Công nghệ tái tạo khuôn mặt người phụ nữ khoảng 20 tuổi, từ bộ hài cốt khai quật được ở quần thể lăng mộ Tần Thủy Hoàng, hé lộ sự thật khó tin: một trong số những phi tần, thê thiếp hoặc cung nữ của vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc thống nhất, là người có gốc gác phương Tây.
Cho đến thời điểm hiện tại, Đội quân đất nung là phát hiện khảo cổ quan trọng nhất từ khu di tích Lăng mộ Tần Thủy Hoàng ở gần núi Lý Sơn, huyện Lâm Đồng, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Tính từ tháng 3.1974, tổng cộng 8099 pho tượng có kích cỡ và tinh xảo như người thật đã được khai quật khỏi lòng đất.
Đội quân đất nung tại khu di tích Lăng mộ Tần Thủy Hoàng ở Thiểm Tây, Trung Quốc
Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, như quy mô quá lớn của lăng mộ (cấu trúc ngầm mở rộng trên diện tích lên tới 56km vuông, tức gấp gần 80 lần Tử Cấm Thành), lớp thủy ngân bao bọc khu vực chính của lăng mộ có nồng độ cao gấp 280 lần so với mức bình thường, cộng thêm công nghệ hiện nay của Trung Quốc không đủ để xử lý và bảo quản hiện vật, khiến công việc khai quật và khảo cổ gặp vô vàn khó khăn.
Ngoài đội quân đất nung và những cổ vật giá trị, Viện Lịch sử và khảo cổ Trung Quốc, trong nhiều năm qua cũng đã khai quật thành công khoảng 100 ngôi mộ nằm trong quần thể cung điện lăng mộ của Tần Thủy Hoàng. Tất cả những thi thể trong ngôi mộ đều là các cô gái trẻ, tuổi đời chưa quá 30.
Theo đánh giá ban đầu, dựa chết thiết kế hoa văn của lớp mộ, quan tài và những vật phẩm được chôn cùng, những phụ nữ trẻ này rất có thể là Phi tần, thê thiếp hoặc cung nữ của Tần Thủy Hoàng. Khi Tần Thủy Hoàng qua đời, năm 210 TCN, những người này đều bị giết và chôn theo Hoàng đế.
Đầu năm nay, Viện Lịch sử và khảo cổ Trung Quốc đã quyết định sử dụng công nghệ tái tạo khuôn mặt của một người phụ nữ, mà dựa trên những đánh giá khảo cổ học cho thấy, là người có địa vị cao nhất trong tổng số 100 cô gái trẻ chôn tại lăng mộ.
Tần Thủy Hoàng có nhiều thê thiếp nhưng không lập Hoàng hậu nên đây được cho là một trong số những Phi được sủng ái nhất của Hoàng đế khi còn sống. Theo một số bức ảnh tái tạo lại khuôn mặt, cô gái có đôi mắt tròn, to, sống mũi thẳng và màu tóc không hoàn toàn đen.
Bức chân dung khuôn mặt Phi tần này, được tái tạo nhờ một hệ thống siêu máy tính sử dụng các thuật toán phân tích 3D siêu vi dựa trên cơ sở dữ liệu giải phẫu lớn. Công nghệ tương tự đã và đang được sử dụng để tái tạo khuôn mặt pháp y trong các cuộc điều tra của cảnh sát Trung Quốc những năm gần đây.
Bức chân dung khuôn mặt được tái tạo của một cô gái được cho là ái phi của Tần Thủy Hoàng
Thú vị thay, các đặc điểm của người phụ nữ phối ngẫu với Tần Thủy Hoàng này, kết quả từ công nghệ tái tạo khuôn mặt, lại không có vẻ là người Hán. Thay vào đó, các chuyên gia phân tích nghiêng về khả năng cô gái này là người có nguồn gốc từ Trung Á hoặc thậm chí có thể là người châu Âu.
Li Kang, phó giáo sư tại Trường Khoa học và Công nghệ Thông tin tại Đại học Tây Bắc ở Tây An, nơi phát triển phần mềm nhận dạng khuôn mặt, cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào kết quả thu được”. Công nghệ này đã được Bộ Công an kiểm tra nghiêm ngặt và áp dụng rộng rãi trong điều tra tội phạm và theo ông Li, đòi hỏi rất ít sự can thiệp của con người.
Dĩ nhiên, kết quả này đã thúc đẩy một số cuộc tranh luận gay gắt giữa các nhà khảo cổ. Bởi nhận dạng khuôn mặt thể hiện sự khác biệt sắc tộc khá lớn so với người Hán cổ, thứ không đúng với mong đợi của giới nghiên cứu Trung Quốc.
Một số nhà nghiên cứu đã suy đoán rằng phụ nữ có thể là người Ba Tư. Tuy nhiên, giáo sư Zhang We Long, thành viên của Chương trình tái tạo khuôn mặt và là trưởng phòng nghiên cứu tại Bảo tàng lăng mộ Hoàng đế Tần Thủy Hoàng, cho biết vẫn còn quá sớm để khẳng định cô gái này là người có nguồn gốc phương Tây.
