Sửa luật lao động là vì con người

Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến Dự thảo Bộ luật lao động (BLLĐ) sửa đổi do tính chất của Bộ luật có liên quan sát sườn quyền lợi của từng người lao động. Dự thảo hiện vẫn còn có một số vấn đề đang tranh cãi, bao gồm mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm; điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đối với nam là 62 tuổi, nữ 60 tuổi; thời gian nghỉ Tết âm lịch; việc bổ sung 1 ngày nghỉ lễ là Ngày Thương binh, liệt sỹ (27-7); về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động; về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở.

Giữa các luồng ý kiến khác nhau giữa một bên là đại diện người lao động và một bên là đại diện người sử dụng lao động. Vậy ban soạn thảo sẽ phải "nghe cả 2 tai" để có thể tiếp thu một cách hợp lý.

Xét về bản chất, thì BLLĐ chính là khuôn mẫu ứng xử trong lĩnh vực lao động để đảm bảo quyền con người theo tiêu chuẩn văn minh của thế giới. Cho nên ở đây xin tiếp cận các vấn đề đó trong khuôn khổ của Hiến pháp (điều 35) và theo xu hướng chung của thế giới là nâng cao chất lượng cuộc sống con người.

sua luat lao dong la vi con nguoi

- Thứ nhất, về vấn đề mở rộng giờ làm thêm

Nhìn lại chiều dài lịch sử của nhân loại về thời gian lao động, thì ở thời chiếm hữu nô lệ, lao động bị buộc phải làm nhiều thời gian nhất, theo kiểu "vắt chanh bỏ vỏ" làm kiệt sức người lao động, do vậy đó trở thành có nhiều người lao động bị chết vì kiệt sức nhất.

Sang thời kỳ phong kiến, thì người lao động được giảm thời gian làm việc hơn, tuy nhiên vẫn là "khi đi trai tráng khi về bủng beo", họ vẫn bị làm việc quá nhiều thời gian so với sức chịu đựng của cơ thể.

Từ "hậu phong kiến" đến nay, kể từ ngày Quốc tế Lao động 1/5/1886 xuất phát ban đầu từ thành phố công nghiệp Chicago (Mỹ) người lao động đã bắt đầu được hưởng quyền làm việc ngày 8 giờ, căn cứ vào khả năng chịu đựng của con người.

Xem xét lịch sử đó thì rõ ràng là thời gian lao động theo xu hướng giảm đi chứ không tăng lên, vì nó phải tuân theo xu thế quyền con người của người lao động ngày càng được đề cao. Nó cũng phản ánh xu hướng văn minh của nhân loại với quan điểm tiến bộ: chất lượng cuộc sống của con người là ngày càng phải được nâng cao.

Như vậy việc tranh luận về giờ lao động sẽ phải lấy cái quan điểm cốt lõi là chất lượng cuộc sống của con người ngày càng phải được nâng cao hơn, để xác định được về số giờ lao động bao nhiêu là phù hợp.

Mà để có chất lượng cuộc sống của mình được ngày càng cao hơn, thì mỗi người lao động phải được lao động vừa sức bản thân họ, tránh khai thác quá sức chịu đựng của cơ thể gây nên ốm đau, tai nạn lại phản tác dụng. Như vậy người lao động mới phát huy hết khả năng làm việc hữu ích của mình mà thu được tiền công tương xứng để trang trải cho cuộc sống với những nhu cầu thiết yếu như lập gia đình sinh con, nuôi con ăn học, phụng dưỡng cha mẹ già, dự trữ mua sắm, dự phòng lúc ốm đau,... Đồng thời, người sử dụng lao động cũng thu được năng suất lao động cao nhất từ việc duy trì được tình trạng sức khỏe tốt nhất cho người lao động, đảm bảo được ổn định sản xuất kinh doanh.

