Đã có rất nhiều trường hợp bị nộp phạt với mức lên đến hàng chục triệu đồng nhưng tin giả, tin gây hoang mang trên mạng xã hội vẫn chưa giảm, thậm chí có chiều hướng gia tăng. Người tham gia mạng xã hội, người tiếp cận thông tin và cả cơ quan chức năng cần làm gì để ngăn chặn?
Viết 9 chữ “nói đùa” bị phạt…10 triệu
Ngày 12.3, câu chuyện có phần hy hữu đã xảy ra ở Hà Tĩnh. Công an huyện Hương Khê cho hay, vào lúc 22 giờ ngày 9.3, anh H tới nhà anh T chơi, thấy anh T đi vệ sinh nhưng để quên điện thoại trên bàn. Anh H đã lấy điện thoại này để đăng một dòng trạng thái chỉ có 9 chữ: Cô rô na đã có mặt ở Lộc Yên. Sau ít phút, anh T cầm điện thoại và phát hiện ra chuyện này bèn nhanh chóng xoá đi.
Hôm sau, công an huyện Hương Khê triệu tập anh T. Tại đây, T khai ra H và anh này cũng bị triệu tập. Tại cơ quan công an, H thừa nhận là chỉ trêu anh T cho… vui và nghĩ rằng chỉ vài phút rồi xoá thì không ảnh hưởng gì. Kết quả là anh H trú tại xã Lộc Yên đã bị phạt 10 triệu đồng.
Một dòng trạng thái trên Facebook với mục đích trêu đùa, thời gian tồn tại cũng rất ngắn nhưng kết cục lại không đùa chút nào. Đó sẽ là bài học cay đắng cho cả hai thanh niên khi tham gia mạng xã hội.
Cũng trong ngày 12.3, Công an thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh), cho biết đơn vị tiến hành xác minh, xử phạt hành chính số tiền 25 triệu đồng đối với 3 đối tượng sử dụng các tài khoản Facebook “Nhung Bui”, “Quynh Lê”, “Tho Xinh Tho Xinh” đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật liên quan đến dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, chủ tài khoản Facebook “Nhung Bui” đăng tải nội dung “Trung tâm Y tế Thị xã Quảng Yên người dân đến khám phải nộp 200.000 đồng mới được khám về bệnh Corona”; chủ tài khoản Facebook “Quỳnh Lê” và chủ tài khoản Facebook “Tho Xinh Tho Xinh” cùng chia sẻ nội dung “Gần trường tiểu học phường Phong Hải có người nhiễm dịch rồi, anh em ở tâm dịch đừng mang dịch về Việt Nam, chồng chết do dịch mẹ con kéo nhau về Việt Nam, sốt thì không báo cho y tế sợ bị cách ly”.
Tại cơ quan công an, cả 3 người này thừa nhận hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin không đúng sự thật. Công an Thị xã Quảng Yên đã củng cố hồ sơ, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 25 triệu đồng đối với 3 trường hợp trên.
Chưa hết, tại Hà Nội, cũng trong ngày 12.3, Công an huyện Ba Vì cho biết, đơn vị đã ra quyết định xử phạt trường hợp L.H.T (trú tại Phú Phương, Ba Vì) về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến dịch bệnh COVID-19.
Tại cơ quan Công an, L.H.T thừa nhận đó là thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng, do thiếu hiểu biết nên mới đăng tải trên Facebook cá nhân.
Đó chỉ là vài vụ việc bị xử lý chỉ trong một ngày. Trong đó, đa số các cá nhân khi đăng thông tin chỉ đơn giản với mục đích câu like, share chứ không phải mục đích lợi dụng để bán hàng, kiếm lợi nhuận.
Ngăn chặn virus tin giả và trách nhiệm chung
Trao đổi về vấn đề này với PV Lao Động, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ - Ủy viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh thông tin trên mạng xã hội truyền đi một cách nhanh chóng thì việc xác định, thẩm định thông tin thật giả là điều rất quan trọng.
Điểm lại một số vụ việc tin đồn gây ảnh hưởng, đặc biệt những thông tin, tin đồn liên quan tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thông tin chính khách trong thời gian qua gây xôn xao dư luận, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ cho hay, cách tốt nhất để dập tắt tin đồn đó là “đưa ra thông tin chính thức, thông tin chính thống”.
Các cơ quan chức năng cần xác định đó là nhiệm vụ cũng là trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí để đưa thông tin, phản ánh đến bạn đọc, đây là điều rất cần thiết.
“Có hai điều cần phải lưu ý, đó là cần minh bạch thông tin một cách kịp thời, nhanh chóng và rõ ràng để tránh xuất hiện tin đồn thất thiệt. Trong phạm vi thông tin được công bố, chúng ta cần phải làm ngay. Thứ hai đó là cần phải xử lý nghiêm những phần tử làm lộ, lọt thông tin, những thông tin thất thiệt gây hoang mang trong dư luận” - Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ nhấn mạnh.
Trên thực tế, khi thông tin chính thống từ cơ quan chức năng chưa kịp thời, chưa đáp ứng được nhu cầu nắm bắt thông tin của xã hội về vấn đề nóng thì “khoảng trống” ấy chính là môi trường thuận lợi để tin giả hoành hành.
Đơn cử, câu chuyện về việc chậm công bố trường hợp dương tính với SASR-CoV-2 của bệnh nhân Ng, số 35 tại Đà Nẵng.
