hết các cơ quan từ Bộ Tài chính tới Bộ Quốc phòng, là một khởi đầu rất quan trọng, theo các đồng minh. Khôi phục các quy định dưới thời Obama mà Trump đã đảo ngược, từ tiêu chuẩn phát thải khí của các phương tiện tới quy định về phát thải khí metan, cũng được xem là bước đi quan trọng.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách về khí hậu trên thế giới đều nhận thấy những khó khăn mà chính quyền Biden sẽ phải đối mặt khi tìm cách thông qua các dự luật ở lưỡng viện quốc hội, cũng như thách thức từ hệ thống tòa án ngày càng bảo thủ.

Điều quan trọng nhất để giành lại niềm tin của lãnh đạo toàn cầu nhiều khả năng phụ thuộc vào Cam kết Tự nguyện Quốc gia (NDC), một cam kết mới của Mỹ về giảm phát thải khí sẽ được công bố vào năm tới. NDC, một yêu cầu trong Hiệp định Paris, sẽ đặt mục tiêu cắt giảm khí thải cho Mỹ tới năm 2030 và lộ trình để đạt được đó. Việc đạt mục tiêu đầy tham vọng này sẽ tạo động lực cho hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc dự kiến tổ chức ở Glasgow, Scotland vào cuối năm 2021.

Các quốc gia ký Hiệp định Paris cũng kỳ vọng nhiều cam kết tương tự sẽ được các thành viên đưa ra trước thềm hội nghị và một NDC mạnh mẽ của chính quyền Biden sẽ gửi đi thông điệp rõ ràng rằng Mỹ đã trở lại.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng mọi thứ phải chờ xem khi trở lại, Mỹ sẽ định hình các cuộc thảo luận về khí hậu toàn cầu như thế nào. Một trong những câu hỏi lớn nhất là Biden sẽ tái hợp tác cùng Trung Quốc ra sao, khi quốc gia này đang tìm cách lấp chỗ trống trong vai trò lãnh đạo mà Mỹ từng thoái lui. Trung Quốc cam kết sẽ đạt mục tiêu phát thải bằng không vào năm 2060 và đầu tư nhiều vào công nghiệp xanh.

Dưới thời Obama, biến đổi khí hậu được xem như "cành olive", lĩnh vực Mỹ - Trung có thể hợp tác trên tinh thần xây dựng, trong bối cảnh hai bên vẫn có nhiều căng thẳng về quân sự và thương mại. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng giờ còn quá sớm để biết liệu Bắc Kinh và Washington có thể bỏ qua những rạn nứt dưới thời Trump để tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực này hay không.

"Bạn phải hợp tác với họ", Jonathan Pershing, cựu đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói. "Câu hỏi đặt ra là sự cân bằng trong chính sách cây gậy và củ cà rốt ở đây là gì".

Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia phát thải khí lớn nhất thế giới, chiếm tới hơn 40% lượng phát thải toàn cầu. Điều này đồng nghĩa việc hai bên hợp tác có thể nhanh chóng thúc đẩy sự thay đổi không chỉ đối với nền kinh tế trong nước, mà còn đối với các quốc gia chịu ảnh hưởng từ họ.

Giới quan sát nhận định triển vọng sẽ khác ở EU, nơi các quốc gia thành viên chắc chắn sẽ hưởng ứng Mỹ trở lại vai trò lãnh đạo. Tuy nhiên, giới lãnh đạo EU có thể sẽ cảnh giác với giọng điệu của Mỹ. Trong 4 năm Trump theo đuổi "Nước Mỹ trước tiên", EU đã phải gánh vác nhiều công việc khó khăn để thực hiện các giải pháp khí hậu toàn cầu.

"Mỹ thực sự đối mặt với sự suy giảm tín nhiệm lớn của các đồng minh và phần còn lại của thế giới", Nat Keohane, phó chủ tịch Quỹ Bảo vệ Môi trường và từng là cố vấn chính sách khí hậu cho tổng thống Obama, nói. "Khí hậu là cách tốt nhất, hoặc ít nhất là cách tức thời nhất, để thoát khỏi tình trạng mất niềm tin đó".

2542 24
John Kerry ký Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu trong khi bế cháu gái hồi năm 2016. Ảnh: AFP.

Hiện chưa rõ Biden sẽ chọn cách tiếp cận nào để xây dựng lại các mối quan hệ và xóa đi các khoảng cách này. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông cam kết sẽ tổ chức hội nghị thượng định khí hậu ngay trong 100 ngày đầu nhậm chức, nhằm hỗ trợ các quốc gia thực hiện cắt giảm khí thải.

"Tôi sẽ kêu gọi 100 quốc gia hoặc hơn, nhưng là 100 nhà phát thải lớn tới Mỹ trong 100 ngày đầu tiên", Biden nói trong cuộc tranh luận sơ bộ đảng Dân chủ hồi tháng 3. "Nếu từ chối, họ sẽ phải gánh hậu quả".

Các chuyên gia chính sách khí hậu quốc tế nói rằng Joe Biden khó có thể chọn cách trừng phạt như vậy, một phần bởi Mỹ cần phải tập trung hành động trong nước, trước khi có thể đe dọa trừng phạt nước khác.

Nhiều chuyên gia cũng kỳ vọng chính quyền Biden sẽ bắt đầu năm tới bằng cách theo đuổi chính sách ngoại giao hơn là các biện pháp trừng phạt nước khác. Một số người dự đoán Biden và Kerry sẽ tận dụng hội nghị thượng đỉnh về khí hậu đầu tiên như cơ hội thông báo hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đang phát triển, điều đã bị dừng lại dưới thời Trump.

"Chúng tôi cần sự trở lại của Mỹ để thúc đẩy một phong trào đã được bắt đầu", Laurence Tubiana, chủ tịch Tổ chức Khí hậu châu Âu là từng là thành viên quan trọng của Hiệp định Paris với vai trò Đại sứ Biến đổi Khí hậu của Pháp, nói.

Thanh Tâm (Theo Time)

Viễn cảnh nào khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris chống biến đổi khí hậu? Viễn cảnh nào khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris chống biến đổi khí hậu?

Vấn đề cấp thiết đặt ra là các quốc gia trên thế giới cần thể hiện hơn nữa vai trò trong cuộc chiến chống biến ...

/ vnexpress.net