Đến cuối tháng 7/2021, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều tỉnh, thành. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, các cơ quan chức năng đang đẩy nhanh chiến lược tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Hy vọng khi cả nước đạt được 70% số dân được tiêm phòng vaccine, cuộc sống của người dân sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường với “giấy thông hành” là tấm “hộ chiếu vaccine”, nền kinh tế sẽ giao thương mạnh mẽ, hồi phục nhanh chóng…
Hơn 100 tỷ đồng “bốc hơi” mỗi ngày…
Thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) cho thấy, doanh thu năm 2020 của các hãng hàng không Việt giảm trên 60% (khoảng 100.000 tỉ đồng). Các hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways lỗ 16.000 tỉ đồng.
Hiện nay, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng đã lên tới 36.000 tỉ đồng (riêng Vietnam Airlines nợ 20.000 tỉ đồng). Số tiền nộp ngân sách cũng bị giảm tương ứng, trong khi năm 2019, các hãng hàng không nộp thuế, phí trực tiếp và gián tiếp trên 20.000 tỉ đồng. Đặc biệt, năm 2021, đợt bùng phát dịch lần 3 và 4 vào dịp cao điểm Tết cổ truyền và cao điểm hè đã khiến doanh thu hàng không giảm sâu (riêng tháng 5, 6, doanh thu giảm 90% so với cùng kỳ năm 2020, thậm chí tháng 7, có ngày cả nước chỉ còn khoảng 10 chuyến bay hoạt động) khiến các hãng càng suy kiệt. Trong khi đó, để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng phải chi trên 100 tỉ đồng/ngày.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VABA - ông Bùi Doãn Nề, các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng đã cạn kiệt, cơ hội tiếp cận vốn vay khó khăn, chi phí vay vốn cao. Tại văn bản gửi một số bộ ngành gần đây, ông Bùi Doãn Nề đề nghị các bộ kiến nghị Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp ngành Hàng không vượt qua khó khăn, sớm phục hồi và phát triển. Một trong những điểm nhấn quan trọng trong kiến nghị này là "Sớm triển khai tiêm vaccine trên diện rộng và xem xét sử dụng hộ chiếu vaccine".
Tương tự, đối với vận tải đường bộ, đường sắt, tình trạng “điêu đứng” vì COVID-19 cũng không kém ngành hàng không. Theo ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta, Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam thông tin, hiện cả nước có khoảng 1 triệu tài xế đang hoạt động. Với chi phí xét nghiệm hơn 200 nghìn đồng/lần với test nhanh và 700 - 800 nghìn đồng/lần test PCR, chỉ riêng tiền xét nghiệm cho số tài xế này đã tốn khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi tháng. Còn “chẻ” theo doanh nghiệp, tùy vào quy mô, chi phí xét nghiệm có thể dao động từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Chưa kể, còn rất nhiều chi phí gián tiếp. Ông Nghĩa chia sẻ thêm: “Uớc tính của chúng tôi, lượng hàng hóa ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội có thể giảm đến 50% trong thời gian tới, phần do sản xuất đình đốn và phần khác do khó khăn trong khâu lưu thông hàng hóa.”.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản gửi Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc đề nghị cấp sổ thông hành (hộ chiếu vaccine) cho lái xe chở hàng qua cửa khẩu biên giới. Bộ này đề nghị Ban Chỉ đạo xem xét, chỉ đạo các cơ quan liên quan trao đổi cả hai địa phương biên giới Lạng Sơn, Lào Cai cùng nghiên cứu, trước mắt cho phép đội lái xe chuyên trách vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới được tiêm vaccine đủ theo quy định y tế, test nhanh để đảm bảo an toàn vận chuyển. Bộ cũng đề xuất Ban Chỉ đạo thống nhất hình thức cấp, sử dụng sổ thông hành cho lái xe đảm bảo tối ưu trong phương án vận chuyển hàng hóa giữa hai bên an toàn, thuận lợi hóa thông quan, tiết giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp, người dân hai nước.
Cần bước đi cẩn trọng
Theo ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Hàng không Việt Nam:"Hộ chiếu vaccine" thực chất là tài liệu xác nhận một người đã tiêm đủ số mũi vaccine theo khuyến cáo chuyên môn của nhà sản xuất hoặc theo cơ quan quản lý nhà nước, thông thường là đủ 2 mũi hoặc cho những người đã bị nhiễm COVID nhưng đã khỏi bệnh hoặc có giấy xác nhận âm tính với virus SARS-CoV-2. “Hộ chiếu vaccine” đang được xem là một trong những giải pháp giúp nối lại các chuyến bay quốc tế, khơi thông du lịch, thương mại và vực dậy các nền kinh tế trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo các cấp có thẩm quyền triển khai cơ chế “hộ chiếu vaccine” để đẩy nhanh việc mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách đến Việt Nam. Tuy vậy, đây cũng là một thách thức rất lớn vì hiện nước ta chưa có các quy định pháp lý liên quan đến việc triển khai “hộ chiếu vaccine”, cũng như những thỏa thuận liên quan ở cấp Chính phủ, liên bộ giữa Việt Nam và các nước để triển khai áp dụng đối với khách quốc tế nhập, xuất cảnh Việt Nam.
