Các chuyên gia cho rằng thả hơn 30.000 đèn hoa đăng xuống biển thể hiện sự khoa trương, lãng phí, không chỉ đầu độc thiên nhiên mà còn làm mất ý nghĩa tâm linh.
Thông tin 30.000 đèn hoa đăng được thả xuống vịnh Lan Hạ trong Đại lễ Vu Lan được tổ chức tại đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng) ngày 10/8 khiến dư luận xôn xao suốt mấy ngày qua.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc làm này không có ý nghĩa tâm linh mà chỉ là sự phô trương, hình thức, lãng phí... trong khi hậu quả của nó không khác gì đầu độc thiên nhiên.
Trả lời VTC News, TS Vũ Thế Khanh (Tổng giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA) và PGS, TS Nguyễn Thị Nguyệt (Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) cho rằng, việc đốt đèn hoa đăng đang bị lạm dụng, gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường.
Đèn hoa đăng được thả tại khu vực cầu Cảng (đảo Cát Bà) vào tối 10/8. (Ảnh mạng xã hội) |
TS Vũ Thế Khanh cho rằng về góc độ văn hóa, thả đèn hoa đăng là việc nên làm để tưởng nhớ những người đã mất. Tuy nhiên, chúng ta không nên quá lạm dụng việc này để tổ chức linh đình, mang tính tượng trưng thái quá.
“Lễ thả đèn hoa đăng là nghi thức mang ý nghĩa tâm linh, về mặt văn hóa thì đây là việc nên làm để cầu nguyện cho những người đã mất. Nhưng chúng ta nên hạn chế, không nên làm quá phô trương, thả quá nhiều đèn đến mức không cần thiết bởi vì không phải cứ đốt nhiều mới linh”, TS Vũ Thế Khanh chia sẻ.
Theo ông Khanh, tổ chức thả đèn hoa đăng số lượng "khủng" đến hơn 30.000 chiếc như ở Hải Phòng là lãng phí, chưa thiết thực, đặc biệt gây tác động xấu cho môi trường sinh thái ở biển.
Chúng ta không nên làm quá phô trương, thả quá nhiều đèn đến mức không cần thiết bởi vì không phải cứ đốt nhiều mới linh.
TS Vũ Thế Khanh |
“Trước hết, việc tổ chức lễ đốt đèn hoa đăng đến 30.000 đèn như vậy cần một khoản kinh phí lớn, gây lãng phí tiền của. Tiếp nữa là việc thả đèn hoa đăng sẽ để lại rác, rác bằng nhựa rất khó phân hủy. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường nước, môi trường sống xung quanh”, ông Vũ Thế Khanh phân tích.
Ông Khanh cho rằng, việc thả đèn hoa đăng nên tập trung vào nội dung, tránh lãng phí, chủ nghĩa hình thức. Làm việc tâm linh phải xuất phát từ lòng thành kính, từ thực tâm của chính mình, không nên quá khoa trương.
“Thông qua việc đốt hương, đốt nến để thắp nên nén hương lòng, ánh sáng trí tuệ và từ bi trong lòng mỗi người đến tham dự thì mới quan trọng. Còn chú ý về hình thức nhiều mà không thắp nên ánh sáng trí tuệ, từ bi ở trong lòng thì không có ý nghĩa”, ông Khanh nói và cho rằng, lễ thả hoa đăng có thể chỉ nên làm tượng trưng, giống như hình thức đốt đuốc trong sân vận động, tránh việc gây tốn kém, hủy hoại về môi trường.
“Đốt hoa đăng thực hiện như đốt đuốc truyền thống, mọi người hướng về tâm linh nhất, trang nghiêm, đồng lòng tạo ra cộng hưởng về tâm linh thì rất hay”, ông Khanh nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Nguyệt cho rằng có thể thả đèn hoa đăng, thả đèn trời hoa đăng cầu sức khỏe, bình an song không nên lạm dụng nhiều. Nếu lạm dụng thả quá nhiều hoa đăng thì mất đi tính biểu tượng, ý nghĩ văn hóa, giá trị tốt đẹp của nghi thức này.
