Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: Không nên sử dụng hộ chiếu vaccine vào thời điểm này. Đặc biệt hộ chiếu vaccine không nên là điều kiện tiên quyết để đi lại bởi thiếu nguồn cung vaccine bình đẳng.
Tổng giám đốc Tedros lưu ý, WHO hiện làm việc với các quốc gia đang nghiên cứu hộ chiếu vaccine để có thể có một hệ thống thống nhất trong trường hợp cần triển khai hộ chiếu vaccine và thời điểm áp dụng hộ chiếu vaccine.
Dù vậy, người đứng đầu cơ quan y tế Liên Hợp Quốc cũng chỉ ra, hộ chiếu vaccine - dạng tài liệu chứng minh mọi người đã tiêm chủng ngừa COVID-19 đầy đủ - nếu sử dụng trong giai đoạn này sẽ dẫn tới phân biệt đối xử, nhất là ở những quốc gia tiếp cận được ít vaccine hơn.
“Nhưng trong tương lai, khi độ bao phủ vaccine tăng lên trên toàn cầu, điều đó có thể được xem xét" - ông nhấn mạnh.
Theo US News, hộ chiếu vaccine được một số coi là cách để mở cửa lại nền kinh tế trong khi một số khác chỉ trích hộ chiếu vaccine tạo sự chia rẽ giữa các quốc gia giàu có và những nước có thu nhập thấp hơn chưa thể tiếp cận rộng rãi với vaccine.
Việc áp dụng "hộ chiếu vaccine" tại một số nước phương Tây cũng đã và đang gặp nhiều khó khăn.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cảnh báo việc đi lại tự do trong châu Âu đang gặp khó khăn, do các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) không thống nhất các quy định kiểm soát Covid-19 với du khách quốc tế. Không chỉ làm du khách và doanh nghiệp du lịch lúng túng, việc này khiến cho những lợi ích, sự thuận tiện và phục hồi kinh tế đều không đạt được như kỳ vọng.
Nghiên cứu của IATA chỉ ra những khác biệt đáng kể trong cách các nước EU kiểm tra du khách nước ngoài. Hiện nay, đa số các nước EU sử dụng loại chứng nhận Covid-19 có tên "EU Digital COVID certificate" (EUDCC). Tuy nhiên trong số đó, 30% không chấp nhận test nhanh Covid-19, 19% không miễn xét nghiệm cho trẻ em, 41% không đón khách từ các quốc gia ngoài danh sách cho phép của EU, dù họ đã tiêm chủng đầy đủ.
Sự phức tạp cũng thể hiện ở các biểu mẫu nhập cảnh và thủ tục dành cho khách du lịch. 45% quốc gia chấp nhận biểu mẫu trực tuyến, trong khi 33% chấp nhận song song bản cứng và trực tuyến. 11% chỉ chấp nhận bản cứng và hơn 11% không quy định biểu mẫu nào. Đó là chưa kể những quy định tại Pháp, Italy về chứng nhận Covid-19 để được phép vào các địa điểm văn hóa, du lịch, nhà hàng, vui chơi giải trí… hay quy định về hạn sử dụng chứng nhận tiêm chủng trong 270 ngày mới được áp dụng tại Áo và Croatia.
Tại một số nước, kế hoạch áp dụng "hộ chiếu vaccine" cũng đã bị hủy bỏ bởi nhiều lý do.
Chính phủ Anh từng cho biết chương trình thẻ xanh vaccine sẽ được triển khai vào cuối tháng này, bất chấp phản đối từ một số doanh nghiệp và nghị sĩ đảng Bảo thủ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Sajid Javid đã tuyên bố đảo ngược kế hoạch trên, cho biết chính phủ không xem động thái này là cần thiết trong tình hình dịch bệnh hiện nay ở Anh khi tỷ lệ bao phủ vaccine tương đối cao.
Bộ trưởng Javid cho biết ý tưởng về việc phải xuất trình giấy tờ tại các địa điểm giải trí khiến ông cảm thấy không thoải mái. Một số người phản đối thậm chí gọi việc làm này là vi phạm quyền tự do dân sự.
Cũng giống Anh, vào tháng 3-2021, chính quyền Đan Mạch bắt đầu nới lỏng các biện pháp chống dịch song song với việc yêu cầu người dân phải có thẻ xanh vaccine để tham gia một số hoạt động xã hội.
Đến đầu tháng 9 này, yêu cầu thẻ xanh vaccine đã được dỡ bỏ tại hầu hết địa điểm và lĩnh vực, ngoại trừ các hộp đêm, quán bar. Ngày 10-9, yêu cầu chứng minh tình trạng tiêm chủng tại các hộp đêm chính thức bị bãi bỏ.
PV (th)
Việt Nam có thể áp dụng rộng rãi 'hộ chiếu vaccine'? |
Sân bay Vân Đồn đón chuyến bay đầu tiên thí điểm khách có "hộ chiếu vaccine" |
“Hộ chiếu vaccine”: Cú hích phá vỡ tình trạng “đóng băng” của xã hội |