Mỹ và Trung Quốc đều được cho là sẽ áp dụng lập trường cứng rắn và vạch ra ranh giới của mình trong cuộc gặp ngày 18/3 ở Alaska.
Tháng 6/2020, khi Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì gặp Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Mike Pompeo tại Hawaii, các bài phát biểu từ hai bên giống như đến từ những "vũ trụ song song", rất khác biệt. Một tháng sau, căng thẳng tiếp tục leo thang khi các cơ quan đại diện ngoại giao ở cả hai nước được lệnh đóng cửa.
Tuần này, ông Dương một lần nữa đến gặp các đối tác Mỹ, nhưng là để gặp người kế nhiệm của ông Pompeo là Antony Blinken.
Đi cùng hai nhân vật trên còn có Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan. Với những tín hiệu tích cực thoáng qua từ cả hai phía, các nhà quan sát tin rằng có khả năng hội nghị thượng đỉnh ở Anchorage, Alaska sẽ mang lại một số tiến triển nhất định, và hai bên cũng có khả năng thay đổi các lập trường.
Lằn ranh đỏ
Sourabh Gupta, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc-Mỹ ở Washington cho biết: “Tôi dự đoán họ sẽ nhắc lại một cách chắc chắn về những gì mình quan tâm và những ranh giới đỏ (những vấn đề khó nhượng bộ), nhưng cũng sẽ nỗ lực trấn an bên kia”.
“Mức độ những mối quan tâm này và những ranh giới đỏ sẽ chi phối cuộc trò chuyện ở Anchorage”.
Ngoại trưởng Vương Nghị tuần trước tại cuộc họp báo thường niên đã nhắc đến những "ranh giới" này, trong đó bao gồm vấn đề Đài Loan, Biển Đông, Tân Cương và Hong Kong.
Tuy nhiên, tất cả những vấn đề này gần như chắc chắn sẽ nằm trong danh sách thảo luận của Mỹ, theo Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington.
Ông Antony Blinken và ông Vương Nghị trong một cuộc gặp năm 2015. |
Bà Yun Sun nói: “Đây có nhiều khả năng là dịp mà hai bên nhắc lại lập trường của mình và bày tỏ quan ngại về các chính sách của bên kia".
“Các vấn đề nhân quyền, bao gồm cả Tân Cương và Hong Kong, chắc chắn sẽ nằm trong chương trình nghị sự của Hoa Kỳ, và tôi không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ có thể làm gì về những vấn đề đó”.
Hôm 12/3, ông Sullivan thông báo ngắn gọn với giới truyền thông về cuộc họp. Ông nói rằng Washington coi hầu hết các vấn đề mà ông Vương Nghị cảnh báo cần tránh là liên quan đến “các lợi ích và giá trị cơ bản” của Mỹ.
Ngoài ra, ông Sullivan nói thêm rằng Mỹ lo ngại về cuộc đối đầu gần đây của Trung Quốc với Australia, tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông và xung đột biên giới với Ấn Độ.
Gupta cho rằng Mỹ có thể cố gắng ngăn cản Trung Quốc thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan, ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời thúc đẩy nước này phải có hành động về vấn đề gián điệp thương mại, tấn công trên không gian mạng và những gì họ coi là hành vi không công bằng trong lĩnh vực công nghệ cao. Nhưng có những giới hạn đối với những gì họ có thể làm trong các lĩnh vực khác.
“Mặt khác, đối với Tân Cương và Hong Kong, chính quyền Biden có thể nói rõ sự bất bình nhưng không quá khắt khe trong việc đặt ra ranh giới đỏ”, Gupta nói.
“Lý do là họ có thể thể hiện các giới hạn đỏ của mình bằng chính sách trừng phạt đơn phương nhưng không làm được nhiều để ngăn chặn hành vi của Bắc Kinh”.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan. |
Nỗ lực tìm điểm chung
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhiều lần kêu gọi Mỹ “trở lại bình thường” và cho biết Bắc Kinh có thể hợp tác với Washington trong việc chống lại COVID-19, giúp nền kinh tế phục hồi và giải quyết biến đổi khí hậu.
Các quan chức Trung Quốc cũng gọi cuộc nói chuyện ở Alaska là "một cuộc đối thoại chiến lược", gợi lên cơ chế thời Obama, khi các quan chức cấp cao hai bên gặp nhau để thảo luận.
Nhưng ông Blinken nhanh chóng dập tắt những kỳ vọng này khi nói thẳng rằng đó không phải là một cuộc đối thoại chiến lược.
Zhiqun Zhu, giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế, chủ nhiệm Khoa Quan hệ Quốc tế tại Đại học Bucknell cho biết: “Việc ông Dương và ông Vương sẵn sàng đến Alaska cho thấy Trung Quốc coi trọng cuộc gặp này".
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì. |
Nhưng ông cũng lưu ý rằng bầu không khí chính trị ở Washington sẽ khó khiến ông Blinken đến Bắc Kinh sau khi đã thăm Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bà Sun cũng cho rằng: “Nếu có bất kỳ ý nghĩa địa chính trị tích cực nào ở đây, đó là việc Mỹ và Trung Quốc đang nói chuyện với nhau và đối thoại tốt hơn là không đối thoại. Tôi nghĩ phía Trung Quốc nhấn mạnh rất nhiều đến chuyển dịch tích cực này. Nhưng Mỹ chưa chắc cùng quan điểm”.
Một số nhà quan sát hy vọng nhiều hơn, khi hai nhà ngoại giao cấp cao nhất của Trung Quốc sẽ đến thăm Hoa Kỳ.
Pang Zhongying, giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học Ocean, Trung Quốc, cho biết: “Nếu tất cả thời gian quý báu chỉ được dành cho việc lặp lại lập trường, thì điều đó đâu phải là đối thoại".
“Đây ít nhất là một chuyến thăm đến Hoa Kỳ, và Trung Quốc nên cố gắng có được một danh sách các vấn đề mà Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác".
Vì cả hai bên đều bày tỏ quan tâm đến biến đổi khí hậu, họ có thể thảo luận về các chi tiết này, theo sau sẽ là Hội nghị Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc, diễn ra ở thành phố Côn Minh, Trung Quốc vào tháng 5 và hội nghị khí hậu vào tháng 11 ở Glasgow, Scotland.
Hai bên cũng có thể tìm cách mở đường cho ông Tập Cận Bình và ông Biden gặp nhau tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tháng 5 ở Singapore hoặc cuộc họp G20 vào tháng 10 ở Italy.
PHƯƠNG ANH (Nguồn: South China Morning Post)