“Để thể hiện lòng thành kính, nhớ đến công ơn những người đã mất thì có thể sử dụng theo hình thức biểu tượng, không nên sử dụng quá nhiều đèn hoa đăng, có thể chỉ vài cái đèn hoa đăng cũng đã thể hiện về mặt tâm linh rồi”, PGS.TS Nguyễn Thị Nguyệt nói.
Bên cạnh đó, chuyên gia Nguyễn Thị Nguyệt cũng cho rằng, việc đốt đến 30.000 đèn hoa đăng là quá tốn kém, nếu quá lạm dụng thì không còn vì những mục đích tốt đẹp.
Hơn nữa, đốt đèn hoa đăng bằng hình thức nến thì khi nến cháy, trôi nổi hòa vào nước biển sẽ làm ô nhiễm nước, gây ảnh hưởng cho sức khỏe con người và môi trường sống của sinh vật biển.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Nguyệt, có nhiều hình thức để bảo vệ môi trường, thể hiện sự thành kính của mình về mặt tâm linh. Không nên tiếp tục thả 30.000 đèn hoa đăng xuống biển để gây ô nhiễm môi trường và tốn kém như thế.
Chúng ta nên có ý thức hơn, có những hình thức đơn giản, tiết kiệm hơn nhưng vẫn thể hiện được tâm của mình, quan trọng là phải thành tâm, hướng thiện, có ích cho xã hội và môi trường.
Đại lễ Vu lan và Đêm hội hoa đăng Cát Bà năm 2019 được tổ chức vào tối 10/8 do Ban Trị sự Hội Phật giáo huyện Cát Hải tổ chức diễn ra tại khu vực cầu Cảng, thuộc đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, Hải Phòng).
Theo đó, sự kiện thu hút hàng nghìn tăng ni, phật tử cùng người dân và du khách nước ngoài đến dự.
Chương trình gây ấn tượng với hơn 30.000 đèn hoa đăng được thả xuống biển.
Tuy nhiên, một số ý kiến trên mạng xã hội cho rằng việc thả hoa đăng xuống biển, xuống sông đang là một dạng biến tướng của đạo Phật. Việc làm này cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường.
Ngày 25/8, trả lời VTC News, ông Phạm Quang Hiển, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải khẳng định, toàn bộ số hoa đăng thả xuống vịnh Lan Hạ được Công ty môi trường của huyện, Ban quản lý Vịnh, các tăng ni phật tử, đại diện trường học… thu gom luôn trong ngày hôm đó.
Ông Hiển cũng khẳng định không có gì trôi trên biển gây ra ô nhiễm môi trường sau sự kiện Đại lễ Vu Lan.
Cũng theo ông Hiển, hiện huyện Cát Hải đang đẩy mạnh việc giảm thải các chất thải nhựa nên chính quyền lường trước được vấn đề và đưa nội dung thu gom rác thải vào phương án tổ chức chương trình.
Tuy nhiên, trước ý kiến của lãnh đạo huyện Cát Hải, nhiều người vẫn băn khoăn liệu lực lượng chức năng địa phương có thể vớt được hết hơn 30.000 đèn hoa đăng trôi dạt trên biển?
Kông Anh
Xôn xao 30.000 hoa đăng thả trôi trên biển gây ô nhiễm môi trường: Chính quyền Hải Phòng trần tình
Lực lượng chức năng thu gom toàn bộ 30.000 hoa đăng được thả xuống biển trong Đại lễ Vu Lan Cát Bà 2019, không để ... |
Hàng nghìn phật tử dự lễ hoa đăng tại chùa Tam Chúc
Lễ hoa đăng Vesak 2019 diễn ra tối 13/5, với sự tham dự của 10.000 người và hơn 40.000 hoa đăng. |