Đó là quan điểm của nhiều đại biểu được đưa ra tại cuộc họp giao ban trực tuyến vừa diễn ra giữa Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Sở GTVT 63 tỉnh, thành phố về công tác vận tải hàng hóa gắn với phòng, chống dịch COVID-19.
63 tỉnh, thành đã cấp hơn 380.000 mã QR Code cho các phương tiện vận tải
Mở đầu cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ thẳng thắn: “Chúng ta đang sống trong hoàn cảnh dịch bệnh rất phức tạp nên mọi hoạt động không thể như trong trạng thái bình thường được, chính vì vậy rất mong doanh nghiệp, chủ phương tiện và đội ngũ lái xe, thuyền viên, người phục vụ trên phương tiện phải hết sức chia sẻ và thống nhất nhận thức với trách nhiệm cao nhất để thực hiện, không để dịch bệnh lây lan do hoạt động vận tải. Bộ GTVT sẽ luôn lắng nghe ý kiến phản ánh, góp ý và nắm bắt những phát sinh trên thực tiễn để điều chỉnh cho phù hợp”.
Thứ trưởng cũng cho hay, việc cấp QR Code đối với phương tiện xe ôtô vận tải hàng hóa là một giải pháp rất hiệu quả trong vấn đề tổ chức giao thông; đây không phải là điều kiện kinh doanh, không phải là một loại giấy phép và không phải là điều kiện bắt buộc để lưu thông. Việc cấp mã QR Code (với đầy đủ thông tin về phương tiện, lộ trình, lái xe và giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực) là để phân loại các phương tiện được ưu tiên lưu thông qua các “luồng xanh” tại chốt kiểm soát cũng như giúp cho các cơ quan quản lý, giám sát việc chấp hành phòng, chống dịch của doanh nghiệp và lái xe; việc kiểm tra đối với phương tiện đã được cấp QR Code theo phương thức xác suất, tiền kiểm, hậu kiểm.
Những phương tiện vận tải hàng hóa chưa được cấp mã QR Code vẫn được lưu thông, tuy nhiên phải chấp hành sự kiểm tra về y tế đối với lái xe và người phục vụ theo xe, kiểm tra việc chấp hành vận chuyển hàng hóa tại các chốt kiểm soát dịch. Các trường hợp lợi dụng chính sách này để trục lợi hoặc vi phạm để chở người, chở hàng hóa cấm, gây lây nhiễm dịch bệnh là hành vi vi phạm pháp luật, cần được tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh, không để dư luận xấu về chính sách của Nhà nước. Việc tổ chức giao thông phải linh hoạt, không được máy móc, cứng nhắc, mọi hoạt động vận tải trong “Vùng xanh” phải được tổ chức bình thường, vấn đề là phải kiểm soát tốt tại ranh giới với “Vùng cam”, “Vùng đỏ” để tránh dịch xâm nhập.
Liên quan đến vấn đề này, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết thêm, 1 tuần gần đây, giao thông trên các tuyến đường bộ cả nước cơ bản thông thoáng, không xảy ra ùn tắc kéo dài, 63 Sở GTVT đã cấp mã QR Code cho tổng cộng 383.111 xe, tuy nhiên số lượng hồ sơ đăng ký rất lớn, trong đó số lượng hồ sơ sai lệch, thiếu thông tin, không đủ điều kiện cũng rất nhiều, dẫn đến có thời điểm thời gian trả kết quả kéo dài. Hiện nay, nhiều tỉnh trong đó có Hà Nội đã lắp camera tại các chốt kiểm soát dịch để quét mã QR code tự động nên lưu thông rất thuận lợi.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang phối hợp với Công ty Viettel để khẩn trương hoàn thiện hệ thống phần mềm cấp “luồng xanh” theo hướng tự động hóa nhằm rút ngắn thời gian cấp; hạn chế sự tham gia của con người; doanh nghiệp, lái xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin khai báo cũng như việc chấp hành quy định vận chuyển khi được hệ thống cấp QR Code.
Bà Hiền cũng nêu, hiện nay các quy định, hướng dẫn về việc khai báo thông tin cấp QR Code, thông tin về các tuyến vận tải được phép lưu thông đã được công bố công khai trên website của Tổng cục cũng như trên các phương tiện thông tin báo chí, đề nghị doanh nghiệp và lái xe chủ động nắm bắt để thực hiện, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng để trục lợi. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và giải thích hướng dẫn nếu có vướng mắc.
Các địa phương cần chủ động gỡ khó cho lưu thông nông sản
Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho hay, tính đến ngày 12/8/2021, vụ Hè Thu tại các tỉnh/thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được 780 nghìn ha với năng suất khoảng 5,8 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 4,524 triệu tấn. Dự kiến thu hoạch rộ trong tháng 8 và dứt điểm vào giữa tháng 9/2021. Tuy nhiên vướng mắc nhất hiện nay đó là việc áp dụng Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh/thành phố phía Nam đã dẫn đến tình trạng tắc nghẽn lưu thông lúa hàng hóa từ ruộng về nhà máy và từ nhà máy ra các cảng xuất khẩu.
Lãnh đạo Bộ này nhấn mạnh thêm, thời gian qua, ngành GTVT đã kịp thời ban hành nhiều giải pháp và nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc để đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hóa, tuy nhiên trong giai đoạn thu hoạch lúa hiện nay, điểm nghẽn nhất do các biện pháp phòng, chống dịch triển khai tại cơ sở cấp xã, cấp thôn, ấp… dẫn đến thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động thời vụ trên đồng, từ người đi thu mua cho đến người gặt lúa, bốc vác xuống ghe.
Đặc thù của khu vực ĐBSCL đó là phải sử dụng ghe, thuyền gia dụng để vận chuyển lúa từ ruộng, đồng song các loại hình phương tiện này hiện không thể di chuyển từ vùng này sang vùng khác, đặc biệt là khu vực kênh, mương thủy lợi nội đồng.
Nhằm tháo gỡ khó khăn trên, ông Lê Đình Thọ cũng bày tỏ quan điểm: Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì vận tải đường thủy là loại hình vận tải hàng hóa có ưu điểm tối ưu và hiệu quả nhất đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh, chính vì vậy hiện nay, tất cả các tuyến vận tải thủy đều được coi là “xanh”, tức là hoạt động bình thường và phải tuân theo quy định phòng, chống dịch của ngành Y tế đối với đội ngũ thuyền viên, tuyệt đối không được lợi dụng để chở người trái phép.
Về vướng mắc theo phản ánh của ngành Nông nghiệp, việc quản lý và cho phép các hoạt động ghe thuyền nhỏ đi trong kênh rạch, tuyến thủy lợi nội đồng là thuộc về thẩm quyền của địa phương; yêu cầu Sở GTVT phải khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh để thống nhất phương án, giải pháp phòng, chống dịch phù hợp để tạo điều kiện cho người dân được ra đồng lao động, vận chuyển máy gặt vào địa phương để thu hoạch cũng như cho phép ghe, thuyền dân sinh, thuyền gia dụng được lưu thông vào các tuyến kênh, mương, hệ thống thủy lợi nội đồng để thu gom lúa gạo.
Đặng Nhật
Thẻ ưu tiên "luồng xanh" vận tải hết hạn được sử dụng tiếp |
Ngành vận tải khách đồng loạt kêu cứu vì Covid-19 |