Cụ thể, Sau hơn 4 ngày tiếp xúc trực tiếp với 2 du khách người Anh tại nơi làm việc - cửa hàng Điện máy xanh, ngày 8.3 bệnh nhân Ng đã sốt cao và có biểu hiện mắc dịch COVID-19 nên đến thăm khám ở bệnh viện Đà Nẵng. Ng được cho ngoại trú. Ngày 9.3, khi biết 2 du khách Anh mà mình tiếp xúc trước đó dương tính với SASR-CoV-2, Ng mới quay lại BV Phổi và được thu dung, cách ly. Ngay thời điểm này, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC) đã lấy mẫu, xét nghiệm.
Ngày 10.3 đã có ngay kết quả bệnh nhân Ng đã dương tính với SASR-CoV-2. Nhưng theo quy định của Bộ Y tế, Đà Nẵng không được công bố kết quả xét nghiệm này. Dù từ 6.3, Bộ Y tế đã cho phép Đà Nẵng, Huế và một số địa phương khác được thực hiện xét nghiệm chẩn đoán bệnh viêm đường hô hấp cấp do chuẩn mới vius Corona (COVID-19) gây ra. Nhưng khi phát hiện dương tính với virus SASR-CoV-2 thì phải chuyển mẫu đến Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm khẳng định. Và việc công bố cũng phụ thuộc vào Bộ Y tế.
Đến trưa 11.3, Bộ Y tế mới chính thức công bố bệnh nhân Ng là số 35. Khoảng thời gian hơn một ngày chính là khoảng trống để “nuôi dưỡng”, tạo điều kiện cho tin đồn thất thiệt sinh sôi và lan tràn. Nhiều gia đình, trong đó có các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng đã khốn đốn vì tin giả cho rằng họ mắc dịch COVID-19.
Rõ ràng, việc nhanh chóng hơn trong quy trình và chủ động công bố ngay kết quả xét nghiệm, trong trường hợp bệnh nhân dương tính với virus SASR-CoV-2 sẽ giúp địa phương nhanh chóng thực hiện các biện pháp can thiệp y tế, cách ly, đồng thời giúp nhân dân đủ thông tin để phòng, chống dịch COVID-19. Một mặt góp phần quan trọng để chống tin giả, tin đồn thổi thất thiệt.
Không thể không kể đến những KOLs - những người có ảnh hưởng lớn tới người sử dụng mạng xã hội. Vai trò của KOL cũng rất lớn bởi sức ảnh hưởng của những thông tin mà họ đưa ra. Khi xác định là một KOL thì trách nhiệm về thông tin phải cao hơn gấp nhiều lần so với người dùng mạng xã hội thông thường.
Và quan trọng hơn cả, chính là những người tiếp cận thông tin. Phải là người dùng mạng xã hội thông minh, biết tự nhận biết và nhận định những thông tin không chính xác để không lan truyền thông tin giả và tham gia phát hiện tin giả.
Nói không với tin giả chính là tham gia mạng xã hội có trách nhiệm, đặc biệt là trong bối cảnh cả nước đang chung tay chống dịch COVID-19 như hiện nay.
Quy định của pháp luật về tung tin giả
Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm như cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước… với mức phạt 10-20 triệu đồng
Từ ngày 15.4.2020, các quy định tại Nghị định 174/2013/NĐ-CP sẽ được thay thế bởi Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Theo đó, tại Điều 101 Nghị định này quy định rõ hơn về mức phạt đối với hành vi tung tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội, cụ thể: Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; Ngoài việc phạt tiền, người có hành vi vi phạm buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
Ngoài phạt tiền, nghị định cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.
Đối với người có hành vi vi phạm như tung tin giả mạo, không đúng sự thật về dịch bệnh COVID-19 trước ngày 15.4.2020, nhưng bị lập biên bản vi phạm hành chính từ ngày 15.4.2020 thì áp dụng Nghị định 15/2020/NĐ-CP để xử phạt (theo khoản 2 Điều 123 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).
Quy định của pháp luật về tung tin giả
Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm như cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước… với mức phạt 10-20 triệu đồng
Từ ngày 15.4.2020, các quy định tại Nghị định 174/2013/NĐ-CP sẽ được thay thế bởi Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Theo đó, tại Điều 101 Nghị định này quy định rõ hơn về mức phạt đối với hành vi tung tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội, cụ thể: Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; Ngoài việc phạt tiền, người có hành vi vi phạm buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
Ngoài phạt tiền, nghị định cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.
Đối với người có hành vi vi phạm như tung tin giả mạo, không đúng sự thật về dịch bệnh COVID-19 trước ngày 15.4.2020, nhưng bị lập biên bản vi phạm hành chính từ ngày 15.4.2020 thì áp dụng Nghị định 15/2020/NĐ-CP để xử phạt (theo khoản 2 Điều 123 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).
Nhóm PV
Xem xét khởi tố người tung tin sai về Covid-19 tại phố Trúc Bạch
Phó giám đốc công an Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm, khởi tố nếu đủ điều kiện đối tượng tung tin sai sự thật ... |
Hà Nam: Phạt chủ tài khoản Facebook đăng tải văn bản giả cho học sinh nghỉ học hết tháng 3
Cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam xác định văn bản UBND tỉnh Hà Nam đề nghị kéo dài thời gian nghỉ học của học ... |
Cảnh giác với tin giả liên quan đến virus corona trên Facebook
Một loạt vụ tung tin giả trên Facebook liên quan đến dịch bệnh virus corona khiến không ít người dân hoang mang. |