Tranh luận tổng thống Mỹ có tác động như thế nào?

Tranh luận tổng thống Mỹ là cơ hội để cử tri hiểu hơn về tính cách, cách lãnh đạo của ứng viên và định đoạt thắng thua trong một số cuộc bầu cử.

Tranh luận tổng thống Mỹ có nguồn gốc từ 7 cuộc tranh luận giữa Abraham Lincoln và Stephen Douglas khi tranh cử ghế thượng nghị sĩ Illinois năm 1858. Nguyên nhân dẫn đến tranh luận là Lincoln đã "theo chân" Douglas trên hành trình vận động quanh bang. Cứ vài ngày sau khi Douglas có bài phát biểu tại một địa điểm nhất định, Lincoln cũng sẽ làm vậy. Douglas cuối cùng đồng ý đứng chung sân khấu với Lincoln để tranh luận 7 lần, mỗi lần trong ba giờ về các vấn đề đạo đức và kinh tế xoay quanh chế độ nô lệ.

Cuối cùng, Lincoln không chiến thắng. Tuy nhiên, những lời tranh luận của ông được chia sẻ trên khắp cả nước và trở thành bàn đạp đưa Lincoln vào Nhà Trắng hai năm sau đó.

1133 biden trump ap gty er 190429 h 6940 5575 1601023186

Tổng thống Mỹ Trump (phải) và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden. Ảnh: AP.

Năm 1960, Mỹ lần đầu tiên tổ chức tranh luận tổng thống và bắt đầu từ năm 1976, hoạt động này được tổ chức vào mỗi mùa bầu cử. Năm nay Mỹ tổ chức ba cuộc tranh luận tổng thống vào 29/9, 15/10 và 20/10. 6 chủ đề trong cuộc tranh luận đầu tiên là hồ sơ của Donald Trump và Joe Biden, Tòa án Tối cao, kinh tế, đại dịch Covid-19, vấn đề chủng tộc và bạo lực ở các thành phố, và tính toàn vẹn của bầu cử.

Các cuộc tranh luận tổng thống của Mỹ thường chỉ bao gồm hai ứng viên chính đảng, mặc dù tên của các ứng viên đảng khác và ứng viên độc lập vẫn xuất hiện trên lá phiếu. Vì Covid-19, các cuộc tranh luận năm nay có thể quan trọng hơn so với các năm trước đó vì ứng viên có ít cơ hội tham gia các sự kiện vận động trực tiếp hơn.

Đôi khi tranh luận tổng thống không có nhiều tác động đến kết quả bầu cử. Tuy nhiên, nó được coi là đã đóng vai trò quan trọng làm nên chiến thắng cho John F. Kennedy. Kennedy đã giành được thiện cảm từ khán giả truyền hình với vẻ ngoài điển trai và khả năng lập luận lưu loát, rành rọt trong khi Richard M. Nixon toát mồ hôi và trông rất căng thẳng. Sau cuộc tranh luận, khán giả truyền hình nghiêng về Kennedy trong khi các cuộc thăm dò cho thấy những người nghe tranh luận trên đài phát thanh, tức chỉ nghe tiếng chứ không xem hình, nghiêng về Nixon. Kennedy là người đắc cử.

Trong khi đó, vào mùa bầu cử năm 2004, thượng nghị sĩ John Kerry được cho là thể hiện tốt hơn trong tranh luận và kết quả thăm dò cũng cho thấy ông dẫn trước đối thủ, mặc dù từng yếu thế hơn trước khi các cuộc tranh luận bắt đầu. Nhưng cuối cùng, George W. Bush tái đắc cử nhiệm kỳ hai.

Việc phân tích ảnh hưởng chính xác của các cuộc tranh luận đối với cử tri là rất khó, nhưng rõ ràng "chúng có ý nghĩa quan trọng", Kathleen Hall Jamieson, giám đốc Trung tâm Chính sách Công Annenberg tại Đại học Pennsylvania, nói. "Đây là cơ hội duy nhất trong mùa bầu cử để so sánh hai ứng viên khi họ trả lời cùng một vấn đề tại cùng một nơi. Bạn có thể hiểu được tính khí và khả năng ứng biến của họ".