Cho nên từ cái gốc đó thì số giờ làm thêm nên quy định cho người lao động được quyết định tùy theo tình trạng sức khỏe của họ còn "dôi dư" sau giờ lao động chính; người sử dụng lao động không được quyết định; mức tiền công trong giờ làm thêm do 2 bên thỏa thuận. Người lao động nào cũng muốn kiếm tiền tối đa nên họ sẽ cố gắng làm hết sức mình, do đó để họ chủ động xin số giờ làm thêm tùy theo sức khỏe đáp ứng được tính chất công việc của mỗi doanh nghiệp, là hợp lý. Như vậy người sử dụng lao động cũng không lo "bị thiệt", vì đằng nào thì họ cũng không thể được phép vượt quá ranh giới phải đảm bảo quyền con người của người lao động, đã được Hiến pháp Việt Nam quy định và luật pháp quốc tế thừa nhận rộng rãi.

- Thứ hai, về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, 62 với nam và 60 với nữ.

Vấn đề này cũng phải theo tình trạng sức khỏe của người lao động chứ không nên quy định cứng nhắc. Tùy từng ngành nghề mà sức khỏe nam 62 và nữ 60 có thể làm được hoặc không còn làm được việc hiệu quả nữa. Trên hết vẫn là phải tính hiệu quả công việc. Chúng ta đang hướng đến tăng năng suất lao động, trong khi đã có quy luật "ốm tha, già thải" trong việc sử dụng lao động, vậy mà nay ta lại có hướng tận dụng cả người già lao động, thì có phải là đang làm ngược không ?

Cho nên về tuổi hưu tốt nhất là nên quy định như cũ. Còn chuyện ai có sức khỏe hơn người và được người sử dụng lao động tín nhiệm thì để họ thỏa thuận với nhau về việc làm thêm tuổi. Chuyện hụt quỹ bảo hiểm thì nên tăng tỉ lệ đóng góp, chứ không phải là bằng cách tận dụng cả người già đuối sức lao động được. Lao động trẻ thất nghiệp ở ta vẫn rất đông, vậy thì hà cớ gì ta lại phải đi tận dụng cả những người "ốm tha già thải" lao động như thế ?

- Thứ ba, về vấn đề thời gian nghỉ Tết Âm lịch

Như đã xác định chủ trương tăng năng suất lao động để cạnh tranh với các nước, thì tất nhiên ta không nên lún sâu vào "văn hóa ăn chơi", với nếp sống nghỉ ngơi quá nhiều, tạo ra nhịp hoạt động cường độ thấp, trễ nải cho người lao động. Nhất là dịp Tết Âm lịch lại rơi đúng vào đợt tháng Giêng lễ hội tràn lan, nghỉ Tết dài sẽ dễ gây hiệu ứng cộng hưởng cho người lao động như đã xảy ra bao năm qua: "Tháng Giêng là tháng ăn chơi".

- Thứ tư, về vấn đề bổ sung thêm 1 ngày nghỉ lễ là ngày Thương binh liệt sĩ 27/7

Về ngày nghỉ lễ, thì tính cần thiết của nó sẽ xét theo ý nghĩa của ngày lễ đó, là nhằm để hướng tới mục đích gì ?

Ngày 27/7 là ngày toàn xã hội tưởng nhớ đến công lao vô cùng to lớn của các thương binh liệt sĩ, trong đó có những người anh hùng, đã cống hiến xương máu và tính mạng của mình cho độc lập tự do và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc. Vì vậy việc dành ra một ngày nghỉ làm việc để hoạt động tưởng nhớ đến công lao to lớn của họ là rất cần thiết, góp phần giữ vững đạo lý tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây" của dân tộc ta, nhằm giáo dục cho lớp lớp thế hệ sau này lòng biết ơn công lao của thế hệ đi trước . Tuy nhiên phải coi chính xác đây là ngày tưởng nhớ công lao và những hi sinh mất mát của các thương binh, liệt sĩ, trong đó có những người anh hùng, chứ không phải coi đây là ngày nghỉ lễ để vui chơi ăn mừng.

