Vaccine thứ hai Trung Quốc hiệu quả hơn 50%

Viện nghiên cứu Butantan của Brazil tuyên bố vaccine Covid-19 CoronaVac do Sinovac Biotech, Trung Quốc, phát triển, hiệu quả hơn 50% khi thử nghiệm lâm sàng.

Viện này không nói rõ "hiệu quả hơn 50%" cụ thể là bao nhiêu.

Brazil là quốc gia đầu tiên hoàn thành thử nghiệm giai đoạn cuối vaccine CoronaVac nhưng việc công bố kết quả, dự kiến vào tháng 12, đã bị trì hoãn ba lần.

Lần trì hoãn gần đây nhất như cú đánh vào Trung Quốc, vốn đang chạy đua để bắt kịp các nhà sản xuất vaccine phương tây, đồng thời làm tăng thêm chỉ trích rằng vaccine nước này phát triển "thiếu minh bạch".

Giới chức Viện Butantan, bang Sao Paulo, từ chối nêu rõ tỷ lệ hiệu quả từ thử nghiệm với 13.000 tình nguyện viên, với lý do "nghĩa vụ hợp đồng" với Sinovac. Song, Viện Butantan khẳng định vaccine đạt tiêu chuẩn được chấp thuận sử dụng khẩn cấp tại Brazil. Cơ quan quản lý y tế quy định vaccine phải đạt hiệu quả ít nhất 50% để sử dụng trong đại dịch.

"Mục tiêu của chúng tôi cho vaccine là hiệu quả trên 50%. Sản phẩm hiệu quả 51% mang ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng sức khỏe", Jean Gorinchteyn, Bộ trưởng Y tế, cho biết. "Với chúng tôi, đó là khoảnh khắc đáng mừng".

Giới chức cho biết Sinovac yêu cầu hoãn công bố dữ liệu chính xác về hiệu quả vaccine tối đa 15 ngày, kể từ 23/12, trong khi chờ công ty tổng hợp dữ liệu từ thử nghiệm toàn cầu.

Sinovac không đáp lại yêu cầu bình luận về sự kiện.

5712 coronavac 1608768507 2203 1608768570

Vaccine Covid-19 do Sinovac sản xuất. Ảnh: Reuters.

Dimas Covas, Giám đốc Viện Butantan, cho biết không có tình nguyện viêm nào tiêm CoronaVac mắc Covid-19 nghiêm trọng, góp phần vào sự lạc quan về hiệu quả vaccine.

"Không có ca nặng là rất tốt. Điều này hữu ích để chống lại đại dịch", Cristina Bonorino, chuyên gia miễn dịch, thuộc Ủy ban Khoa học của Hiệp hội miễn dịch Brazil, cho biết.

Sinovac là nhà sản xuất vaccine Trung Quốc thứ hai công bố kết quả từ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. Trước đó, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cho biết vaccine từ một đơn vị thuộc Tập đoàn Dược phẩm quốc gia (Sinopharm) hiệu quả 86%. Các sản phẩm từ đối thủ AstraZeneca, Pfizer và Moderna đã có những kết quả tích cực, trong đó Pfizer và Moderna đã được phê duyệt, đang đưa vào tiêm chủng tại Anh, Mỹ.

Từ tháng 7, Trung Quốc đã tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19, bao gồm vaccine do Sinovac phát triển, cho nhóm người có nguy cơ cao, trong phạm vi chương trình sử dụng khẩn cấp.

Sinovac đã đạt được các hợp đồng cung cấp vaccine với vài quốc gia khác trong đó có Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Chile và Singapore, đang đàm phán với Philippines và Malaysia.

Vaccine CoronaVac của Sinovac cho thấy tính an toàn, tuy nhiên lượng kháng thể ở người nhận vaccine thấp hơn so với bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục. Dữ liệu được công bố hôm 17/11, trên tạp chí khoa học hàng đầu Lancet, cho thấy kết quả vaccine sinh kháng thể thấp ở cả hai giai đoạn thử nghiệm ban đầu. Tuy nhiên, lãnh đạo Sinovac vẫn tin rằng vaccine Covid-19 của họ có hiệu quả và đủ khả năng miễn dịch.

Hơn 1 triệu người dân Mỹ đã được tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 Hơn 1 triệu người dân Mỹ đã được tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19
Bác sĩ gốc Việt tiêm vaccine Pfizer: Bác sĩ gốc Việt tiêm vaccine Pfizer: "Hơi đau nhức vùng vai phải"
Nga bất ngờ cắt giảm quy mô nghiên cứu vaccine COVID-19 Nga bất ngờ cắt giảm quy mô nghiên cứu vaccine COVID-19
/ vnexpress.net