Công nhận vùng ly khai Ukraine, căng thẳng Nga-phương Tây sẽ leo thang đến đâu?

Chuyên gia cho rằng, việc công nhận độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) sẽ đẩy căng thẳng khu vực tăng cao.

Hôm 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh công nhận hai vùng ly khai Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR) ở khu vực Donbass, miền đông Ukraine, là hai quốc gia có chủ quyền độc lập. Động thái này được cho sẽ đẩy quan hệ giữa Nga và Ukraine cũng như tình hình khu vực lên mức độ căng thẳng mới.

Quyết định của Nga

Nhận định về việc Nga công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk của Nga, trả lời VTC News, Đại tá Lê Thế Mẫu - nguyên Trưởng Phòng thông tin Khoa học Quân sự, Viện Chiến lược Quốc phòng cho rằng, quyết định của Tổng thống Nga V.Putin dựa trên cơ sở đề nghị chính thức của lãnh đạo của hai chủ thể này.

Công nhận vùng ly khai Ukraine, căng thẳng Nga-phương Tây sẽ leo thang đến đâu? - 1
Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập đối với hai vùng ly khai Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR).

“Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh 7 năm qua, đặc biệt là trong những ngày gần đây, chính quyền Kiev tiến hành các hoạt động quân sự nhằm vào hai tỉnh Donetsk và Lugansk... Quyết định của Tổng thống Nga V.Putin ngăn chặn hành động phiêu lưu quân sự của chính quyền Kiev”, Đại tá Lê Thế Mẫu nói.

Theo Đại tá Lê Thế Mẫu, quyết định này là câu trả lời của Nga trước chủ trương của Mỹ quyết định kết nạp Ukraine vào NATO, nhằm làm thất bại chiến dịch chiến tranh thông tin của Mỹ và phương Tây cáo buộc Nga “tấn công Ukraine”.

Công nhận vùng ly khai Ukraine, căng thẳng Nga-phương Tây sẽ leo thang đến đâu? - 2

Quyết định này là câu trả lời của Nga trước chủ trương của Mỹ quyết định kết nạp Ukraine vào NATO, làm thất bại chiến dịch chiến tranh thông tin của Mỹ và phương Tây cáo buộc Nga “tấn công Ukraine”.

Đại tá Lê Thế Mẫu

Quyết định của Tổng thống V.Putin được đưa ra trong bối cảnh Nga đề xuất với Mỹ và NATO đàm phán để ký kết Hiệp ước an ninh Mỹ - Nga và Hiệp định an ninh NATO - Nga. Phía Mỹ và NATO đã chính thức bác bỏ các yêu cầu bảo đảm an ninh của Nga đề ra trong dự thảo hai văn kiện này. Trong đó có một trong những yêu cầu then chốt là NATO không được kết nạp Ukraine làm thành viên.

Theo Moskva, Mỹ chủ trương kết nạp Ukraine vào NATO không nhằm bảo an ninh cho quốc gia này mà là sử dụng lãnh thổ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga. Vì thế, Tổng thống V.Putin coi việc Mỹ chủ trương kết nạp Ukraine là lằn ranh đỏ không được vượt qua”, chuyên gia về Nga cho hay.

Chuyên gia nghiên cứu vấn đề quốc tế Hoàng Việt (đến từ Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh), cho rằng quyết định này của Nga đã được dự báo từ trước. Trước đó, các nhà nghiên cứu đặt ra 3 khả năng, một là Nga sẽ tấn công quân sự, hai là sẽ sử dụng lực lượng bên trong (các quốc gia đòi ly khai) để gây áp lực, và cuối cùng là Moskva sẽ tuyên bố công nhận các quốc gia này.

“Khủng hoảng Ukraine thực chất là cuộc đọ sức ảnh hưởng giữa các cường quốc Nga, bên kia là Mỹ và NATO. Đây là động thái của Nga nhằm buộc Mỹ và NATO phải xuống nước, chấp nhận việc không mở rộng NATO về phía Đông, không kết nạp Ukraine. Khi quyết định không sử dụng vũ lực khác để tấn công Ukraine, Nga sẽ dùng con bài khác, đó là công nhận độc lập cho Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk”, chuyên gia Hoàng Việt cho hay.

Công nhận vùng ly khai Ukraine, căng thẳng Nga-phương Tây sẽ leo thang đến đâu? - 3
Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk do phe ly khai lập ra ở vùng Donbass thuộc miền Đông Ukraine từ năm 2014.

Quyết định này có nhiều ý nghĩa với Nga. Đây là đòn đáp trả mạnh mẽ của Nga đối với Ukraine cũng như những quốc gia phương Tây khác khi có những hành động đi ngược lại với lợi ích của Moskva.

“Ukraine đã bị phân mảnh, làm suy yếu khi trong lòng quốc gia này có những vấn đề chưa thể giải quyết. Đây cũng là mục tiêu Nga nhắm tới, muốn tung đòn trừng phạt Kiev. Đồng thời, đây cũng có thể sẽ giúp Nga tạo cớ, có lý do đưa quân vào lãnh thổ Ukraine, thực hiện chiến dịch tấn công nhằm vào nước này.

