Vừa qua có một số báo, trang mạng đưa tin về việc PVTrans có nguy cơ mất 15 tỷ đồng tiền cho thuê tàu PVT Eagle và PVT Sea Lion trong giai đoạn 2011 - 2012. Tổng công ty PVTrans nhận thấy các thông tin này chưa được kiểm chứng trước khi đăng tải và không phản ánh đúng bản chất sự việc. Liên quan đến nội dung này, Tổng công ty PVTrans làm rõ như sau:
Trong giai đoạn 2009 - 2014, do suy thoái kinh tế, ngành vận tải biển gặp khủng hoảng nặng nề. Hơn 90% công ty vận tải biển trên thế giới bị thua lỗ và nhiều công ty bị phá sản. Là một doanh nghiệp vận tải biển, PVTrans cũng không phải là ngoại lệ. Năm 2011, do nguồn hàng vận chuyển nội địa sụt giảm mạnh, đội tàu sản phẩm dầu không có việc phải nằm chờ, PVTrans buộc phải đưa đội tàu ra khai thác quốc tế.
Tuy nhiên thời điểm đó, do số lượng tàu của PVTrans còn hạn chế và chưa có thương hiệu, nên Tổng công ty PVTrans ký hợp đồng với Công ty Womar Tanker Pools để đưa các tàu PVT Eagle và PVT Sea Lion tham gia vào khai thác theo hình thức Quản lý khai thác tàu (Commercial management). Công ty Womar là một đơn vị quản lý khai thác tàu sản phẩm dầu/hóa chất lớn, uy tín trên thị trường, có trụ sở tại Singapore. Với mô hình quản lý này, Công ty Womar sẽ thay mặt PVTrans trực tiếp tìm kiếm nguồn hàng cho các tàu, đàm phán ký kết hợp đồng với các khách hàng thuê tàu trên cơ sở đảm bảo quyền lợi cao nhất cho PVTrans. Tiền cước vận chuyển (Freight) sau khi thu được từ các khách hàng thuê tàu và trừ đi chi phí khai thác của tàu (cảng phí, nhiên liệu, phí quản lý…) sẽ được Womar trả cho Chủ tàu. Trong thời gian thực hiện hợp đồng, các tàu PVT Eagle và PVT Sea Lion của PVTrans đã được Công ty Womar cho rất nhiều khách hàng khác nhau thuê, trong đó có khách hàng Aavanti.
Việc cho thuê tàu qua Công ty Womar trong giai đoạn 2011 - 2012 là một trong những giải pháp quan trọng, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của PVTrans thời điểm bấy giờ, góp phần nâng cao trình độ quản lý kỹ thuật, quản lý thuyền viên của PVTrans theo tiêu chuẩn quốc tế, giúp PVTrans vượt qua sóng gió và hoạt động hiệu quả.
Tàu Sea Lion |
Theo hợp đồng ký với Công ty Womar, các khoản tiền cước vận chuyển đã được Womar thanh toán đầy đủ cho PVTrans theo hợp đồng. Số tiền 420.406 USD được nhắc đến là số tiền phí dôi nhật (demurrage) mà Womar/PVTrans tính toán theo cách có lợi nhất có thể đòi thêm từ người thuê tàu (Aavanti).
Đặc thù ngành vận tải biển, thì các khoản thêm như phí dôi nhật (demurrage), phí chuyển hướng hành trình (deviation)… là rất khó đòi, vì chỉ là con số tính toán từ một bên, và khách hàng thường đưa ra các lý do khác nhau (tình trạng kỹ thuật, thời tiết…) để không chấp nhận. Tại thị trường quốc tế, việc đòi các chi phí thêm như vậy là rất khó khăn và hay xảy ra đàm phán, tranh chấp kéo dài giữa các bên. Còn tại thị trường nội địa, theo thông lệ thì phí dôi nhật này hầu như không được khách hàng chấp thuận thanh toán.
Như vậy, PVTrans khẳng định: Số tiền 15 tỷ đồng được đề cập trong một số báo, trang mạng nêu trên không phải là tiền cước cho thuê tàu PVT Eagle và PVT Sea Lion theo hợp đồng (vì PVTrans đã nhận đủ toàn bộ tiền cho thuê tàu từ Womar). Đây không phải số tiền mà PVTrans bị mất.
