Dù gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường nhưng túi nilon vẫn hiện diện khắp nơi trong đời sống hằng ngày, nhất là tại các chợ cóc, chợ dân sinh. Đa số người dân đều nhận thức được điều đó nhưng vì sự tiện lợi nên còn ít người nghĩ đến việc thay đổi thói quen này.

Dù biết tác hại nhưng vẫn sử dụng
Việc sử dụng túi nilon hiện vẫn đang là thói quen khó bỏ của nhiều người trong nếp nghĩ, nếp sống hằng ngày. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, từ chợ cóc, chợ dân sinh đến cửa hàng tạp hóa… rất dễ để thấy chiếc túi nilon hiện diện trong mọi hoạt động mua bán.
Bà Nguyễn Thị Yến - tiểu thương bán rau củ quả tại chợ dân sinh Nguyễn Thị Thập (phường Nhân Chính) cho biết, một buổi chợ bà sử dụng hết khoảng 2-3kg túi nilon các loại. Quan sát tại quầy hàng của bà Yến và các hàng rau củ, trái cây, hay thực phẩm tươi sống có thể thấy phần lớn người dân đều chấp nhận sử dụng túi nilon đựng thực phẩm từ người bán hàng. Tại quầy hàng trái cây, có người còn xin thêm 2, 3 chiếc túi để xách các loại quả nặng.
Về phía ý kiến của người tiêu dùng, chị Nguyễn Anh Thư (ở phố Chính Kinh, phường Khương Đình) cho biết, qua các phương tiện truyền thông, từ lâu chị đã hiểu rõ tác hại của các sản phẩm dùng một lần được làm từ nhựa. Song thói quen sử dụng túi nilon mỗi khi đi chợ vẫn không thể thay đổi. "Ban đầu mình cũng mang túi vải để trên đường đi làm về sẽ tiện đi chợ mua đồ. Nhưng rau xanh hoặc các món đồ khô thì có thể để vào túi, chứ các sản phẩm thực phẩm tươi sống rất khó để chung vào túi nếu người bán hàng không có loại bao gói khác thay thế túi nilon", chị Anh Thư chia sẻ.
Theo anh Nguyễn Mạnh Hùng, chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh các sản phẩm đồ nhựa, túi nilon tại phố Trung Hòa (phường Yên Hòa), nhu cầu mua bán của các tiểu thương trong chợ với những mặt hàng này rất lớn. Túi nilon rẻ nên mọi người sử dụng nhiều.
Ngừng sử dụng túi nilon - quyết định hoàn toàn khả thi
Theo thống kê, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm. Riêng Hà Nội, con số lên tới 1.427 tấn/ngày, trong đó hơn 60% là túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần.
Phó Giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, phân tích, phần lớn túi nilon trên thị trường là loại tái chế từ nhựa bẩn, có nguy cơ chứa chì, cadimi - kim loại nặng gây tổn thương gan, thận, vô sinh hoặc dậy thì sớm. Đặc biệt, khi dùng để đựng thực phẩm nóng, các chất phụ gia trong nhựa dễ bị thôi nhiễm vào đồ ăn, tạo ra những tác động lâu dài đến nội tiết và sức khỏe.
Trước thực trạng trên, tại kỳ họp thứ hai mươi lăm, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết quy định biện pháp hỗ trợ, ưu đãi đối với hoạt động tái chế rác thải sử dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất trên địa bàn thành phố Hà Nội (thực hiện điểm d Khoản 2 Điều 28 của Luật Thủ đô) với tỷ lệ tán thành cao. Đây được xem là bước đi quyết liệt nhằm thúc đẩy ngành tái chế phát triển theo hướng hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường trong bối cảnh Hà Nội đang đối mặt với áp lực rác thải ngày càng gia tăng. Đáng chú ý, đối với các chợ, cửa hàng tiện lợi, thành phố Hà Nội yêu cầu không cung cấp miễn phí túi nilon khó phân hủy sinh học kể từ ngày 1-1-2027. Chợ, cửa hàng tiện lợi không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nilon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) kể từ ngày 1-1-2028.
Tại nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hà Nội, việc chuẩn bị ngừng sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa gây hại cho môi trường đang được triển khai thông qua việc dần thay thế bằng các vật liệu thân thiện với môi trường. Theo nhiều tiểu thương, nếu người mua thay đổi thói quen, thì việc thành phố cấm hoàn toàn túi nilon, hộp xốp, nhựa dùng một lần từ ngày 1-1-2028 là hoàn toàn khả thi.
Bà Lê Thị Hoa bán cháo sườn tại chợ Nhân Chính (phường Thanh Xuân) chia sẻ, bà thường đựng cháo vào hộp nhựa cho khách hàng, nhưng có nhiều khách hàng cũng chủ động mang hộp thủy tinh hoặc cặp lồng đi mua, vừa sạch sẽ, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe. Giờ cấm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, thì quan trọng người mua thay đổi thói quen là sẽ thực hiện được.
Còn theo anh Nguyễn Mạnh Hùng, chủ cửa hàng chuyên kinh doanh các sản phẩm đồ nhựa, túi nilon tại phố Trung Hòa (phường Yên Hòa), trước thông tin chợ và cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố sẽ không còn được phép lưu hành, sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học từ ngày 1-1-2028, cửa hàng cũng tính sẽ thay đổi sản phẩm kinh doanh để tuân thủ quy định pháp luật.
Tại hệ thống siêu thị BRG cùng nhiều siêu thị lớn trên địa bàn thành phố như Go!, Tops Market, AEON Co.opmart, LOTTE Mart, Mega Market, Winmart..., túi nilon phân hủy sinh học đã được sử dụng thay thế cho túi nilon thông thường từ lâu. Dù chi phí cao hơn, kéo theo giá bán sản phẩm có phần nhỉnh hơn, nhưng cách làm này vẫn nhận được sự ủng hộ của đông đảo người tiêu dùng.
Từ phía người tiêu dùng, nhiều người cũng đã chấp nhận sự bất tiện ban đầu. Chị Nguyễn Thu Hà (ở chung cư 34T Hoàng Đạo Thúy, phường Yên Hòa) cho biết, lúc đầu không quen, nhưng sau thấy cũng ổn. Đồ ăn sạch, không bị thôi nhiễm chất nhựa, an toàn hơn.
Rõ ràng, tính tiện dụng của túi nilon vẫn là yếu tố khiến nhiều người lựa chọn, nhất là người bán hàng. Tuy nhiên, sự chủ động từ chối không lấy túi nilon của người mua chính là hành động cần thiết để thay đổi nhận thức, hành động của người bán. Từ đó, mỗi người dân sẽ hướng đến hành vi dùng các loại túi giấy để bảo vệ môi trường...
Bác sĩ Chu Thanh Phương (Khoa Hô hấp - Dị ứng, Bệnh viện Hữu Nghị):

