Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, cuộc tập kích đã phá hủy ít nhất hai bệ phóng tên lửa Patriot của Ukraine tại vùng Odessa.
Ngày 7/7, Reuters dẫn lại thông báo của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ, các tên lửa đạn đạo Iskander của nước này đã phá hủy hai bệ phóng thuộc hệ thống phòng không Patriot của Ukraine ở Yuzhne, vùng Odessa.
Bộ Quốc phòng Nga còn đăng tải đoạn video ghi lại vụ tấn công. Ngoài các bệ phóng Patriot, tên lửa Nga cũng phá hủy một radar cảnh giới tầm xa Giraffe của Ukraine. Các hệ thống phòng không này ở thời điểm diễn ra vụ tấn công được triển khai gần một bãi biển ở Yuzhne.
Bộ Quốc phòng Ukraine hiện chưa bình luận về thông tin này.
Cùng ngày, Bộ Tư lệnh không quân Ukraine thông báo phòng không nước này đã hạ toàn bộ 13 UAV trong một đợt tập kích của Nga. Kiev cho biết Moskva còn phóng hai tên lửa Iskander, nhưng không nêu mục tiêu các tên lửa này nhắm đến.
Binh sĩ Nga nạp đạn tên lửa cho hệ thống Iskander. (Ảnh: RIA)
Gần đây, quân đội Nga thường xuyên theo dõi và tập kích các hệ thống Patriot của Ukraine. Hồi đầu năm, Moskva cũng tuyên bố phá hủy một số hệ thống phòng không do Mỹ chế tạo ở Ukraine, trong đó có Patriot.
Patriot là hệ thống phòng không do Mỹ phát triển và biên chế từ năm 1981. Biến thể Patriot PAC-2 có thể bắn trúng mục tiêu cách hơn 96 km và bay cao hơn 32 km. Phiên bản mới nhất của Patriot là PAC-3, có khả năng tiêu diệt các mối đe dọa trên không như máy bay, UAV, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.
Đây là hệ thống vũ khí đắt nhất mà Mỹ và đồng minh viện trợ cho Ukraine. Mỗi tổ hợp có giá gần 1,1 tỷ USD, trong đó đạn tên lửa có giá 690 triệu USD và các thành phần khác có giá 400 triệu USD.
Ukraine đang vận hành khoảng 3 - 5 tổ hợp Patriot do Mỹ và một số nước châu Âu chuyển giao. Đây từng được kỳ vọng là vũ khí có thể thay đổi đáng kể cục diện trên bầu trời Ukraine, nhờ năng lực chiến đấu vượt trội so với các hệ thống phòng không mà phương Tây viện trợ trước đó.
Giới chuyên gia quân sự phương Tây nhận định Nga đã phá hủy ít nhất 10% tổng số bệ phóng Patriot của Ukraine. Nguồn đạn cho các hệ thống phòng không Ukraine cũng đang cạn dần, khiến những đợt tập kích bằng tên lửa và UAV Nga có tỷ lệ thành công cao hơn.