Số tiền 420.406 USD là số tiền phí dôi nhật tính toán theo lập luận từ phía Womar/PVTrans, chưa đạt được sự thống nhất giữa Chủ tàu và khách hàng thuê tàu, tức là chưa đủ cơ sở để hạch toán theo chuẩn mực kế toán và theo dõi như một khoản phải thu trong sổ sách kế toán. Ngoài ra, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 và Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013, khi nhận các khoản thu vi phạm hợp đồng kinh tế về bồi thường bằng tiền (phạt dôi nhật, hao hụt, mất mát hàng hóa,…) sẽ không phải xuất hóa đơn tính thuế GTGT và chỉ ghi nhận vào sổ sách kế toán khi đã thu được tiền.
PVTrans chỉ ký hợp đồng với Công ty Womar, không ký hợp đồng trực tiếp với Công ty Aavanti. Công ty Aavanti chỉ là một trong những khách hàng của Womar tanker pools. Trong hoạt động hàng hải quốc tế, các khách hàng là công ty trader hay công ty chartering thường có vốn rất nhỏ. Việc đảm bảo trả tiền cước thuê tàu cho chủ tàu thường bằng các bảo lãnh ngân hàng hoặc bằng giá trị hàng hóa chuyên chở trên tàu…
Mặc dù việc đòi tiền phí dôi nhật là rất khó khăn và ít thành công đối với chủ tàu, nhưng với quan điểm đem lại lợi ích tối đa cho doanh nghiệp, ban lãnh đạo PVTrans đã rất quyết liệt chỉ đạo việc đòi thêm tiền phí dôi nhật, thể hiện ở nhiều cuộc họp giao ban cũng như chỉ đạo bằng các văn bản, cuộc họp nội bộ PVTrans ngay từ năm 2012. Đến cuối tháng 12/2018, các bộ phận chức năng liên quan đã họp xem xét khả năng thuê tư vấn luật để cùng với Womar theo đuổi việc đòi thêm được số tiền phí dôi nhật nói trên, nhưng thấy rằng chi phí luật sư lớn và khả năng thành công thấp, nên đã đề xuất tạm dừng việc này. Tuy nhiên, PVTrans vẫn yêu cầu các bộ phận chuyên môn lưu ý tiếp tục theo dõi và đòi thêm khoản tiền này nếu có cơ hội.
Là một doanh nghiệp vận tải biển, gặp rất nhiều khó khăn thời điểm năm 2010 - 2012 và có nguy cơ phá sản, nhưng bằng các nỗ lực của mình, PVTrans đã không những vượt qua khủng hoảng mà còn phát triển liên tục 8 năm liền với tốc độ tăng trưởng bình quân 17 - 20%/năm, đảm bảo công ăn việc làm cho gần 2.000 lao động và hàng năm đóng góp vào ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Từ một doanh nghiệp chỉ phục vụ vận tải nội địa, đến nay 70% đội tàu của PVTrans đang hoạt động tại thị trường quốc tế.
|
Tàu PVT Eagle |
Nhiều năm gần đây PVTrans luôn được được xếp hạng là doanh nghiệp vận tải biển số 1 Việt Nam (do Vietnam Report 500 đánh giá). Trong 2 năm liền 2018 - 2019, PVTrans được tổ chức uy tín Forbes (Mỹ) lựa chọn nằm trong top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam. Cổ phiếu của PVTrans được các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính trong và ngoài nước đánh giá cao bởi tính minh bạch, ổn định và bền vững.
Hiện nay do ảnh hưởng tác động kép của việc sụt giảm nghiêm trọng giá dầu thô, cùng sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, dẫn đến nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Đây là những khó khăn thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp nói chung và Tổng công ty PVTrans nói riêng, trong việc duy trì hoạt động, đảm bảo hiệu quả vốn, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động và đóng góp cho ngân sách Nhà nước.
Việc thông tin không chính xác, không đúng bản chất sự việc sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu của doanh nghiệp, tác động xấu đến các đối tác, các khách hàng, các nhà đầu tư và có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
PVTrans rất mong nhận được sự chia sẻ, đồng cảm và hỗ trợ của cơ quan báo chí, để giúp PVTrans nói riêng và các doanh nghiệp nói chung, ổn định và phát triển vượt qua những khó khăn to lớn do tác động tiêu cực của dịch cúm Covid - 19 và suy thoái kinh tế toàn cầu./.
PVTrans