Khi nhiếp ảnh ngày càng phát triển ai cũng có thể chụp ảnh thì ảnh báo chí còn giữ nguyên vai trò của nó? Phải chăng phương tiện không còn quá quan trọng khi chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, ai cũng có thể chớp được những khoảnh khắc thú vị, miễn là có mặt đúng thời điểm. Nhưng đó chỉ là một yếu tố cần, ảnh báo chí cần nhiều hơn thế…
Bức ảnh đoạt Giải thưởng lớn của WPP năm 2017 mang tên”Venezuela Crisis” (Khủng hoảng ở Venezuela) của phóng viên Ronaldo Schemidt (AFP) |
Dấn thân
Hãy lấy chuẩn là cuộc thi ảnh báo chí danh giá nhất thế giới World Press Photo hàng năm. Danh giá nhất vì bề dày lịch sử của nó, vì số lượng nhiếp ảnh gia hàng năm trong có nhiều tên tuổi lớn của ảnh báo chí và cả những thành viên giám khảo từ những tập đoàn truyền thông hàng đầu thế giới. Nhìn vào những bức ảnh dạng tin nóng, tin thời sự, thấy ngay sự kiện nóng trong ảnh và sức lan tỏa, tác động xã hội của nó. Tất cả đều rất mạnh mẽ và thể hiện sự dấn thân quyết liệt của nhà nhiếp ảnh.
Bức ảnh đoạt Giải thưởng lớn của WPP 2018 vừa trao giải tháng 4.2019 là “Crying Girl on the Border” (Bé gái khóc nơi biên giới) của phóng viên John Moore (Getty Images) là hình ảnh ấn tượng với góc chụp thấp với trọng tâm là bé gái mới biết đi, Yanela Sanchez (người Honduras) khóc khi bé và mẹ bé, Sandra Sanchez, bị giam giữ bởi các quan chức biên giới Hoa Kỳ tại McAllen, Texas, Hoa Kỳ, vào ngày 12.6. 2018. Đây là bức ảnh thể hiện vấn đề lớn trên thế giới về làn sóng di cư và chính sách với người nhập cư.
Bức ảnh đoạt Giải thưởng lớn của WPP năm 2017 mang tên”Venezuela Crisis” (Khủng hoảng ở Venezuela) của phóng viên Ronaldo Schemidt (AFP) là hình ảnh José Víctor Salazar Balza (28 tuổi) bốc cháy rừng rực giữa những cuộc đụng độ dữ dội với cảnh sát chống bạo động trong cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Nicolás Maduro, ở Caracas, Venezuela...
“An Assassination in Turkey” (Một vụ ám sát ở Thổ Nhĩ Kỳ) của nhiếp ảnh gia Burhan Ozbilici- Bức ảnh đoạt Giải thưởng lớn của WPP năm 2016 là hình ảnh thủ phạm Mevlüt Mert Altıntaş hét lên sau khi bắn đại sứ Nga, ông Andre Karlov, tại một phòng trưng bày nghệ thuật ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 19.12.
Khi thủ phạm rút súng ra tất cả mọi người đã hoảng sợ, trong bối cảnh đó, nhà nhiếp ảnh vẫn bình tĩnh chụp những hình ảnh ấn tượng nhất.
Nhìn lại ba bức ảnh đoạt Giải thưởng lớn của WPP ba năm gần đây có thể thấy chúng đều là những bức ảnh “breaking news” (tin tức nóng hổi) ấn tượng với sự dũng cảm, dấn thân của người chụp. Tất cả đều được chụp bằng ống kính góc rộng và trung bình, gần nhất 24mm, cho thấy sự tiếp cận của người chụp với chủ thể.
Đó cũng là những bức ảnh không lặp lại và không hề “đụng hàng”.
Lại nhớ đến sự kiện vụ hỏa hoạn làm cháy nhà thờ Đức Bà Notre Dame (Paris, Pháp) gây rúng động dư luận hồi tháng 4. Rất nhiều bức ảnh xuất hiện của các hãng thông tấn lớn trên thế giới phản ánh sự kiện này. Và mỗi bức ảnh của Reuter, AFP, AP… lại đem đến những góc nhìn khác, khai thác ở nhiều góc độ, khía cạnh đa chiều khác nhau.
Trong khi nhiều bức ảnh báo chí ở Việt Nam chụp lại chưa làm được điều đó. Sau nhiều sự kiện lớn, quan trọng của đất nước không thấy những bức ảnh thực sự ấn tượng mang tính phát hiện, mà ảnh thường khá giống nhau, khó phân biệt báo này với báo khác. Có ý kiến cho rằng vì ở ta chụp những sự kiện trên phải chuẩn chỉ, mực thước nên khó chụp hay, chụp đẹp. Cũng không hẳn vậy, vấn đề là ít phóng viên chịu khó tìm tòi, lăn xả, đắm chìm, ngụp lặn vào sự kiện mà vẫn thói quen chụp cho xong, cho hoàn thành nhiệm vụ.
