Tăng thuế giá trị gia tăng: Người nghèo lãnh đủ

Mỗi con cá, cân đường, hộp sữa, lít xăng... nếu tăng thuế giá trị gia tăng sẽ lập tức kéo giá tăng theo.

Công nhân KCN Tân Tạo, TP.HCM đi chợ

Đó là áp lực, gánh nặng đè lên vai người dân nghèo chứ không phải “không ảnh hưởng” như phát biểu của lãnh đạo Bộ Tài chính.

Trả lời báo chí tại cuộc họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 30.8, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho rằng người thu nhập thấp dành phần lớn thu nhập để chi tiêu hằng ngày cho thực phẩm, y tế, giáo dục.

Nhóm mặt hàng trên, theo luật đang không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT), hoặc chịu thuế suất thấp 5%, bà Mai kết luận: “Bộ Tài chính đánh giá rằng với mức điều chỉnh như vậy, tác động đối với người dân, đặc biệt người nghèo là không nhiều”.

"Bộ Tài chính đánh giá rằng với mức điều chỉnh như vậy, tác động đối với người dân, đặc biệt người nghèo là không nhiều"

Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính

Trước đó, ông Nguyễn Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, còn phân tích rằng việc tăng thuế GTGT không ảnh hưởng đến người nghèo vì dựa trên kết quả khảo sát mức sống dân cư công bố năm 2014, nhóm người có thu nhập thấp dành tới 59,6% thu nhập để chi cho y tế, thực phẩm và giáo dục. Nhóm người thu nhập cao nhất dành 39,6% tổng chi cho các nhóm hàng hóa thiết yếu này. “Rau, thịt có chịu thuế GTGT đâu? Những mặt hàng không chịu thuế GTGT tăng bao nhiêu cũng không ảnh hưởng gì”, ông Thi tuyên bố.

Quá phiến diện, thiếu thực tế

Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng phát ngôn của ông Thi là quá phiến diện. Rau, cá, thịt, gạo bán ngoài chợ không chịu thuế GTGT trực tiếp, nhưng tất cả mặt hàng đó muốn ra được chợ, đến tay người tiêu dùng phải trải qua các khâu từ trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất đến phân phối, rồi thuê mặt bằng, tiền điện, nước, vệ sinh…

“Tất cả sản phẩm, dịch vụ đó đều nằm trong diện đề xuất tăng giá 5% lên 10% hoặc 10% lên 12%, sẽ gián tiếp đẩy các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng theo gây áp lực lớn với người tiêu dùng, chứ sao lại nói là tác động rất ít?”, ông Long nói.

"Nếu không đánh giá hết tác động đến từng hộ nghèo, cận nghèo xem họ phải chịu như nào mà dám tuyên bố như vậy, sau này chính sách ban hành rồi ai sẽ chịu trách nhiệm?"

Bùi Thị An, đại biểu QH khóa 13

Thuế GTGT đánh vào giá trị tăng thêm của hàng hóa, khi tăng thì tất cả hàng hóa đều tăng theo. Kể cả trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ Tài chính nói nông, lâm, thủy, hải sản chưa qua chế biến được miễn thuế hoặc thuế suất chỉ 5%. “Song có mặt hàng nào trong nông nghiệp mà không cần đến phân bón, máy nông cụ để sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi?”, ông Long đặt câu hỏi.

Chưa kể trong đề xuất của Bộ Tài chính còn một loạt dịch vụ, hàng hóa thiết yếu khác như điện, thiết bị y tế, giáo dục… đang chịu thuế GTGT 10%. Nếu một hộ gia đình 1 tháng đóng 1 triệu đồng tiền điện, thuế GTGT 10% là 100.000 đồng. Nếu tăng lên 12%, thuế GTGT tăng lên 120.000 đồng.

Khi thuế tăng, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, sẽ khiến người dân chi tiêu ít đi, điều này không chỉ tác động trực tiếp vào các mặt hàng tiêu dùng mà còn tác động gián tiếp qua nhiều nhóm hàng và dịch vụ khác.

Ông Hiếu phân tích, Bộ Tài chính cũng rất thiếu khách quan và công bằng khi so sánh mức thuế GTGT 10% hiện nay của VN với những quốc gia có thuế suất cao hoặc thậm chí là rất cao như các nước EU.