Tần Thủy Hoàng, người không có hoàng hậu chính thức, đã chọn một số lượng lớn phụ nữ trẻ đẹp từ khắp đất nước làm phối ngẫu của mình. Những người phụ nữ này đã sinh ra khoảng 40 con trai và con gái, theo ghi chép của sử gia danh tiếng Tư Mã Thiên.
Sau khi Tần Thủy Hoàng chết, con trai thứ 18 Hồ Hợi nhờ sự trợ giúp của tể tướng Lý Tư và Hoạn quan Triệu Cao, đã chiếm ngôi Hoàng đế, lấy hiệu Tần Nhị Thế. Tháng 9.210 TCN, Tần Nhị Thế chôn vua cha Tần Thủy Hoàng ở Ly Sơn.
Mộ được xây từ khi Thủy Hoàng còn sống, sai hơn 70 vạn dân phu đào ba con suối, ở dưới đổ đồng và đưa quách vào; đem hết những đồ quý báu của hoàng gia chôn xuống dưới; sai thợ chế máy bắn tên để đề phòng mộ tặc, ngoài ra còn lấy thủy ngân làm sông Trường Giang, sông Hoàng Hà và biển lớn. Nhị Thế cho rằng: Những người ở hậu cung của tiên đế nếu không có con mà cho ra ngoài thì không tiện, nên ra lệnh chôn sống tất cả các cung nữ của Thuỷ Hoàng.
Khi Tần Thủy Hoàng băng hà, tất cả những phi tần cung nữ chưa sinh con của ông đều bị chôn theo ông
Một trong số những phi tần cung nữ bị chôn theo Tần Thủy Hoàng, chính là cô gái đang gây ra tranh cãi học thuật bởi kết quả tái tạo khuôn mặt mà chúng ta đã nhắc tới bên trên. Mặc dù vẻ ngoài của người phụ nữ có thể gợi ý rằng cô ấy có nguồn gốc không phải người Hán, nhưng thời điểm hiện tại không đủ bằng chứng để đưa ra bất kỳ kết luận chắc chắn nào về gốc gác phương Tây của cô.
Giáo sư Zhang thừa nhận có thể một số du khách từ phương Tây đã đến đế chế Tần và triều đình thời Tần Thủy Hoàng sớm tồn tại một mức độ đa dạng sắc tộc. Bởi thực tế, là sau các cuộc chinh phạt Ba Tư và các bộ phận của Ấn Độ của Alexander Đại đế một thế kỷ trước nhà Tần, những người kế vị Hy Lạp của ông đã thiết lập một sự hiện diện của châu Âu ở Trung Á.
Giáo sư Zhang lập luận rằng có rất ít khả năng tồn tại mối liên hệ thường xuyên giữa Trung Quốc và phương Tây vào thời điểm đó. Một giả thuyết như vậy không được hỗ trợ bởi các tài liệu lịch sử và bằng chứng khảo cổ hiện có. Hành trình đi lại xuyên lục địa thời Tần là vô cùng khó khăn do giới hạn vận tải.
Việc xuất hiện của người (phụ nữ) phương Tây hoặc Cận Đông, vì thế, là một sự kiện hiếm gặp và có thể là kết quả của những trường hợp bất thường. Trường hợp bất thường, nếu có, rất có thể, sẽ liên quan đến hành trình tìm kiếm thuốc trường sinh trên khắp các vùng đất Trung Quốc và khu vực lân cận, trong khoảng chục năm cuối đời của Tần Thủy Hoàng.
Phòng nghiên cứu bảo tàng Lăng mộ Tần Thủy Hoàng đã lên kế hoạch thực hiện xét nghiệm DNA người phụ nữ này cùng những bộ hài cốt khác và hy vọng sẽ đưa ra nhiều manh mối hơn về thành phần dân tộc của triều đình Tần. Zhang cho biết mục đích chính của chương trình tái tạo khuôn mặt là mở ra một chương quan trọng trong tiến trình tìm hiểu lịch sử Trung Quốc.
Thảm án chôn sống 400.000 bại binh: Mối họa lớn "báo hại" nhà Tần
Chôn sống 400.000 quân chiến bại của nước Triệu, đại tướng Tần triều Bạch Khởi không ngờ rằng ông ta đã gây họa cho đất ... |
Trai bao bá đạo nhất lịch sử Trung Quốc: Bị giết bởi Tần Thủy Hoàng
Nghề mại dâm nam hay trai bao có từ bao giờ, cho đến hiện tại vẫn là điều gây tranh cãi bởi mỗi nguồn có ... |
SỰ THẬT: Đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng làm từ... người thật
Theo phát hiện mới nhất được công bố từ Đại học Tổng hợp London, qua quá trình phân tích 3D hình dáng và vân đôi ... |