Trung Quốc phủ bóng chuyến công du đầu tiên của Biden

Trung Quốc sẽ là chủ đề xuyên suốt các cuộc họp trong chuyến công du của Biden, tuy nhiên, các nước châu Âu không quá mặn mà về chính sách "diều hâu" với Bắc Kinh.

Trong khi hầu hết lãnh đạo hàng đầu của châu Âu mong muốn Joe Biden chiến thắng trong cuộc bầu cử năm ngoái, những tháng đầu tiên của ông trên cương vị tổng thống Mỹ đã khiến một số người thất vọng và lo lắng.

Ông đã duy trì một số chính sách ít được ưa chuộng của cựu tổng thống Trump, bao gồm lệnh cấm đi lại đối với công dân châu Âu và thuế quan đối với hàng hóa do EU sản xuất, trong khi đột ngột đơn phương cam kết xóa bỏ các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19, động thái nhiều nước châu Âu phản đối.

Trung Quốc phủ bóng chuyến công du đầu tiên của Biden

Joe Biden vẫy tay chào trước khi lên máy bay ở Mỹ ngày 9/6 để bắt đầu công du châu Âu. Ảnh: AFP.

Châu Âu cũng lo ngại rằng Biden đang có cách tiếp cận "diều hâu" với Trung Quốc, được nhiều người coi là còn cứng rắn hơn Trump. Tuy nhiên, ông làm điều đó thông qua các cam kết về thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, khiến các lãnh đạo EU cảm thấy khó nói "không" với ông, mặc dù họ muốn một cách tiếp cận cân bằng hơn đối với Bắc Kinh.

"Khi chúng tôi nói chuyện với các đại sứ quán của các nước tây và trung đông Âu, chúng tôi phát hiện người châu Âu cảm thấy hơi thất vọng về vài tháng cầm quyền đầu tiên của Biden trong một số khía cạnh nhất định", Benjamin Haddad , giám đốc Trung tâm châu Âu tại Hội đồng Đại Tây Dương, tổ chức nghiên cứu tại Mỹ, nói.

Ngày 10/6, Biden đến châu Âu trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên với tư cách tổng thống, tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU - Mỹ đầu tiên kể từ năm 2014, Hội nghị thượng đỉnh G7 trực tiếp đầu tiên kể từ năm 2019 và Hội nghị thượng đỉnh NATO trực tiếp đầu tiên kể từ năm 2018.

Trung Quốc sẽ nằm ở vị trí cao trong chương trình nghị sự của Biden. Trong cuộc họp báo trước chuyến đi, giám đốc cấp cao về các vấn đề châu Âu của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Amanda Sloat cho biết trọng tâm chuyến công du sẽ bao gồm Covid-19, khí hậu và Trung Quốc.

Cựu quan chức quốc phòng Mỹ Barry Pavel nói: "Vấn đề Trung Quốc sẽ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi cuộc họp trong chương trình nghị sự của ông ấy", bao gồm cả cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tuần tới.

Trước sự lo lắng của các nước châu Âu, các phụ tá Nhà Trắng và nhà phân tích mong Biden sẽ có giọng điệu mềm mỏng hơn, tập trung nhiều hơn vào việc thúc đẩy mối quan hệ thân thiện hơn là công kích gay gắt.

"Tôi cho rằng chính quyền Biden sẽ thúc đẩy ngôn ngữ mạnh mẽ và các cam kết cứng rắn, nhưng tôi nghĩ họ nhận ra sẽ dễ lấy lòng châu Âu hơn nếu G7 nhấn mạnh một câu chuyện kinh tế tích cực, thay vì nhấn mạnh lập trường chống Trung Quốc", Noah Barkin, nhà phân tích về quan hệ EU - Trung Quốc tại Quỹ Marshall Mỹ, đánh giá.

EU lo lắng rằng ba năm sau, một số hình thức của chủ nghĩa biệt lập kiểu Trump sẽ quay trở lại Mỹ. Họ lo rằng Biden, chứ không phải Trump, mới là kiểu lãnh đạo không tồn tại được lâu trong chính trường Mỹ.

Điều này được phản ánh qua việc EU và Trung Quốc ký kết thỏa thuận đầu tư vào tháng 12/2020. Mặc dù nó đã bị Nghị viện châu Âu "đóng băng" vào tháng 5, Brussels coi đây là công cụ quan trọng để đạt được "tự chủ chiến lược", nhằm không bị Washington kéo lún sâu vào chính sách "diều hâu" với Trung Quốc.