Các nước ly khai ở phía Đông Ukraine hầu hết nói tiếng Nga, gốc Nga và rất thân Nga. Các nước này sẽ kêu gọi sự hỗ trợ quân sự từ Nga nếu Ukraine sử dụng vũ lực đàn áp khi các quốc gia này đòi ly khai. Điều này tương tự như Nga đã làm với Gruzia năm 2008, cách đây vừa đúng 15 năm khi Nga công nhận 2 nước Cộng hòa Nam Ossetia và Abkhazia - những vùng lãnh thổ trước đó thuộc Gruzia”, nhà nghiên cứu Hoàng Việt nhận định.

Đại tá Lê Thế Mẫu cho rằng, quyết định của Tổng thống Nga V.Putin đã ngăn toan tính của Mỹ sáp nhập Ukraine vào NATO.

“Vì sao vậy? Trong 7 năm qua, chính quyền Kiev không thực hiện Thỏa thuận Minsk 2, thậm chí Tổng thống Ukraine V.Zelensky tuyên bố thỏa thuận này có tác dụng “phá hoại Ukraine”. Tổng thống V. Zelensky còn phê chuẩn Học thuyết quân sự với nhiệm vụ hàng đầu là sử dụng sức mạnh quân sự để giành lại quyền kiểm soát hai tỉnh Donetsk, Lugansk, và “giải phóng” Crimea.

Tổng thống Nga V.Putin nêu tình huống Ukraine gia nhập NATO và chính quyền Kiev sử dụng vũ lực tái chiếm Crimea. Dĩ nhiên Nga sẽ đáp trả và khi đó chiến tranh giữa Nga và NATO sẽ bùng nổ. Chính vì thế, Tổng thống V.Putin buộc phải có biện pháp ngăn chặn”, chuyên gia Lê Thế Mẫu phân tích.

Chuyên gia quân sự Lê Thế Mẫu cho rằng, việc công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk là quyết định “bất đắc dĩ” của Nga, ngăn chặn chiến lược của chính quyền Kiev mở chiến dịch quân sự nhằm vào hai tỉnh Donetsk và Lugansk.

Leo thang quân sự tăng nhiệt?

Nhận định về tình hình Ukraine sau quyết định này, Đại tá Lê Thế Mẫu cho hay, quyết định này của Tổng thống Nga V.Putin sẽ khiến chính quyền Kiev không thể tiến hành chiến dịch quân sự để giành quyền kiểm soát Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk.

Công nhận vùng ly khai Ukraine, căng thẳng Nga-phương Tây sẽ leo thang đến đâu? - 4
Căng thẳng Nga - Ukraine gia tăng sau sự kiện Moskva công nhận độc lập ở vùng ly khai Ukraine.

Đồng thời, chính quyền Kiev phải tiến hành đàm phán với chính quyền Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk để giải quyết thỏa đáng quan hệ song phương. Có thể, lúc này, họ sẽ phải ký kết một thỏa thuận khác trên cơ sở Thỏa thuận Minsk 2 để giải quyết khủng hoảng.

Đồng quan điểm, chuyên gia Hoàng Việt cho rằng khi Nga sử dụng con bài này thì đối đầu quân sự tại Ukraine sẽ giảm song những vấn đề tại nước này sẽ còn kéo dài, khó có thể giải quyết “một sớm một chiều”. Trước mắt, Ukraine đối mặt với thế “tiến thoái lưỡng nan” bởi không sử dụng quân sự đối phó với phe ly khai thì không được, còn trường hợp động binh thì đó sẽ là cái cớ để Moskva tấn công Kiev nếu Nga muốn.

Nói về phản ứng của phương Tây, chuyên gia Hoàng Việt cho rằng Mỹ và NATO cũng chỉ có thể gây áp lực đối với Nga, chứ chưa thể làm được gì trong tình huống này, không thể đem quân vào Ukraine. Bản thân Tổng thống Joe Biden đã nói rõ quan điểm này, Washington sẽ không tham chiến khi Moskva tấn công Ukraine.

“Tình thế hiện nay ở Ukraine đang ở thế giằng co. Mấu chốt của vấn đề Ukraine đó là cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc, cụ thể ở đây là Mỹ và Nga. Mỗi bên có những toan tính riêng, chưa có những nhượng bộ nhau để giải quyết vấn đề. Không bên nào xuống nước trước, cho rằng sẽ thất thế với đối phương nếu nhượng bộ. Mỹ và NATO có viện trợ một số vũ khí cho Ukraine, song đó là những vũ khí thông thường, không thuộc loại hiện đại, tốt nhất.

Đây là cuộc chiến gây áp lực giữa các bên, nếu cuộc chiến nổ ra có nghĩa các bên đã ngửa hết bài không còn gì để gây áp lực lên nhau. Do đó, các bên đều có những toan tính riêng, sử dụng con bài, nước cờ của mình để gây áp lực lên nhau”, ông Hoàng Việt nhận định.

/ vtc.vn