- Mỹ chuyển hệ thống tên lửa Patriot, xe tăng Abrams cho Ukraine sớm hơn dự kiến
- Nhà Trắng công bố cung cấp tên lửa Patriot cho Ukraine
- Nga cảnh báo hậu quả nếu NATO chuyển giao tên lửa Patriot cho Ukraine
Mỹ xác nhận, khẩu đội tên lửa phòng không Patriot mà nước này sản xuất đã đánh chặn thành công một tên lửa của Nga ở Ukraine, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục viện trợ quân sự cho Kiev.
Trong cuộc họp báo ngày 9/5 (giờ địa phương), phát ngôn viên Lầu Năm Góc Pat Ryder xác nhận, lực lượng Ukraine đã "bắn hạ một tên lửa Nga bằng hệ thống phòng không Patriot". "Hệ thống đó là một phần năng lực phòng không mà Mỹ và quốc tế cung cấp cho Ukraine", ông Ryder nói, CNN đưa tin.
Ông Ryder không nêu rõ loại tên lửa của Nga bị đánh chặn, đồng thời khẳng định Washington và các đồng minh sẽ tiếp tục "tăng cường năng lực phòng không trên mặt đất và đạn dược để giúp Ukraine kiểm soát bầu trời".
Ukraine đã nhận bàn giao ít nhất 2 tổ hợp Patriot do Mỹ sản xuất. Mỗi tổ hợp tên lửa loại này gồm đài chỉ huy, radar và tối đa 8 bệ phóng với 4 quả đạn/ bệ phóng. Chưa rõ vị trí Ukraine bố trí Patriot, nhưng khả năng cao chúng được triển khai cạnh các mục tiêu trọng yếu gần Kiev.
Tuyên bố của ông Ryder được đưa ra vài hôm sau khi trang Defense Express dẫn nguồn tin từ quân đội Ukraine cho biết, lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ một tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga trên bầu trời thủ đô Kiev vào khoảng 2h40 sáng ngày 4/5.
Ngày 5/5, phát ngôn viên không quân Ukraine Yuryi Ignat bác bỏ tin trên, khẳng định họ thậm chí không thể phát hiện tên lửa Kinzhal trên không phận Kiev. Tuy nhiên, một ngày sau, tư lệnh không quân Ukraine lại quả quyết rằng, quả đạn Kinzhal bị hệ thống phòng không Patriot bắn hạ.
Hãng tin PravdaUkraine mô tả thông điệp của ông Ryder là lời xác nhận rằng chính Patriot đã đánh chặn thành công tên lửa Kinzhal của Nga.
Tên lửa siêu vượt âm Kinzhal có tốc độ tối đa khoảng Mach 10-12 (gấp 10-12 lần vận tốc âm thanh) và quỹ đạo bay phức tạp. Nga lần đầu tiên sử dụng tên lửa Kinzhal hồi tháng 3/2022, khi tấn công một kho vũ khí lớn ở tỉnh Ivano-Frankivsk, miền Tây Ukraine.
Trong diễn biến liên quan, Lầu Năm Góc ngày 9/5 công bố gói viện trợ mới nhất trị giá 1,2 tỷ USD cho Ukraine, cung cấp theo Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), tức sẽ giải ngân từ từ trong nhiều tháng hoặc nhiều năm để đảm bảo nhu cầu an ninh trong tương lai của Kiev.
Gói mới nhất này nâng tổng viện trợ quân sự Mỹ dành cho Ukraine lên gần 37 tỷ USD từ khi xung đột bùng phát tháng 2/2022. Các loại vũ khí được cung cấp theo gói viện trợ mới gồm đạn dược, tên lửa phòng không, UAV, pháo, phụ tùng thay thế và kinh phí bảo trì.