Ở một khía cạnh khác, trước câu hỏi triển khai “hộ chiếu vaccine” cần lưu ý điều gì? TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) bày tỏ: Tiêm vaccine chỉ có tác dụng làm giảm, hạn chế tỉ lệ trầm trọng của bệnh khi người đó mắc COVID-19. Khi áp dụng "hộ chiếu vaccine", các quốc gia cần có thông tin đầy đủ, phải xem xét để áp dụng hiệu quả, an toàn. Hiện mỗi quốc gia sử dụng các loại vaccine phòng COVID-19 khác nhau như AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sputnik V… với hiệu quả bảo vệ khác nhau, có loại cao, loại thấp. Vấn đề đặt ra là "hộ chiếu vaccine" của các quốc gia chấp nhận vaccine nào?
Ngoài ra, việc áp dụng hộ chiếu vaccine tùy theo miễn dịch cộng đồng. Các quốc gia có tỉ lệ mắc COVID-19 cao hoặc tiêm phòng diện rộng đương nhiên sẽ có miễn dịch cộng đồng cao. Trong khi đó hiện tỉ lệ tiêm vaccine của Việt Nam chưa đạt theo số lượng yêu cầu. Vì vậy, miễn dịch cộng đồng của người dân Việt Nam thời điểm hiện tại có thể nói là rất thấp, nếu không muốn nói là gần như chưa có. Nếu triển khai "hộ chiếu vaccine" với những người nhập cảnh vào Việt Nam mà chúng ta không quản lý chặt có thể làm lây nhiễm dịch ra cộng đồng, nguy cơ không kiểm soát được. Đến nay, Bộ Y tế cùng nhiều cơ quan đang trao đổi, xây dựng phương án, xem xét triển khai áp dụng với quốc gia nào, áp dụng đa phương, song phương hay đồng thuận giữa các nước, áp dụng với vaccine nào và cách ly ra sao. Đã có những quan điểm thống nhất được đưa ra, như những người được tiêm vaccine đủ theo khuyến cáo nhà sản xuất, nhà chuyên môn có thể được giảm thời gian cách ly.
Có thể thấy rõ ràng rằng hơn lúc nào hết, thế giới đang tập trung mọi nỗ lực nhằm bảo đảm dịch bệnh COVID-19 không tiếp tục lây lan, cướp đi sinh mạng của con người; song song với đó là phục hồi kinh tế và khôi phục lại sự sôi động của giao thương quốc tế. Trong bối cảnh đó, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hộ chiếu vaccine có thể là cơ sở để chúng ta tái thiết hoạt động giao lưu, phá vỡ tình trạng đóng băng của nhiều ngành kinh tế khi đại dịch vẫn đang tiếp diễn. Thêm vào đó, hộ chiếu vaccine cũng có thể là chìa khóa đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường khi nó có thể được cấp cho những người đã tiêm phòng và cho phép họ tham gia các hoạt động cộng đồng, giúp họ yên tâm rằng, người bên cạnh mình cũng đã được tiêm phòng, và do đó, các quốc gia có thể bãi bỏ việc hạn chế/cấm tụ tập đông người, giúp những địa điểm hay hoạt động cộng đồng trở nên an toàn hơn.
Theo khảo sát của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), 81% số người được phỏng vấn có nhu cầu đi lại trở lại sau khi tiêm vaccine. Tuy nhiên, 84% số người được phỏng vấn sẽ không đi đến các quốc gia vẫn áp dụng chính sách cách ly. Hiện Liên minh châu Âu và nhiều quốc gia đã cho phép bay quốc tế không áp dụng cách ly đối với khách đã có hộ chiếu vaccine. Nhiều hãng hàng không, ngành du lịch và kinh tế của nhiều quốc gia đang phục hồi, phát triển nhanh chóng do tiêm vaccine trên diện rộng và áp dụng hộ chiếu vaccine. Qua đó, cũng tăng năng lực cạnh tranh cho ngành Hàng không và du lịch quốc tế.
Đặng Nhật
“Hộ chiếu vaccine” được xem là một trong những giải pháp vực dậy các nền kinh tế |
"Hộ chiếu vaccine" - phao cứu sinh của du lịch thế giới |
Anh có thể hủy kế hoạch dùng hộ chiếu vaccine trong nước |