Tại sao người dân “quay lưng” với nhà tái định cư?

Chỉ riêng Hà Nội hiện đang có 4.000 căn nhà tái định cư bị bỏ hoang. Không những vậy, tại những khu nhà tái định cư đã đưa vào sử dụng, thậm chí đưa vào sử dụng nhiều năm nay cũng vẫn còn không ít căn hộ bỏ trống. Rồi nhiều người dân khi chuyển về nhà tái định cư chỉ một thời gian sau phải “khăn gói quả mướp” chuyển đi tìm nơi ở mới. Tại sao người dân không mặn mà với các dự án nhà tái định cư, thậm chí không ít người còn “quay lưng” rời bỏ chính căn nhà mà mình đã nhận?

Thang máy kẹt  như cơm bữa

Khu tái định cư Đồng Tầu (phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) người dân về ở từ năm 2027, có 10 khu nhà với gần 1.000 căn hộ. Dù đã đưa vào sử dụng 17 năm nay, thế nhưng rất nhiều căn hộ vẫn chưa được “lấp đầy”. Đơn cử như nhà N4 có 64 căn hộ thì hiện cũng chỉ có 48 hộ ở, nhà N1 có 120 căn hộ từ ngày đưa vào sử dụng đến nay cũng chỉ có 111 hộ ở…

“Những căn hộ trống đó là do những người thuộc diện tái định cư đến khảo sát trước khi nhận nhà thấy chất lượng quá kém đã “bỏ của chạy lấy người”, không nhận nên mới để trống. Không những vậy, không ít người về ở một thời gian cũng đã bán nhà chuyển đi nơi khác, hoặc cho thuê lại. Muốn biết chất lượng nhà tái định cư thế nào thì phải ở mới cảm nhận hết được”, ông Nguyễn Việt Thắng (P208, nhà N10, tổ trưởng tổ dân phố 23) nói.

Tại sao người dân “quay lưng” với nhà tái định cư? -0
Dãy kiốt dịch vụ nối từ nhà N9 sang nhà N10 Khu tái định cư Đồng Tầu hoang tàn đang bị bỏ không.

Thực tế tại bên ngoài khu nhà N9 và N10, nhiều điểm sụt lún với vết hở cả gang tay. Lớp sơn tường nhà bong tróc loang lổ. Các kiot dịch vụ thì bỏ không hoang tàn. Nhiều góc nhà xập xệ nhếch nhác. Nhường đất giải phóng mặt bằng cho dự án cầu Vĩnh Tuy, gia đình ông Thắng chuyển về đây ở từ năm 2010, ông kể, từ ngày về ở đến nay ông đã chứng kiến không ít cơ cực của cư dân.

“Ở các khu nhà cao tầng, thang máy là huyết mạch, thế nhưng chuyện người dân kẹt trong thang máy xảy ra như cơm bữa. Có gia đình, nửa đêm người già đau bệnh đi cấp cứu, thang máy hỏng phải cõng chạy thang bộ xuống từ tầng 9. Từ ngày về ở đến nay, hệ thống thang máy của cả 10 toà nhà mới chỉ duy nhất được bảo trì 1 lần vào năm 2013. Người dân muốn an toàn thì phải tự bảo nhau đóng góp”, ông Thắng than thở.

Cũng nhường đất cho dự án xây dựng đường ven sông Tô Lịch, gia đình ông Hoàng Văn Tương và một số hộ dân phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân cũng chuyển về tái định cư tại khu nhà tái định cư Đồng Tầu này từ năm 2009. “Cứ nghĩ khi chuyển đến nơi ở mới thì mọi thứ đều tốt nhưng về ở một thời gian ai cũng thất vọng. Chất lượng các hạng mục tòa nhà vừa xây xong đã xuống cấp nhanh chóng khiến người dân luôn cảm thấy bất an. Nền móng sụt lún, nền nhà phồng rộng bong tróc. Nhà cửa năm nào dân cũng phải đóng góp sửa chữa, nhưng cứ sửa xong một thời gian lại hỏng”, ông Tương nói.

