Nhận lệnh công kích, đại úy Dorsey phóng ngay tên lửa, dù mục tiêu phía trước là chiếc RF-4C của không quân Mỹ cùng tham gia diễn tập.
Đại úy Timothy Dorsey, phi công điều khiển tiêm kích F-14 của hải quân Mỹ, ngày 22/9/1987 tham gia cuộc diễn tập cùng lực lượng không quân trên Địa Trung Hải và gây ra sự cố bắn nhầm tai hại do sự non kinh nghiệm của mình.
Theo kịch bản diễn tập, chiếc trinh sát cơ RF-4C của không quân Mỹ không mang vũ khí do phi công Michael Ross và Randy Sprouse điều khiển sẽ tìm cách tiếp cận để quan sát, đọc số hiệu trên tàu sân bay USS Saratoga di chuyển trên Địa Trung Hải bằng mắt thường. Mỗi lần áp sát thành công của Ross và Sprouse sẽ được tính là một lần "tiêu diệt" tàu sân bay.
Trinh sát cơ RF-4C cùng loại với chiếc bị bắn rơi ngày 22/9/1987. Ảnh: USAF. |
Biên đội hai chiếc F-14 có nhiệm vụ bảo vệ USS Saratoga khỏi đợt "tấn công" của chiếc RF-4C, trong đó tổ lái phải tiến hành động tác đánh chặn mô phỏng mục tiêu để giành chiến thắng. Chỉ huy đợt diễn tập quy định các máy bay tham gia không được phép mang theo vũ khí, nhưng hải quân Mỹ dường như không chấp hành nghiêm và các tiêm kích F-14 đều được gắn tên lửa không đối không.
Tổ lái chiếc trinh sát cơ RF-4C gặp trục trặc từ đầu cuộc diễn tập khi radar và các hệ thống tác chiến điện tử đều không hoạt động, buộc Ross và Sprouse phải tìm kiếm mục tiêu bằng mắt thường. Biên đội F-14 hải quân gặp may khi chỉ huy tác chiến dẫn họ tới mục tiêu nghi vấn, chính là chiếc RF-4C của Ross đang tiếp dầu từ máy bay KC-135.
Sau khi tiếp nhiên liệu, trinh sát cơ RF-4C quần thảo trên Địa Trung Hải và phát hiện tàu sân bay Saratoga, đồng thời nhận ra mình đang bị hai chiếc F-14 bám theo phía sau. "Một chiếc F-14 hải quân ở phía trái, hướng 8h", Sprouse thông báo. "Được, đó là quân xanh", Ross đáp lại.
Khi cách USS Saratoga khoảng 24 km, tổ lái RF-4C thực hiện động tác bổ nhào mô phỏng đòn tấn công. Trên chiếc F-14, phi công Dorsey thông báo mối đe dọa cho sĩ quan điều khiển vũ khí Edmund Holland, người phát tín hiệu cảnh báo cho tàu Saratoga.
Cho đến lúc này, mọi thứ diễn ra rất thuận lợi. Trinh sát cơ không quân thành công trong việc mô phỏng tập kích tàu sân bay, còn hải quân thực hành phương thức xử lý mối đe dọa.
Tàu sâu bay USS Saratoga di chuyển trên Địa Trung Hải năm 1992. Ảnh: US Navy. |
"Công kích mục tiêu tùy ý", chỉ huy tác chiến trên tàu sân bay liên lạc với biên đội F-14. Đại úy Dorsey, người mới làm nhiệm vụ trên tàu Saratoga và có vài trăm giờ bay tích lũy, hiểu rằng đó là mệnh lệnh bắn hạ ngay lập tức chỉ dùng trong thực chiến. Tuy nhiên, phi công này vẫn chần chừ và xin thêm chỉ dẫn từ Holland.
"Trời, họ thật sự muốn tôi bắn hạ anh ta sao?", Dorsey nói. Mệnh lệnh "công kích tùy ý" thường được dùng trong các đợt diễn tập của tàu Saratoga, khiến Holland cho rằng Dorsey hiểu mọi thứ đang diễn ra trong khuôn khổ bài huấn luyện và trả lời: "Đúng, bắn đi".
