Khi nỗ lực rất lớn nhưng cộng đồng vẫn loay hoay trong sự trì trệ thì rất có thể nguyên nhân chính là chính sách chưa được đặt trên định hướng giá trị đúng đắn.
Một luồng sinh khí mới gần đây đến từ khát vọng xây dựng “chính phủ kiến tạo”, tâm thế chủ động đón nhận “cách mạng 4.0”, quyết tâm bài trừ tham nhũng, hay các nỗ lực đổi mới chính sách của chính phủ, từng bộ ngành, và các địa phương.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề được dư luận quan tâm liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, hay những biểu hiện lệch chuẩn trong sự vận hành của khu vực công. Vẫn có thể cảm nhận khá rõ những tâm thế “chưa hài lòng” từ phía xã hội. Để vượt qua những lực cản trì trệ, nhiều ý kiến cho rằng cải thiện chất lượng chính sách cần phải là một trong những ưu tiên hàng đầu. Vậy, nên bắt đầu từ đâu?
Ẩn sau các vấn đề chính sách là nhu cầu bức thiết nhằm đáp ứng các nguyện vọng cũng như mong đợi của các tầng lớp dân cư, sâu xa là sức ép về hiện thực hóa các giá trị phổ quát. Việt Nam đã từng thành công rực rỡ với chính sách “Đổi Mới”, mà xét về bản chất là sự thừa nhận giá trị “Tự Do”, từ đó cho phép người dân chủ động trong sản xuất và kinh doanh.
Chính sách quốc gia và hạnh phúc của dân
Không thể khẳng định chắc chắn nhưng có cơ sở để tin rằng nếu chính sách được tạo ra và dẫn dắt bởi các giá trị phổ quát thì những hệ quả lệch lạc sẽ được giảm tối đa. Bởi lẽ đơn giản, chức năng quan trọng nhất của các giá trị là định hình và điều chỉnh hành vi của cá nhân cũng như hành động của chính quyền (chính sách). Vì thế, muốn có chính sách tốt thì trước hết phải xác quyết được hệ giá trị phổ quát và chính đáng, được xã hội mong đợi.
Về lý thuyết, một chính sách tốt thì phải hướng đến mục đích tốt, đó là phục vụ lợi ích công. Chính sách đó cũng phải được hoạch định tốt, và được thực thi tốt. Tuy nhiên, một chính sách có thể đem lại lợi ích cho nhóm này nhưng lại ảnh hưởng đến lợi ích của nhóm khác; gia tăng lợi ích cho nhà nước nhưng lại có thể hạn chế những quyền cá nhân; có thể được hoạch định tốt nhưng thực thi kém, và ngược lại. Bởi vậy, “thế nào là một chính sách tốt” không phải câu hỏi dễ trả lời.
Để có chính sách tốt, một quan điểm truyền thống là đề cao vai trò của các cơ quan nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ hoạch định và thực thi chính sách. Điều này không sai nhưng chưa đủ bởi với tư cách là một chủ thể chính sách, nhà nước cũng có những lợi ích cần được thỏa mãn; các cán bộ nhà nước cũng có thể bị chi phối bởi các lợi ích cá nhân vị kỷ. Bởi thế, nếu quá đề cao quan điểm này thì dễ dẫn đến những khoảng cách giữa chính sách và nhu cầu xã hội, thể hiện qua sự xa rời thực tiễn của chính sách, dẫn đến thất bại chính sách. Sâu xa là chính sách bị chi phối bởi các giá trị cá nhân/nhóm chứ chưa hướng đến hiện thực hóa các giá trị chung và chính đáng.
Quan điểm thứ hai đề cao vai trò của các động lực xã hội và thị trường trong việc hoạch địch và thực thi chính sách. Sự tham gia của các chủ thể ngoài nhà nước và việc vận dụng các chuẩn mực và tiêu chí thị trường giúp gia tăng tính hiệu lực, hiệu quả, và khả năng đáp ứng nhu cầu của chính sách. Tuy nhiên, hạn chế của các động lực thị trường và xã hội là nó thường đề cao các giá trị cá nhân/nhóm, mà đôi khi không chú ý đúng mức đến các giá trị cộng đồng. Trên tất cả, lợi ích cộng đồng không thể là phép cộng giản đơn của các lợi ích cá nhân/nhóm. Các giá trị chính trị kết nối nhà nước và xã hội khó có thể được hiện thực hóa nếu chính sách không hướng đến các giá trị vượt trên cấp độ cá nhân hay nhóm.