Ngoài việc cho cử tri thấy tích cách của các ứng viên, các cuộc tranh luận cũng giáo dục cho cử tri Mỹ về các vấn đề nổi cộm và giúp họ hiểu lập trường của các ứng viên, Bill Benoit, giáo sư về nghiên cứu truyền thông tại Đại học Alabama ở Birmingham, cho biết. Ông nói rằng các nghiên cứu cho thấy những người xem tranh luận hiểu nhiều về các vấn đề hơn những người không xem.

"Các cuộc tranh luận đúng là làm thay đổi lựa chọn bỏ phiếu của một số cử tri, nhưng thường là chúng khiến cử tri củng cố quan điểm về một chiến dịch hơn", Benoit nói. "Tranh luận không phải là yếu tố đơn lẻ định đoạt một chiến dịch sẽ thua hay thắng, nhưng nó chắc chắn củng cố hoặc làm suy yếu một chiến dịch".

Điều khác xa so với thời Lincoln là khán giả giờ đây dễ bị ảnh hưởng bởi những quan điểm trên mạng xã hội khi xem tranh luận hơn, Benoit nói thêm.

Sau mỗi phiên tranh luận, những phát ngôn ấn tượng và những lời công kích gay gắt thường được truyền thông chú ý. Khi tranh luận năm 2016, Trump liên tục nói kháy, đào bới đời tư và dọa bỏ tù Clinton vì bê bối sử dụng email riêng tư để xử lý công vụ. Trump còn gọi đối thủ là "người đàn bà xấu xa" và "con rối", khiến ông bị nhiều người lên án sau phiên tranh luận.

Trong khi đó, Clinton nhấn mạnh ưu thế của mình là người dày dặn kinh nghiệm chính trị trong khi Trump là "kẻ ngoại đạo" thiếu hiểu biết. Bà cũng xoáy sâu vào bê bối miệt thị phụ nữ của ông. Các cuộc thăm dò sau tranh luận cho thấy Clinton được ủng hộ nhiều hơn Trump. Tuy nhiên, Trump là người đắc cử.

Richard Vatz, học giả từ Đại học Towson, cho rằng vào năm 2016, sự yêu hay ghét của cử tri với Trump và Clinton đã quá rõ ràng nên các cuộc tranh luận ít có tác động đến lá phiếu.

Tranh luận tổng thống giúp cử tri "xem trước" các ứng viên sẽ điều hành đất nước như thế nào. Mặc dù nhiều người phàn nàn các chính trị gia không giữ lời hứa chiến dịch tranh cử, Jamieson nói rằng bằng chứng cho thấy điều ngược lại. Trung bình các tổng thống cố gắng thực hiện 60% lời hứa tranh cử.

Cuộc tranh luận năm 1980 là một ví dụ điển hình. Đương kim tổng thống khi đó, Jimmy Carter đưa ra được nhiều dữ liệu nhưng không thể kết nối với nhiều khán giả. Trong khi đó, Ronald Reagan, từng là diễn viên điện ảnh, thì ngược lại. Ông giỏi kể những câu chuyện kết nối với công chúng nhưng không đi vào chi tiết.

Những điểm mạnh và điểm yếu đó đã được phản ánh trong cách họ lãnh đạo đất nước, Jamieson nói.

Reagan là một bậc thầy về phát ngôn tranh luận và ông đã đắc cử sau khi đặt câu hỏi: "Các bạn có khá giả hơn 4 năm trước không?".

Cựu cố vấn Nhà Trắng từng thảo luận việc Trump từ chối rời nhiệm sở Cựu cố vấn Nhà Trắng từng thảo luận việc Trump từ chối rời nhiệm sở
Vì sao Nga không thích ông Biden đắc cử Tổng thống Mỹ? Vì sao Nga không thích ông Biden đắc cử Tổng thống Mỹ?
Tỷ phú xây Tỷ phú xây "cỗ máy in tiền" chống Trump
/ vnexpress.net