- Học sinh sẽ được giảm 18 tiết/năm sau khi điều chỉnh môn Lịch sử bậc THPT
- Thiết kế môn Lịch sử THPT bao gồm cả phần bắt buộc và lựa chọn
- Khẩn trương chuẩn bị cho việc dạy học môn lịch sử cấp trung học phổ thông từ năm học mới
Nhiều người lo ngại khi sửa môn Lịch sử từ tự chọn thành bắt buộc sẽ ảnh hưởng đến các môn học tự chọn khác, Tổng chủ biên sách giáo khoa môn Lịch sử lên tiếng.
Trước băn khoăn về việc điều chỉnh môn Lịch sử có ảnh hưởng gì tới chương trình tổng thể các môn học, GS.TS Đỗ Thanh Bình, Tổng chủ biên sách giáo khoa môn Lịch sử bộ sách Cánh Diều khẳng định, với cách điều chỉnh này, căn bản chương trình mới là ổn định.
Cụ thể, trước đây các em học 7 môn bắt buộc, 5 môn tự chọn thì nay sẽ thành 8 môn bắt buộc và 4 môn lựa chọn theo tổ hợp. Nghĩa là mỗi em học sinh vẫn học tổng số 12 môn học.
Đồng thời, việc điều chỉnh không gây ảnh hưởng hay cần phải chỉnh sửa gì chương trình môn Sử ở cấp THCS. Những nội dung nào ở bậc THCS đã được học thì sẽ được cắt bỏ ở bậc THPT. Hơn nữa, chương trình Lịch sử THCS vẫn tiếp tục được coi như nền tảng tạo cho các em kiến thức chung cốt lõi. Lên đến THPT, các em sẽ học theo các chủ đề mang tính khái quát, nâng cao hơn.
GS.TS Đỗ Thanh Bình, Tổng chủ biên sách giáo khoa môn Lịch sử bộ sách Cánh Diều. (Ảnh minh hoạ: GDTĐ)
Vị chuyên gia phân tích, theo thiết kế trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Lịch sử là môn tự chọn với 70 tiết/năm theo chủ đề cốt lõi và 35 tiết chuyên đề nghiêng về lựa chọn nghề nghiệp. Phần chủ đề cốt lõi này sẽ được đưa vào phần bắt buộc.
Tuy nhiên, nếu tất cả học sinh THPT phải học 70 tiết chủ đề cốt lõi, vốn trước đây xây dựng cho các em có định hướng theo chuyên ngành Khoa học xã hội sẽ là hơi nhiều. Do đó, Bộ GD&ĐT, các chuyên gia thống nhất tinh giản thành 52 tiết. Như vậy, tổng số tiết môn Sử bắt buộc là 156 tiết/3 năm THPT, tức nhiều hơn so với 140 tiết/3 năm THPT của chương trình hiện hành.
Theo GS Bình, 52 tiết là phù hợp với đại trà tất cả học sinh. Còn với những em nào định hương theo học ngành Xã hội nhân văn thì ngoài 52 tiết đại trà sẽ cộng thêm 35 tiết chuyên đề sâu.
Ông cũng cho rằng, trong thời gian gần 2 tháng là hoàn toàn có thể làm được việc điều chỉnh môn Lịch sử vì "không thay đổi, không làm lại" chương trình giáo dục mơi.
GS Thanh Bình cho rằng, nguyên tắc của cắt giảm nội dung môn Sử là không ảnh hưởng đến tổng thể chương trình học, đảm bảo tính logic, tính hệ thống (có Lịch sử thế giới, Lịch sử khu vực, Lịch sử Việt Nam), đảm bảo tính liên thông (THCS học theo thông sử, còn THPT theo chủ đề, chuyên đề).
Một nguyên tắc nữa của cắt giảm là đảm bảo chương trình phù hợp với tâm lý lứa tuổi, trình độ nhận thức học sinh phổ thông cũng như vùng miền. Và một nguyên tắc theo GS Bình đặc biệt chú ý là chương trình sẽ chú trọng đến lịch sử dân tộc, lịch sử Việt Nam về cả nội dung và thời lượng.
Liên quan đến sách giáo khoa Lịch sử, GS Đỗ Thanh Bình khẳng định số sách này có thể sử dụng bình thường cho học sinh học bộ môn theo cả hai hướng tự chọn hoặc bắt buộc, không phải in ấn hay chỉnh sửa lại. Phần cắt giảm và chuyên đề sâu sẽ không giảng dạy cho học sinh học Lịch sử bắt buộc.
Theo kế hoạch, ngày 25/8, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành nội dung giảng dạy cho 52 tiết Lịch sử bắt buộc ở cấp THPT.