Cải cách chính sách dựa trên giá trị nền tảng
“Nã pháo vào sự trì trệ”, “Vượt trần thể chế”, hay “Cởi trói cho doanh nghiệp”…chỉ phản ánh thái độ và quyết tâm đổi mới chứ không thể trở thành cơ sở nền tảng cho các cải cách chính sách. Để có thể có được những “chính sách tốt” thì các quyết tâm cải cách trước hết phải xuất phát, dựa trên, và hướng đến các giá trị phổ quát, được chia sẻ bởi đông đảo các thành viên xã hội, cả trong và ngoài khu vực nhà nước.
Lựa chọn được các giá trị đúng đắn sẽ bảo đảm tính chính đáng cho các chính sách, qua đó chuyển hóa thành các chuẩn mực hành vi từ người dân đến cán bộ. Khi các giá trị chung được thẩm thấu trong suy nghĩ và hành động của từng cá nhân thì bản thân nó sẽ có sức mạnh kiểm soát các hành vi lệch lạc, hạn chế những hành động phản giá trị.
Dựa trên các giá trị chung được cộng đồng chia sẻ, các nỗ lực đổi mới chính sách có thể thuyết phục và thu hút được sự ủng hộ của mọi thành phần xã hội. Đề cao các giá trị chung cũng giúp chúng ta ý thức rõ hơn về nhu cầu xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa tất cả các động lực nhà nước, xã hội, và thị trường. Ngược lại, khi nỗ lực rất lớn nhưng cộng đồng vẫn thấy loay hoay trong sự trì trệ thì rất có thể một nguyên nhân chính yếu là chính sách chưa được đặt trên một định hướng giá trị đúng đắn. Nói cách khác thì có thể chính sách chưa được dẫn dắt bởi những giá trị thực sự được xã hội khát khao và mong đợi.
Vai trò của nhà nước
Trong khi ghi nhận và phát huy vai trò của các chủ thể xã hội, đổi mới chính sách dựa trên và hướng đến các giá trị không thể coi nhẹ vai trò của nhà nước.
Tuy nhiên, vai trò của nhà nước không đơn giản chuyển từ “người chèo đò” sang người lái đò”. Cũng không thể coi người dân là khách hàng, còn nhà nước thuần túy là người bán hàng. Đó cũng không phải là mối quan hệ truyền thống, vốn đề cao sự kiểm soát của nhà nước và sự phục tùng từ phía người dân. Bối cảnh thế kỷ 21 cho thấy chỉ có nhà nước trong vai trò trung tâm điều phối các mối quan hệ hợp tác, chứ không phải kiểm soát và cưỡng ép, mới có thể thực hiện thành công các nỗ lực đổi mới chính sách.
Nhà nước là chủ thể phù hợp nhất để xác lập hệ giá trị cho quyết tâm cải cách. Trong khi định vị và đáp ứng các giá trị gắn với cá nhân hay nhóm (như Tự Do, Bình Đẳng, Giàu Có…) thì nhà nước cũng không thể lơ là các giá trị chính trị mang tính cộng đồng. Trong đó, gia tăng “Sự Tin Tưởng” của người dân vào nhà nước, hay củng cố “Tính chính đáng” cho sự tồn tại của nhà nước cần phải được coi là những giá trị thường trực, dẫn dắt các ý tưởng đổi mới chính sách.
Minh Hoàng
Giải mã những cải cách của quân đội nhà Thanh trước khi bị diệt vong
Trước khi nhà Thanh diệt vong không lâu, quân đội Thanh đã tiếp thu những phương pháp huấn luyện và biên chế quân đội phương ... |
Cải cách tiền lương từ nguồn tiền nào?
Các địa phương phải dành ra 50% vượt thu để làm nguồn tài chính dành cho chi trả tiền lương theo chính sách cải cách ... |
Hiệp định CPTPP tạo áp lực cải cách thể chế rất lớn
Khi tham gia CPTPP Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội, nhưng cũng sẽ gặp phải không ít thách thức từ việc cạnh tranh ... |
Câu chuyện hộ khẩu và tranh cãi cách quản lý cư trú trên thế giới
Mỹ, Australia không có hệ thống đăng ký nơi cư trú chính thức, Hàn Quốc đã bãi bỏ hệ thống hộ khẩu hoju, trong khi ... |