Bình luận từ Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel trong tuần này cho thấy mặc dù thỏa thuận gây tranh cãi, các quan chức hàng đầu vẫn ủng hộ nó. "Tôi biết rằng có một cuộc tranh luận dân chủ ở châu Âu về thỏa thuận đầu tư này, nhưng cá nhân tôi tin rằng đây là bước đi đúng hướng", ông nói.

Nhiều người dự đoán rằng trong khi Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan chắc chắn sẽ nằm trong trong chương trình nghị sự của G7 và NATO, phần lớn thông điệp sẽ chỉ đề cập gián tiếp.

Trọng tâm thảo luận của G7 được kỳ vọng sẽ là Sáng kiến Xanh Sạch - đối thủ "xanh" của Sáng kiến Vành đai và Con đường, chiến dịch cơ sở hạ tầng khổng lồ đã giúp Trung Quốc gia tăng phạm vi ảnh hưởng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, họ cũng ít khả năng nhắc trực tiếp đến Trung Quốc.

EU từ lâu đã ưa thích cách tiếp cận này và đang tiến hành thay đổi các chính sách thương mại và công nghiệp theo hướng đối trọng Trung Quốc mà không nhắc đến tên nước này.

Hồi tháng 5, họ đề xuất các quy tắc mới nhằm ngăn các công ty Trung Quốc được nhà nước trợ cấp tích lũy tài sản chiến lược của châu Âu và cải tiến chính sách công nghiệp để củng cố chuỗi cung ứng của khối, nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền kinh tế châu Âu.

Tuần trước, các quốc gia thành viên nhất trí về một công cụ quốc tế sẽ thúc đẩy cung cấp cho các công ty châu Âu quyền tiếp cận thị trường mua sắm công của các nước thứ ba giống như điều các công ty nước ngoài được hưởng ở châu Âu, một lần nữa nhằm vào Trung Quốc mà không đề cập đến họ.

Trong một loạt hoạt động ngoại giao tuần tới, EU và Mỹ dự kiến đạt được tiến bộ trong kế hoạch thiết lập hội đồng thương mại và công nghệ mà Brussels đã thúc đẩy trong một thời gian, cam kết thực hiện các biện pháp cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới và giải quyết tranh chấp thuế quan Boeing - Airbus tồn đọng từ thời Trump.

Tại G7, nước chủ nhà Anh sẽ thúc đẩy chủ đề phục hồi kinh tế, các kế hoạch phục hồi hậu Covid-19 chung, củng cố nền dân chủ và bảo vệ chuỗi cung ứng thay vì trực tiếp tập trung quá nhiều vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, Julia Friedlander, cựu giám đốc phụ trách EU tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết Trung Quốc vẫn là chủ đề đằng sau tất cả thảo luận.

"Có những vấn đề lớn khác - đại dịch, biến đổi khí hậu, phục hồi kinh tế, nhưng Trung Quốc sẽ là trung tâm của tất cả cuộc họp này. Tôi nghĩ đây thực sự là phép thử đầu tiên liệu các nước có thể gửi đi thông điệp đa phương về Trung Quốc hay có thể thực hiện hành động tập thể để đẩy lùi Trung Quốc hay không", ông nói.

Bình luận của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 7/6 cho thấy thông điệp từ Hội nghị Thượng đỉnh NATO vào đầu tuần tới có thể thẳng thừng hơn. "Chúng tôi cần làm việc với Trung Quốc về các vấn đề như kiểm soát vũ khí và biến đổi khí hậu, do đó Trung Quốc không phải là đối thủ", Stoltenberg nói, nhưng "họ không chia sẻ các giá trị của chúng tôi".

Dù vậy, các nhà phân tích cũng cho rằng NATO sẽ có những động thái mang tính biểu tượng đối với Trung Quốc hơn là thực hiện hành động.

"Hội nghị thượng đỉnh G7 và NATO sẽ mạnh về tính biểu tượng nhưng sẽ không quá công khai đối đầu với Trung Quốc và Nga", Andrew Bishop, trưởng bộ phận nghiên cứu chính sách toàn cầu của công ty Signum Global Advisers, viết.

Phương Vũ (Theo SCMP)

Trung Quốc chưa thoát Covid-19 Trung Quốc chưa thoát Covid-19
Lầu Năm Góc ban hành chỉ thị đối phó Trung Quốc Lầu Năm Góc ban hành chỉ thị đối phó Trung Quốc
Máy thở Trung Quốc bị nghi gây cháy trong bệnh viện Nga Máy thở Trung Quốc bị nghi gây cháy trong bệnh viện Nga
/ vnexpress.net