Bởi lẽ, ở những nước áp dụng thuế suất GTGT cao thường là các quốc gia phát triển, thu nhập bình quân đầu người rất cao và chất lượng cuộc sống được bảo đảm bởi những dịch vụ công và phúc lợi xã hội rất tốt.

Trong khi thu nhập bình quân đầu người của người dân VN chỉ hơn 2.200 USD. “So sánh như vậy tôi e là quá khập khiễng. Người dân VN thu nhập thấp, đời sống còn khó khăn, dù chỉ tăng thuế GTGT 2% thôi sẽ khiến họ chịu gánh nặng rất lớn”, ông Hiếu nói.

Muốn tăng thu, phải nghĩ đến dân nghèo

Trao đổi với Thanh Niên, một số đại biểu Quốc hội (QH) cũng băn khoăn, khó hiểu với đề xuất và cách giải thích của Bộ Tài chính. Bà Bùi Thị An, đại biểu QH khóa 13, đề nghị muốn tăng thuế thì Bộ Tài chính phải cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng, phải tính toán và đánh giá một cách tổng thể chứ không chỉ chăm chăm vào tăng thu ngân sách.

Người dân nghèo sẽ thêm áp lực kinh tế khi tăng thuế giá trị gia tăng

“Tăng thuế để tăng thu ngân sách, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia là cần thiết, nhưng phải căn cứ vào điều kiện, mức sống của dân ta. Hiện nay người dân nghèo còn nhiều, phải chịu nhiều loại thuế, phí, dịch vụ đắt đỏ nay lại tăng thuế thì chịu gánh nặng, áp lực rất lớn. Bà Thứ trưởng Bộ Tài chính nói không ảnh hưởng đến người dân nghèo là không ảnh hưởng như thế nào, phải làm rõ chuyện đó ra, tại sao lại nói chung chung như thế. Nếu không đánh giá hết tác động đến từng hộ nghèo, cận nghèo xem họ phải chịu như nào mà dám tuyên bố như vậy, sau này chính sách ban hành rồi ai sẽ chịu trách nhiệm?”, bà An thẳng thắn nói.

Ông Bùi Đức Thụ, Phó trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ QH, từng có nhiều năm công tác tại Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, đồng tình: “Khi Chính phủ có đề xuất phương án chính thức, tôi sẽ phản biện và nói hết. Song nếu bảo thuế GTGT không tác động hoặc tác động ít đến người nghèo thì không phải. Tác động chứ sao không? Thuế GTGT là thuế gián thu tính vào giá, giá tăng lên còn thu nhập của người dân không thay đổi thì mức độ tiêu dùng phải giảm xuống. Nó không chỉ tác động đến tiêu dùng mà còn tạo gánh nặng cho người nghèo, phải tính đến các mặt của đời sống xã hội, không chỉ tính mỗi mặt thu ngân sách”.

Chị Nguyễn Thị Thu H. (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc: “Gia đình tôi mỗi tháng đóng 400.000 đồng tiền nước sạch, trong đó thuế GTGT là 20.000 đồng. Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế GTGT từ 5% lên 10%, tiền thuế mỗi tháng sẽ là 40.000 đồng. Càng dùng nhiều thì số tiền phải nộp càng tăng, người nghèo thì thu nhập thấp, sao lại nói không chịu tác động?”.

(http://thanhnien.vn/kinh-doanh/tang-thue-gia-tri-gia-tang-nguoi-ngheo-lanh-du-871304.html)

Tăng thuế VAT không ảnh hưởng tới người nghèo: Giải thích lạ

Giá 1 mớ rau, miếng thịt hay bộ quần áo đã gồm rất nhiều thuế VAT tiềm ẩn. Người dân mua hàng dù không có ...

Đừng nói rau thịt không ảnh hưởng: Tăng thuế VAT, dân gánh hết

Bất kì người dân nào, không phải là DN, thì đều là đối tượng chịu thuế VAT vì đó là thuế gián thu. Họ là ...

Chuyên gia WB: Giữ thuế VAT thấp chỉ có lợi cho người giàu

Một hộ nghèo tiết kiệm 10.000 đồng do thuế VAT thấp thì hộ giàu tiết kiệm được 40.000 đồng, theo tính toán của WB.

Tăng thuế VAT lên 12%: \'Người nghèo không bị ảnh hưởng\'

Việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế VAT từ 10 lên 12, theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Bộ ...