Đồng thời cùng với mất mát xương máu của các thương binh liệt sĩ, dân tộc ta còn mất mát biết bao nhiêu tính mạng của các nạn nhân chiến tranh, đó là nỗi đau vô cùng lớn với dân tộc ta, không thể không được nhớ đến, rất cần được tưởng niệm hàng năm.

Cho nên với ngày 27/7 này đề nghị đổi tên là "Ngày Thương binh, liệt sĩ, nạn nhân chiến tranh", quy định cả nước treo cờ rủ để tưởng niệm liệt sĩ và các nạn nhân chiến tranh, cấm các hoạt động vui chơi trên cả nước, tổ chức đọc diễn văn tưởng nhớ công lao của các thương binh liệt sĩ, tưởng niệm liệt sĩ, nạn nhân chiến tranh, tổ chức thăm hỏi tặng quà các gia đình đó.

- Thứ năm, về vấn đề thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động

Vấn đề giờ lao động đi làm và tan tầm này liên quan mật thiết đến cơ sở hạ tầng giao thông của ta. Hiện nay đường sá thường xuyên ùn tắc do quá tải vì tập trung quá đông người lao động và cán bộ công chức viên chức về một nơi ở cùng một thời điểm. Cho nên để giao thông thông suốt đảm bảo kịp giờ làm cho mọi người thì bắt buộc giờ làm của người lao động và cán bộ công chức viên chức phải lệch nhau. Do đặc thù người lao động luôn chiếm số đông hơn là cán bộ công chức viên chức, vì vậy nên sắp xếp giờ đi làm của người lao động sớm hơn của cán bộ công chức viên chức, lúc ấy đường còn vắng hơn.

- Thứ sáu, về vấn đề tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở

Theo nguyên tắc chung về người đại diện, người đại diện cho một tập thể phải là người do tập thể ấy cử ra, hoặc ủy quyền. Lẽ đương nhiên, một tập thể có quyền tự lựa chọn người đại diện cho mình mà không thể bị ép buộc phải lựa chọn ai. Có như vậy mới đảm bảo hợp tính hợp lý, đảm bảo quyền con người của người lao động. Điều này đã là một quy tắc phổ quát trên toàn thế giới về quyền có người đại diện của người lao động.

Như vậy một tập thể công nhân viên hoàn toàn có quyền được cử ra hoặc ủy quyền người làm đại diện cho họ. Có nghĩa là một tập thể lao động đương nhiên được lập ra một tổ chức đại diện hợp pháp cho mình, có vai trò như tổ chức công đoàn hiện nay của nhà nước cử ra cho tập thể lao động. Rõ ràng là khi người lao động tự bầu trực tiếp người đại diện cho mình thì người đại diện ấy sẽ gắn bó chặt chẽ với người lao động hơn, do đó mà hoạt động đại diện hiệu quả hơn.

Kết lại, mặc dù các vấn đề trên có thể còn nhiều quan điểm khác nhau, tuy nhiên có một nguyên tắc ứng xử chung trong thế giới văn minh hiện nay mà các bên cần thống nhất với nhau là: Cả hệ thống pháp luật, trong đó có BLLĐ, là để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người!

Phạm Mạnh Hà

sua luat lao dong la vi con nguoi Bí thư Thành ủy Hà Nội: Sửa Bộ luật Lao động cần đảm bảo hài hòa lợi ích các bên

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, những nội dung tại dự thảo Bộ luật Lao ...

sua luat lao dong la vi con nguoi Nhiều công nhân muốn nghỉ thêm vào cuối tuần

Nhiều công nhân cho biết, họ mong muốn được nghỉ thêm vào thứ bảy để hồi phục sức khoẻ, chăm sóc gia đình, thậm chí ...

sua luat lao dong la vi con nguoi 1.748 ngành nghề, lĩnh vực có thể nghỉ hưu trước 5 năm trở lên

Tuổi nghỉ hưu: Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, Chính phủ sẽ có quy định danh mục toàn bộ 1.748 ngành nghề, lĩnh vực trong ...

/ Theo SKMT