Các hình ảnh bão lũ cũng vậy, vẫn là cảnh nhà dân ngập nước, một số người ngồi trong, hay lội bì bõm, cảnh cứu trợ, bộ đội giúp dân sơ tán khỏi vùng lũ, lợp lại nhà… Nếu bịt đi ngày, tháng, năm có khi nhầm lẫn sự kiện này sang sự kiện khác. Chụp bóng đá có khác hơn, nhưng có những hình ảnh vẫn lặp lại và ít có những khoảnh khắc mang đậm dấu ấn cá nhân của người chụp.
Tạo hình
Nếu chỉ thấy gì chụp đó và không dụng công đi tìm những hình ảnh, chi tiết mang tính biểu trưng, ẩn dụ thì bức ảnh đó chỉ là mô tả, copy hiện thực một cách không hoàn hảo, thậm chí nhòe nhoẹt. Chụp những gì máy ảnh nhìn thấy sẽ không thu hút người xem bằng chụp mắt tác giả nhìn thấy.
Không phải vô cớ nhiều phóng viên ảnh nổi tiếng của AP (Mỹ) từng thú nhận phong cách bố cục, tạo hình bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các bậc thày hội họa như Matise, Rembrand, Leonardo da Vinci… Có nữ phóng viên coi ống kính góc rộng 24mm là ống kính trung bình, và thường nghiêng máy ảnh đi chút xíu khi chụp.
Từng có quan niệm sai lầm rằng ảnh báo chí không có phong cách cá nhân khi sợ rằng ai đó cố công tạo dựng phong cách sẽ mất đi tính chân thực khi phản ánh hiện thực. Nhưng thực ra làm gì có khách quan 100% khi bản thân việc dùng ống kính góc rộng đã lộ rõ ý đồ của tác giả muốn nhấn mạnh vào điểm gì, sự vật, hiện tượng gì và đặt chủ thể nào làm trọng tâm.
Tạo hình bằng đường nét, màu sắc trong một con mắt thẩm mỹ muốn đưa một khối lượng thị giác nào vào khuôn hình với bố cục và đường dẫn để hấp dẫn khán giả phụ thuộc vào tài năng của mỗi cá nhân.
Tác động
Trở lại bức ảnh đoạt Giải thưởng lớn của WPP 2018 “Crying Girl on the Border”. Sau khi bức ảnh này được công bố trên toàn thế giới, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ xác nhận rằng Yanela và mẹ bé không nằm trong số hàng nghìn người đã bị các quan chức Hoa Kỳ ngăn cách. Tuy nhiên, sự phản đối của công chúng đối với thực tiễn gây tranh cãi dẫn đến việc Tổng thống Donald Trump đảo ngược chính sách vào ngày 20.6.
Nhiều bức ảnh thắng giải khác của WPP cũng góp phần làm thay đổi hiện thực, cải tạo hiện thực, trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế xã hội cho đến vấn đề môi trường.
Nhưng ảnh báo chí Việt Nam vẫn còn hiếm thấy chuyện đó.
Thường thì một phóng sự truyền hình hay một loạt bài báo viết có thể làm thay đổi hiện thực tốt hơn nhiều so với một ảnh hay bộ ảnh báo chí.
Hình ảnh những em bé đi học phải qua suối bằng cách chui vào túi nylon, hình ảnh một xã vùng sâu vùng xa cơ sở vật chất quá thiếu thốn, mất điện, mất nước… Và cảnh rác thải, túi nylon tràn ngập sau một lễ hội văn hóa…
Tất cả không thể giải quyết chỉ qua những tấm ảnh báo chí.
Cũng hiếm có trường hợp những bộ ảnh báo chí được thực hiện kỳ công trong vòng nhiều năm, như những dự án dài hơi (Long - Term Project) mà WPP trao giải hằng năm. Nó mang tính tài liệu rõ nét và có chiều sâu của một câu chuyện dài. Như bộ ảnh Giải Nhì năm 2018 mang tên “The house that bleeds” (Ngôi nhà chảy máu) của nhiếp ảnh gia Yael Martínez (Mexico) được thực hiện từ tháng 10.2013 đến tháng 11.2018.
Người đẹp làm báo
Nghề báo đòi hỏi không chỉ kiến thức chuyên môn, sự phân tích nhạy bén mà cả khả năng kết nối với cộng đồng. Từ ... |
Để báo chí tiến kịp cùng thời đại bùng nổ thông tin
Báo chí và truyền thông xã hội đóng vai trò nòng cốt, có vị trí vô cùng to lớn trong việc đấu tranh cho dân ... |