Việt Nam cam kết gì trong RCEP?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam đạt được mức độ cam kết hài hòa trong RCEP, có cao hơn các FTA ASEAN + hiện có nhưng thấp hơn các FTA thế hệ mới.

Ngày 15/11, 10 thành viên khối ASEAN cùng năm nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đã ký hiệp định thương mại tự do được cho là lớn nhất thế giới với kỳ vọng tạo động lực thúc đẩy kinh tế sau dịch COVID-19. Theo tính toán, 15 thành viên tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chiếm gần một phần ba dân số thế giới và khoảng 29% GDP toàn cầu.

Việt Nam cam kết gì trong RCEP? - 1
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.

Trước khi RCEP được ký kết, ASEAN đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác. Vậy RCEP có khác biệt gì so với các FTA đã có, nhất là với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA? Cam kết của Việt Nam trong RCEP như thế nào?

Trả lời VTC News về nội dung trên, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, các cam kết của Việt Nam trong RCEP được xây dựng trên cơ sở các cam kết của của Việt Nam trong WTO và các hiệp định FTA giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối mà Việt Nam đã cùng ASEAN tham gia, trong khi CPTPP và EVFTA là các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

“RCEP được xây dựng phù hợp với trình độ phát triển của tất cả các nước tham gia, đặc biệt là phù hợp với cả một số nước ASEAN vẫn còn là nước kém phát triển. Do vậy, mặc dù không gian kinh tế rộng hơn, dân số lớn hơn nhưng RCEP cũng có nhiều linh hoạt cho các nước tham gia hơn”, ông Tuấn Anh nói.

Theo người đứng đầu Bộ Công Thương, các nước tham gia RCEP cũng xác định đây là bước đi ban đầu, hướng đến các mức độ hợp tác cao hơn khi các nước đã sẵn sàng.

Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán RCEP, các nước cũng đã nỗ lực và thống nhất được một số lĩnh vực mới chưa được cam kết trong các hiệp định FTA của ASEAN trước kia như thương mại điện tử, chính sách cạnh tranh, mua sắm của Chính phủ, với nội dung và mức cam kết phù hợp với pháp luật hiện hành của Việt Nam và các nước ASEAN khác.

Các nội dung mới này đã có trong các FTA thế hệ mới như CPTPP, hay Hiệp định Thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) nhưng được đề cập ở mức độ cao hơn trong các FTA thế hệ mới này.

“Nhìn chung, Việt Nam đạt được mức độ cam kết hài hòa trong RCEP, có cao hơn các FTA ASEAN + hiện có nhưng thấp hơn các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Nội dung RCEP ngay sau đây sẽ được công bố để các doanh nghiệp nghiệp và các đối tượng khác có quan tâm nghiên cứu”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Về lộ trình thực hiện RCEP, người đứng đầu ngành Công Thương cho hay, trước tiên, các nước sẽ dành một khoảng thời gian để các bên tham gia ký kết thông qua hiệp định, theo dự kiến là khoảng 18 tháng. Trong quá trình phê chuẩn, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động chi tiết để triển khai hiệp định.

Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội, cùng với giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, bộ ngành và địa phương thì sự chủ động và tích cực của doanh nghiệp là quan trọng. Các doanh nghiệp, hiệp hội cần chủ động tìm hiểu thông tin về hiệp định, các thị trường đối tác quan tâm. Đặc biệt, cần thay đổi tư duy kinh doanh, lấy sức ép cạnh tranh là động lực để đổi mới.

“Doanh nghiệp cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn, chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn, chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực”, Bộ trưởng nói.

RCEP khác gì CPTPP? RCEP khác gì CPTPP?
Hiệp định RCEP ý nghĩa gì với Việt Nam Hiệp định RCEP ý nghĩa gì với Việt Nam
15 nước ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực 15 nước ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực
/ vtc.vn