"Thực tế Bộ GD&ĐT không phải một vài ngày gần đây mới bắt tay làm. Khi mà môn Sử có khả năng bắt buộc thì Bộ đã có động thái và giao cho các nhà khoa học chuẩn bị có ý kiến. Khi bắt tay vào thì các chuyên gia làm được ngay", ông nói.
Ngay khi chỉnh sửa chương trình, thẩm định lại, ban soạn thảo sẽ biên soạn tài liệu tập huấn và lịch trình tập huấn sẽ thực hiện từng bước. Tiếp theo sẽ đưa vào tổ chức giảng dạy đại trà.
Giáo viên hiến kế sửa môn Sử
Một tiết học Lịch sử của học sinh lớp 10. (Ảnh minh hoạ: T.N)
Là một trong những giáo viên lên tiếng mạnh mẽ đề nghị Lịch sử là môn học bắt buộc, cô Lê Thanh Tâm, giáo viên trường THPT Nguyễn Du (Hoà Bình) vui mừng khi môn học này trở thành môn bắt buộc. Cô Tâm cho rằng đây là việc cần làm với một môn học có vị thế đặc biệt.
Tuy nhiên, cô lo lắng việc sửa chương trình môn Lịch sử gấp rút trong vòng 2 tháng sẽ khó đảm bảo hiệu quả và đúng mục tiêu dạy đại trà toàn bộ học sinh bậc THPT.
"Đặc biệt là việc tập huấn giáo viên dạy Lịch sử theo nội dung mới cần kỹ lưỡng bởi trước đây các giáo viên đã tập huấn và sẵn sàng tâm thế cho việc dạy nâng cao, chuyên sâu theo định hướng cụ thể cho một nhóm học sinh tự chọn", cô nói và cho rằng nếu giáo viên không thấm nhuần được tinh thần mới sẽ rất mơ hồ trong việc truyền đạt kiến thức và kiểm tra đánh giá.
Do vậy, cô Tâm đề xuất, khi sửa lại nội dung môn Lịch sử, các chuyên gia nên nghiên cứu kỹ lưỡng, lược bỏ những kiến thức nâng cao trong từng bài học, tiết học hay các kiến thức trùng lặp, đã được lồng ghép ở trong phần đại trà bắt buộc; không bỏ kiến thức theo kiểu cơ học - cắt bỏ cả bài, cả chương nội dung.
Thầy Lê Đình Hiển, giáo viên trường liên cấp Đông Bắc Ga (Thanh Hóa) cho rằng, để học sinh không còn sợ môn Lịch sử thì tinh giản chương trình, giảm nhẹ kiến thức là cần thiết.
Về mặt sắp xếp nội dung, với kiến thức lịch sử trong chương trình bắt buộc 52 tiết không nên nặng nề về kiến thức mà chỉ cần cho các em hiểu những kiến thức căn bản về lịch sử hào hùng của dân tộc.
Còn với học sinh tự chọn thêm 35 tiết chuyên đề. Đây là những học sinh có năng lực học tập và tìm hiểu cao hơn các bạn. Hơn hết chính vì em có niềm yêu thích, say mê nên mới chọn học Lịch sử nâng cao.
"Những em như vậy thì 35 tiết học chuyên đề không thể dạy như cách cung cấp kiến thức thụ động theo kiểu truyền thống đọc chép trước đây mà chủ yếu là: hoạt động tự tìm hiểu, tự giải quyết vấn đề dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Hiểu đơn giản là các em không chỉ học lịch sử ở trường mà còn thông qua các hoạt động trải nghiệm, tham quan, giao việc, làm việc nhóm...", thầy nói.
Cô Nguyễn Thị Quỳnh Trâm, giáo viên dạy Lịch sử ở thành phố Vinh (Nghệ An) đề xuất, Bộ GD&ĐT có thể kết hợp các kiến thức có nội dung tương đồng như phần kiến thức lịch sử trong môn Giáo dục quốc phòng an ninh, Nội dung giáo dục địa phương với môn Lịch sử nhằm điều chỉnh thời lượng của những phần bắt buộc này, trong khi vẫn đảm bảo khối lượng kiến thức cho học sinh.
Theo quyết định của Bộ GD&ĐT, môn Lịch sử sẽ trở thành môn học bắt buộc thứ 8 trong chương trình giáo dục phổ thông mới cấp THPT (cùng các môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương).
https://vtc.vn/sua-mon-lich-su-thanh-bat-buoc-co-lam-xao-tron-cac-mon-hoc-khac-ar688243.html