Dorsey phóng một tên lửa tầm ngắn AIM-9 Sidewinder nhưng nó gặp sự cố và không rời bệ phóng. Phi công này khai hỏa tiếp một tên lửa khác, quả đạn lao thẳng vào đuôi chiếc RF-4C chứa đầy nhiên liệu.
"Tôi nghe tiếng xé gió bên phải, nhìn ra ngoài và hỏi: 'Chuyện gì vừa xảy ra vậy'. Tôi thấy phần đầu máy bay RF-4C, sau đó là phần đuôi cháy rực. Tôi hoàn toàn ngỡ ngàng và chỉ kịp thốt lên rằng 'Cậu đã bắn hạ anh ta rồi'", Holland nhớ lại. Câu hỏi bất ngờ và phản ứng sốc của Holland khiến Dorsey nhận ra mình vừa làm một điều cực kỳ sai lầm.
Trong lúc đó, Ross và Sprouse cũng đang phải đối mặt với tình huống bất ngờ. Chiếc RF-4C bốc cháy và rung lắc mạnh, khiến họ nghĩ rằng nó đã va chạm với tiêm kích F-14 bám đuôi.
Ross ra lệnh phóng ghế thoát hiểm, tổ lái RF-4C bật dù an toàn và đáp xuống biển. Holland liên lạc với USS Saratoga để tổ chức cứu hộ.
Các chỉ huy hải quân Mỹ ngay lập tức muốn tìm hiểu chuyện gì xảy ra. Ross và Sprouse được vớt lên rồi bị cơ quan điều tra của hải quân chất vấn. Cả hai đều thuật lại đầy đủ thông tin, trước khi hạm trưởng USS Saratoga thông báo sự thật và xin lỗi họ. Hai phi công RF-4C được chữa trị y tế và nghỉ ngơi ở vị trí tốt nhất trên tàu sân bay cho tới khi được chuyển về căn cứ không quân.
Tiêm kích F-14D phóng tên lửa AIM-9 trong đợt diễn tập năm 1993. Ảnh: US Navy. |
Dorsey bị cấm bay vĩnh viễn nhưng vẫn được ở lại lực lượng hải quân. Nhiều người cho rằng Dorsey không bị giải ngũ nhờ ông bố James Dorsey, người có ảnh hưởng lớn trong không quân hải quân Mỹ và là hạm trưởng tàu sân bay USS America vào thời điểm xảy ra sự cố.
Dorsey sau này được thăng đến quân hàm đại tá trong vai trò sĩ quan tình báo của lực lượng dự bị. Ông được đề nghị phong hàm đô đốc năm 2012, nhưng quốc hội Mỹ từ chối bỏ phiếu thông qua quyết định phong hàm sau khi biết vụ bắn nhầm năm 1987.
Thương tích của Ross có vẻ không nghiêm trọng, nhưng chúng ngày càng nặng khi ông về già. Ross phải trải qua 32 lần phẫu thuật và bị liệt toàn thân.
Ross tỏ ra rất tức giận khi nghe tin Dorsey được đề nghị phong hàm đô đốc, cáo buộc người này đã hủy hoại cuộc đời mình. "Theo kế hoạch diễn tập, lẽ ra anh ta phải tự tìm ra tôi, chứ không phải rình khi tôi tiếp dầu trên không rồi đuổi theo trong 15 phút và bắn hạ", Ross nói.
Báo cáo được hải quân Mỹ công bố năm 1988 cho thấy vụ bắn nhầm là "sai lầm cơ bản trong xử trí tình huống" và "hành động phi logic của một phi công trẻ". Cuộc điều tra cũng kết luận đại úy Dorsey biết trinh sát cơ RF-4C là đồng minh tham gia diễn tập nhưng lại phóng tên lửa.
Vũ Anh (Theo WATM)
Israel bắn nhầm máy bay dân sự
Phòng không Israel khai hỏa vào một máy bay dân sự ở cao nguyên Golan hôm 21/8 do tưởng là tiêm kích Syria xâm phạm ... |
Iran: Mỹ có thể đã bắn nhầm UAV của mình
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi hôm 19-7 tái khẳng định nước này không mất bất kỳ máy bay không người lái (UAV) nào ... |