Thay vì mức lương 700.000 USD/năm, tân chủ tịch Alibaba đã chọn về nước và làm việc cho Jack Ma với mức lương 'bèo bọt' 500 NDT. Trong khi đó, CEO mới của công ty lại từng là lập trình viên giàu nhất lịch sử ở Trung Quốc.
Tập đoàn Alibaba đang trải qua những thay đổi lớn trong cơ cấu. Trong tháng 9 năm 2023, Daniel Zhang (Zhang Yong, Trương Dũng), cựu chủ tịch kiêm CEO của Alibaba đã chính thức từ chức sau giai đoạn chuyển giao. Thay thế Daniel Zhang có tới tận hai người: Joseph Cai (Cai Chongxin, Thái Sùng Tín) từ nay đảm nhiệm chức vụ chủ tịch, còn Eddie Wu (Wu Yongming, Ngô Vịnh Minh) lên làm CEO.
"Sếp" cũ của Alibaba: Không cùng chí hướng thì chức gì cũng xin từ
Daniel Zhang không ra đi tay không mà sẽ được công ty Alibaba đầu tư cho 1 tỉ USD để hỗ trợ thành lập một quỹ công nghệ. Quỹ này dự định về sau vẫn sẽ hợp tác với Alibaba. Đồng thời, Daniel còn là người đầu tiên trong lịch sử Alibaba được trao tặng danh hiệu "Thành viên Ali có công lớn".
Vào hồi tháng 3 năm 2023, Alibaba đã tuyên bố sự cải tổ lớn nhất, đưa công ty đi theo mô hình 1+6+N. "1" là để chỉ tập đoàn Alibaba, "6" để chỉ sáu nhóm kinh doanh chính của Alibaba: Cloud Intelligence (điện toán đám mây), Taobao Tmall (thương mại điện tử trong nước), Local Life (giao đồ và bản đồ), Cainiao (logistics), Global Digital Commerce (thương mại điện tử quốc tế) và Grand Entertainment (giải trí).
Daniel Zhang, người không còn "cùng chí hướng" với Jack Ma.
Daniel Zhang lại không có cùng chí hướng. Ông vốn là người đích thân phụ trách mảng điện toán đám mây của Alibaba, cho rằng đây mới nên là lĩnh vực chính công ty nên tập trung phát triển trong tương lai, thay vì chỉ là một trong sáu lĩnh vực mà công ty đang phân tán sức lực.
Vào thời điểm đó, Daniel Zhang được bổ nhiệm làm chủ tịch kiêm CEO toàn thời gian cho Alibaba Cloud Intelligence. Nhưng vì không cùng chí hướng, Daniel Zhong đã từ chức tất cả các vị trí được mời gọi.
Tân chủ tịch Alibaba: Bỏ lương triệu đô về nước giúp Jack Ma
Joseph Tsai từng là luật sư, nhà tư vấn pháp lý và giám đốc đầu tư cấp cao. Năm 1999, khi Alibaba mới thành lập, Joseph Tsai đã từ bỏ công việc 700.000 USD/năm ở công ty Thụy Điển Investor AB để về nước giúp Jack Ma với mức lương tháng vỏn vẹn 500 NDT.
Nhờ sự tư vấn của Joseph Cai, Jack Ma mới ký hợp đồng bằng tiếng Anh theo chuẩn các quy định quốc tế với mười tám người nhân viên đầu tiên (được gọi là "mười tám La Hán" của Alibaba), từ đó chính thức cho ra đời công ty Alibaba. Joseph Cai được mệnh danh là "người đàn ông Jack Ma biết ơn nhất".
Năm 1999, Joseph Cai đã lãnh đạo việc thành lập trụ sở chính của Alibaba tại Hồng Kông. Năm 2005, ông phụ trách đàm phán mua lại Yahoo Trung Quốc. Joseph cũng là gương mặt không thể thiếu trong việc đưa Alibaba lên sàn chứng khoán Hồng Kông và Mỹ.
Tuy vậy, Joseph Cai lại là nhân vật khá bí ẩn trong mắt các nhân viên Alibaba vì hiếm khi lộ diện tiếp xúc với truyền thông.
Tân CEO Alibaba: Lập trình viên giàu nhất lịch sử
Eddie Wu là một trong mười tám nhân viên đầu tiên của Alibaba kiêm lập trình viên thế hệ đầu của công ty. Năm 2003, dự án Taobao được triển khai và Eddie Wu là một trong bảy gương mặt vàng được Jack Ma lựa chọn để lèo lái con thuyền.
Sau đó, Eddie Wu giữ chức vụ giám đốc kỹ thuật của Alipay, giám đốc kỹ thuật và sản phẩm P4P của Yahoo Trung Quốc, chủ tịch Yitao.com, chủ tịch hội đồng quản trị của Ali Health, giám đốc không điều hành của Ali Health, vân vân.
Trong giai đoạn này, Eddie Wu đã tích lũy được khối tài sản cá nhân lên tới 2 tỷ NDT và từng được mệnh danh là một trong những "lập trình viên giàu nhất lịch sử".
Tham khảo từ: Net Ease