2 năm 8 lần kiến nghị vẫn không có kết quả

Nói về sự xuống cấp của các khu nhà tái định cư Đồng Tầu, ông Hồ Dũng Hiệp (nhà N3, tổ trưởng tổ dân phố 22) tóm lại một số điểm: Trần mái của cả 10 toà nhà đều thấm dột; Máy phát điện dự phòng của thang máy các toà nhà đã hỏng nhiều năm khiến tình trạng người dân kẹt thang máy là chuyện bình thường; Thang máy nhiều năm không được quan tâm bảo trì, bảo dưỡng; Xung quanh các toà nhà bong tróc, nham nhở, xuống cấp; Hạ tầng nền móng sút lún ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến chất lượng công trình. Ông Hiệp cho biết, trong 2 năm từ năm 2015 đến năm 2017, với vai trò là tổ trưởng tổ dân phố ông đã 8 lần làm đơn kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền nhưng cũng không giải quyết gì.

“Lần nào kiến nghị, thành phố cũng cử các đoàn về kiểm tra. Lần nào cũng thừa nhận những bất cập, nhưng chỉ kết luận rồi để đấy mà không giải quyết. Mỗi lần tiếp xúc đại biểu HĐND thành phố, đại biểu Quốc hội, chúng tôi đều ý kiến nhưng cũng chỉ nhận được những lời ghi nhận. Từ khi chúng tôi về tái định cư ở đây là gần như không còn nhận được sự quan tâm nữa”, ông Hiệp than thở.

Tại sao người dân “quay lưng” với nhà tái định cư? -0
Dãy ki ôt dịch vụ nối từ nhà N9 sang nhà N10 khu tái định cư Đồng Tầu hoang tàn đang bị bỏ không.

Theo ông Hiệp, chính sách của Nhà nước là khi đưa dân về các khu tái định cư thì cuộc sống ít nhất phải bằng, hoặc tốt hơn chỗ ở cũ. Thế nhưng cư dân về tái định cư ở đây chất lượng cuộc sống ngày càng đi xuống. Nhà cửa xập xệ, sinh kế thì không có. Chất lượng nhà cửa xuống cấp, có toà nhà có năm mỗi hộ phải đóng góp cả chục triệu để sửa chữa, còn trung bình phải đóng góp 2 – 3 triệu đồng/năm. Tháng nào, năm nào người dân cũng phải đóng góp để bảo trì, bảo dưỡng thang máy. Mới đây mỗi hộ cũng phải đóng 1,8 triệu đồng để sửa chữa thang máy. Chủ trương của thành phố là phần kinh doanh dịch vụ dưới chân đế các toà nhà tái định cư phải ưu tiên cho người dân tạo sinh kế nhưng khi về đây đơn vị quản lý vận hành đã cho bên ngoài vào thuê tới tận 50 năm.

“Tất nhiên, không được thuê thì người dân không sống được, người ta phải bươn trải ra ngoài làm những việc khác để kiếm sống nhưng những quyền lợi chính đáng người dân không được hưởng. Dãy kiot nối từ nhà N9 sang nhà N10 vừa qua thanh tra, đơn vị quản lý sai phạm bị thu hồi nay cũng bỏ không, rất phí. Tình trạng này khiến người dân ngày càng mất niềm tin vào chính sách tái định cư”, ông Hiệp nói.

Qua câu chuyện của khu nhà tái định cư Đồng Tầu, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai đã cho thấy, chất lượng các toà nhà không đảm bảo, chất lượng cuộc sống của người dân cũng không có những cải thiện là lý do khiến người dân “quay lưng” với nhà tái định cư hiện nay. Thực tế chất lượng nhà tái định cư thấp, xuống cấp đã được nói đến ở nhiều khu tái định cư như: Pháp Vân – Tứ Hiệp, Trung Hoà – Nhân Chính… Rõ ràng, chất lượng tại các dự án tái định cư trên địa bàn Hà Nội đã và đang là câu hỏi lớn. Vấn đề hiện nay là TP Hà Nội cần sớm có các giải pháp, biện pháp cải thiện để người dân yên tâm vào chính sách khi rất nhiều dự án giải phóng mặt bằng đang được triển khai hiện nay.

https://cand.com.vn/Ban-doc-cand/tai-sao-nguoi-dan-quay-lung-voi-nha-tai-dinh-cu--i732877/

Phan Hoạt / CAND