Cần tìm biện pháp thay thế túi nilon
Lâu nay, sự phụ thuộc quá mức vào túi nilon đã tạo ra nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường và sức khỏe của con người. Chính vì những lý do này, việc nhận thức về tác hại của việc sử dụng bao bì nilon và thực hiện các biện pháp để giảm thiểu loại chất thải này là cấp thiết.
Túi nilon đặc biệt là các loại nhuộm màu, được bán ở chợ hoặc đại lý để đựng thực phẩm có thể chứa các kim loại nặng như chì và cadimi, có nguy cơ gây ung thư. Các nghiên cứu cho thấy, túi nilon chứa chất BPA ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ và gây chậm phát triển, ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch ở trẻ em…
Nghiêm trọng hơn, khi đốt túi nilon, khói thải ra môi trường chứa chất độc hại như Dioxin và Furan, có thể gây ngộ độc, khó thở, và trong trường hợp nặng có thể dẫn đến ung thư. Với những hậu quả nghiêm trọng này, việc giảm sử dụng túi nilon và tìm kiếm biện pháp thay thế là vô cùng quan trọng để bảo vệ môi trường và sức khỏe của chúng ta.
Chị Lê Thị Thịnh - Công nhân Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị:

Rất mong người dân thay đổi ý thức
Người dân thường cho rác vào một túi rồi đưa ra xe đẩy, và các loại rác thường được trộn lẫn, đặc biệt là túi nilon và rác thải nhựa nhiều vô kể.
Việc rác thải không được phân loại, đặc biệt là có nhiều túi nilon và rác thải nhựa, làm tăng khối lượng rác và gây khó khăn cho quá trình thu gom và xử lý của công nhân môi trường. Số túi nilon người dân thải ra hằng ngày cùng vô số các loại rác thải sau đó sẽ được đưa về các bãi rác để tiêu hủy, chôn lấp hoặc lọc ra bán cho các làng tái chế ở Hưng Yên, Bắc Giang... gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn có sự thay đổi trong ý thức của người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn để giảm thiểu lượng rác thải hỗn hợp cũng như là rác thải nilon và nhựa. Các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục về việc phân loại rác và bảo vệ môi trường để người dân hiểu rõ hơn về tác hại của việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Chị Trần Thị Ngọc Lan (đường Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân):

Hãy “nói không” với túi nllon
Tác hại của các sản phẩm nhựa dùng một lần nói chung và túi nilon nói riêng đã rõ. Qua truyền thông, cộng đồng cũng nắm rõ điều này. Thế nhưng, thực tế cho thấy từ nhận thức đến cách ứng xử của người dân với các sản phẩm nhựa dùng một lần vẫn còn một khoảng cách.
“Tôi không lấy túi nilon đâu!”. Đó là một câu nói rất đơn giản nhưng không hề dễ dàng. Nó cần một quá trình nhận thức hoặc một tác động mạnh mẽ nào đó khiến mọi người thay đổi suy nghĩ. Tôi cũng đã từng nói như thế khi mua những loại thực phẩm có đóng gói sẵn. Và tôi thấy rất vui. Dần dần, tôi cũng để sẵn trong xe mình những chiếc túi được may bằng vải dù để đựng các loại thực phẩm mỗi lần đi chợ.
Trong trường hợp quên mang theo túi hoặc phải ship hàng, tôi cũng sẽ cố gắng lựa chọn những cơ sở kinh doanh sử dụng túi tự tiêu hủy. Dẫu chưa phải đã loại bỏ 100% túi nilon khỏi hoạt động đi chợ mua thực phẩm nhưng ít nhất, tôi cũng góp phần nhỏ bé bảo vệ môi trường.
Quang Minh ghi