Ukraine hết đường giành lại miền Đông?

Thỏa thuận được Tổng thống Nga Vladimir Putin kí kết với phe ly khai Đông Ukraine có nội dung khẳng định Moscow sẽ tham gia nỗ lực bảo vệ biên giới của 2 nước cộng hòa tự xưng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/2 bất ngờ tuyên bố Nga công nhận độc lập đối với Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng do phe ly khai lập ra ở miền Đông Ukraine từ năm 2014, bất chấp cảnh báo từ phương Tây.

Ukraine

Khoảnh khắc ông Putin kí sắc lệnh công nhận DPR và LPR

Nhà lãnh đạo Nga cũng ra sắc lệnh yêu cầu quân đội Nga triển khai binh sĩ tới DPR và LPR vì mục đích "gìn giữ hòa bình", đồng thời ký kết các hiệp ước hữu nghị với lãnh đạo hai nước cộng hòa tự xưng này, trong đó coi LPR và DPR gần như đồng minh của Nga.

Theo thông tấn Ria Novosti của Nga, nội dung hai hiệp ước khá tương đồng và chúng đã được đệ trình lên Quốc hội Nga để phê chuẩn, trong đó có điều khoản đáng chú ý nhất là "việc bảo vệ biên giới của các nước cộng hòa sẽ được thực hiện bằng nỗ lực chung của các bên".

Reuters nói rằng văn kiện cũng có nội dung, các bên sẽ ký các thỏa thuận riêng biệt về hợp tác quân sự và công nhận biên giới của nhau. Vấn đề biên giới có ý nghĩa quan trọng vì phe ly khai tuyên bố chủ quyền đối với các khu vực hiện được cộng đồng quốc tế công nhận là lãnh thổ Ukraine.

Nhiều hãng tin quốc tế lo ngại điều khoản này có nghĩa là Ukraine sẽ không thể giành lại phần lãnh thổ miền Đông này từ phe ly khai, bởi gần như chắc chắn họ sẽ vấp phải phản ứng cương quyết của Nga.

Ngoài ra, các hiệp ước cho phép các bên "xây dựng và sử dụng các căn cứ quân sự trên lãnh thổ của nhau", có nghĩa là Nga được phép xây dựng các căn cứ quân sự tại 2 khu vực ly khai Donetsk, Lugansk ở Đông Ukraine và phe ly khai cũng có thể làm điều tương tự ở Nga.

Văn kiện đồng thời quy định việc "bảo vệ bản sắc dân tộc, ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo của các dân tộc". Văn kiện này còn cho phép Nga, LPR và DPR hội nhập về kinh tế. Các hiệp ước có hiệu lực trong vòng 10 năm và sẽ tự động gia hạn 5 năm trừ khi ít nhất một bên có ý kiến khác.

Ngay sau quyết định của Nga, người dân ở các khu vực ở DPR và LPR xuống đường bắn pháo hoa, diễu hành ăn mừng. Trong khi đó, Ukraine và phương Tây đã chỉ trích Moscow. Mỹ cùng ngày công bố lệnh trừng phạt tài chính đối với DPR và LPR và dự kiến áp trừng phạt với Nga ngày 22/2.

Nga "không ngán" hậu quả sau khi công nhận 2 vùng ly khai Ukraine

Trước khả năng phương Tây ban bố trừng phạt chống Nga, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin nhấn mạnh Moscow đã sẵn sàng đối phó với hậu quả của việc công nhận 2 vùng ly khai ở Đông Ukraine.

Ukraine

Thủ tướng Nga Mishustin. Ảnh: Reuters

"Chúng tôi đã chuẩn bị nhiều tháng cho phản ứng có thể xảy ra với việc công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LNR) tự xưng… đồng thời phân tích mọi rủi ro có thể phải đối mặt", Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ngày 21/2 phát biểu tại Hội đồng An ninh Nga, TASS đưa tin.

Theo ông Mikhail Mishustin tất cả rủi ro có thể xảy ra đã được xem xét một cách thẳng thắn. "Chúng tôi hiểu các vấn đề, đặc biệt là về nhập khẩu công nghệ cao và một số vấn đề khác", người đứng đầu nội các Nga khẳng định.

Thái Hà

Tổng thống Putin nêu điều kiện giải quyết tình hình Ukraine Tổng thống Putin nêu điều kiện giải quyết tình hình Ukraine
Tương lai Đông Ukraine ra sao sau quyết định của ông Putin? Tương lai Đông Ukraine ra sao sau quyết định của ông Putin?
Cuộc sống bấp bênh của người dân ở miền Đông Ukraine Cuộc sống bấp bênh của người dân ở miền Đông Ukraine
/ cand.com.vn