Hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường sắt kết nối TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ đang được tăng tốc đầu tư sau khi sáp nhập và hợp nhất tỉnh thành. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được khẳng định sẽ nối đường sắt đô thị ra toàn bộ TP. Hồ Chí Minh mở rộng (gồm Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu) đến tận Tây Ninh và Đồng Nai.
Việc xây dựng hệ thống giao thông với sức chuyên chở lớn như metro đối với một siêu đô thị như TP. Hồ Chí Minh hiện nay càng trở nên cấp bách. Thế nên, trước thềm sáp nhập, tỉnh Bình Dương cũng đã gấp rút hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (metro) thành phố mới Bình Dương (phường Bình Dương - TP. Hồ Chí Minh hiện tại) - Suối Tiên (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên kéo dài).
Việc đầu tư tuyến đường sắt này đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tải giao thông cho các tuyến đường bộ huyết mạch như Quốc lộ 13, cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn vốn đang chịu áp lực giao thông rất lớn. Trong bối cảnh hợp nhất, việc đầu tư dự án metro này càng trở nên cần thiết để tăng cường kết nối vùng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ, hình thành một vùng có tiềm lực kinh tế mạnh.
Dự án metro số 1 được đề xuất kéo dài từ Suối Tiên đến thành phố mới Bình Dương dự kiến thực hiện ngay trong giai đoạn 2025 - 2031 bằng hình thức đầu tư công. Trong khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng dự kiến xây dựng 3 tuyến metro dài khoảng 125 km, bao gồm một tuyến metro số 3 đi qua Bà Rịa - Vũng Tàu đến Phú Mỹ và kết nối với sân bay Long Thành.
![]() |
Phối cảnh metro số 1 đến thành phố mới Bình Dương (cũ) |
Theo quy hoạch, TP. Hồ Chí Minh có 12 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 510km, Bình Dương có 12 tuyến với khoảng 305km, còn Bà Rịa - Vũng Tàu có 3 tuyến với 125km. Như vậy sau sáp nhập, TP. Hồ Chí Minh mới sẽ có khoảng gần 1.000km đường sắt đô thị, chưa kể các tuyến đường sắt quốc gia đang được triển khai hoặc tới đây sẽ điều chỉnh quy định để địa phương làm. Ngoài ra, một hướng kết nối tiềm năng khác là tuyến metro tốc độ cao từ trung tâm thành phố đến Cần Giờ. Trong tương lai, nếu tuyến này vượt qua vịnh Ghềnh Rái đến Vũng Tàu, có thể trở thành tuyến đường sắt vòng cung “trong mơ”.
Các tuyến metro của TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai xuyên tâm, nội thị, kết nối tới các cảng biển, các khu công nghiệp tại các phường trung tâm. Hiện, thành phố đang hoàn tất các thủ tục để khởi công tuyến metro số 2 vào cuối năm 2025, 6 tuyến còn lại dự kiến sẽ đồng loạt khởi công từ năm 2027.
TS. Dương Như Hùng, Khoa Quản lý công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh nhận định hiện nay, với việc sáp nhập 3 cực tăng trưởng (Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu) cùng với chủ trương khuyến khích kinh tế tư nhân đang thực hiện quyết liệt, TP. Hồ Chí Minh mới sẽ có đủ không gian, thêm cơ hội huy động các nhà đầu tư lớn và tăng quỹ đất để thiết kế lại mạng lưới giao thông công cộng, bao gồm cả metro cùng hệ thống xe buýt. Bên cạnh đó, một số cơ sở hành chính, tài chính… sẽ được dịch chuyển để phù hợp với định hướng phát huy thế mạnh của từng cực tăng trưởng, tạo thêm không gian cho giao thông trong nội thành.
Hàng loạt dự án giao thông lớn kết nối TP. Hồ Chí Minh mới
Cùng với mạng lưới đường sắt đô thị, hàng loạt dự án giao thông kết nối nội đô TP. Hồ Chí Minh mới đang được gấp rút đẩy nhanh tiến độ. Trong đó, dự án đường Vành đai 3 dài 76 km dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào năm 2026 đi qua Bình Dương, Đồng Nai. Hiện nay, cầu Nhơn Trạch thuộc Vành đai 3 đã thông xe kỹ thuật, mở ra hướng đi mới phía Thủ Đức sang Nhơn Trạch, rút ngắn quãng đường từ TP. Hồ Chí Minh về Bà Rịa - Vũng Tàu. Các dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành (dự kiến hoàn thành năm 2026) và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, khi kết nối với Vành đai 3, sẽ tạo thành mạng lưới giao thông liên thông, rút ngắn hành trình từ TP. Hồ Chí Minh đến Vũng Tàu.
Đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh dài 207 km với tổng vốn đầu tư 21.000 tỷ đồng vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đã khởi công ngay đoạn qua Bình Dương cuối tháng 6 vừa qua. Tuyến đường giúp liên kết các đô thị vệ tinh của TP. Hồ Chí Minh với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối hệ thống cảng biển (gồm Cái Mép - Thị Vải, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng Hiệp Phước và cảng quốc tế Long An), hệ thống cảng cạn (ICD)…
https://thoibaonganhang.vn/tang-toc-phat-trien-duong-sat-do-thi-tp-ho-chi-minh-166811.html