Thu phí ôtô vào nội đô Hà Nội: “Chúng tôi tính toán để tránh việc phí trùng phí”

Chiều 30/10, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã chủ trì buổi họp báo thông tin về Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông” đang được dư luận quan tâm.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở GTVT khẳng định, việc thu phí là cần thiết, trong nhóm giải pháp kéo giảm ùn tắc giao thông đã được Hà Nội thông qua. Tuy nhiên, việc thu phí này ở mức thế nào, đối tượng ra sao cũng đang được cân nhắc kỹ lưỡng, nhằm tránh việc phí trùng phí.

Nếu thuận lợi, sẽ thu phí từ năm 2024

Ông Vũ Văn Viện cho biết, cơ quan chức năng xây dựng đề án đã xác định khái niệm phí, bản chất phí này không trùng với bất kỳ loại phí nào và xác định cụ thể đối tượng thu phí. “Để xác định đối tượng thu phí, chúng tôi tính toán làm sao để không tăng chi phí xã hội lên và tránh việc phí trùng phí”, ông Viện nhấn mạnh và thông tin thêm: trong đề án thu phí, đối tượng thu phí không bao gồm xe vận tải hàng hoá.

o to.jpg -0

Hà Nội dự kiến thu phí phương tiện ôtô cá nhân vào một số đường nội đô từ năm 2024.

Chỉ thu phí đối với vận tải hành khách; đặc biệt là xe cá nhân không cần thiết đi vào vùng thu phí. Đồng thời là xác định phạm vi thu phí; nguyên tắc xác định mức phí, điều kiện triển khai thu phí và lộ trình thực hiện.

Trên cơ sở đó, việc thu của xe cơ giới đi vào một số khu vực hay ùn tắc giao thông (gọi tắt là phí giảm ùn tắc giao thông) là một loại phí thu của người điều khiển xe cơ giới khi không cần thiết phải đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc mà họ vẫn đi vào.

Như vậy, họ sẽ phải chịu một mức phí. Mức thu này nhằm điều chỉnh hành vi, để họ không đi vào. Bản chất của loại phí này, theo rà soát của Sở GTVT và các cơ quan tư vấn thì không trùng lặp với bất cứ loại phí nào hiện nay đang có.

Đối tượng thu phí gồm xe ôtô cá nhân chở người, loại trừ tất cả các loại xe công vụ và xe chở hàng hoá. Với các đối tượng miễn phí có điều kiện sẽ gồm người có xe trong khu vực thu phí, cơ quan trong khu vực thu phí cần thiết đi ra đi vào; với xe vận tải hành khách không phải công cộng như taxi, xe hợp đồng thì có chính sách giảm phí. Phạm vi thu phí cũng dựa trên 3 nguyên tắc.

Thứ nhất, địa bàn có nguy cơ ùn tắc giao thông để đảm bảo mục đích giảm ùn tắc giao thông. Thứ 2 là vùng thu phí có điều kiện tổ chức giao thông để cho đối tượng không cần thiết vào vùng thu phí phải có lối đi thuận tiện vượt qua, vòng tránh vùng thu phí để thực hiện chuyến đi của mình. Thứ 3, phải bố trí trạm thu phí nên vành đai thu phí phải có điều kiện xây các trạm nhằm hạn chế ùn tắc giao thông.

Chính vì thế, đề án mới xây dựng vùng thu phí bám vào đường vành đai 3. Trong vành đai 3 chính là phạm vi thường xuyên ùn tăc giao thông. Đề án cũng xác định rõ 68 vị trí thu phí và 87 điểm đặt trạm thu phí.

Lãnh đạo Sở GTVT cũng nói rõ, mục tiêu thu không nhằm để tăng ngân sách mà là một biện pháp tài chính để tác động thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, góp phần giảm lượng xe đi vào khu vực trung tâm. Vì thế về mức thu phí cũng căn cứ vào 3 nguyên tắc: đầu tiên là phải đảm bảo đủ chi cho việc vận hành các trạm thu phí; mức thu phí phải đủ điều kiện để tác động đến hành vi của người tham gia giao thông, nếu thấp quá thì không tác động đến hành vi; mức thu phí phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội cũng như đảm bảo khả năng chi trả của người dân.

Theo tính toán, 20% số lượng phương tiện có thể đi tránh, còn lại có thể thu phí được, trên cơ sở này đưa ra mức sàn, còn mức trần đủ có thể để thay đổi hành vi từ 50.000đ-100.000đ, mức 100.000đ trở lên thì mới có tác đụng thay đổi hành vi. Khung mức phí này làm căn cứ để xây dựng dự án đầu tư, nhưng căn cứ vào thực tế thì mới có mức thu chính xác.

Nếu HĐND ban hành NQ vào cuối năm nay (tháng 12-2021) thì UBND TP sẽ xây dựng dự án đầu tư và phương án quản lý, lộ trình và thời gian cần thiết để thực hiện. Để đầu tư một dự án loại này cần khoảng 2 năm, như vậy khoảng năm 2022-2023 mới đầu tư được cơ sở vật chất để thu phí.

Như vậy, khi có dự án đầu tư rồi mới tính toán được mức thu cụ thể. Căn cứ vào đây, TP trình HĐND mức thu cụ thể với từng xe, đối tượng xe. Dự kiến, nếu triển khai tích cực có thể hoàn thành dự án đầu tư này trước năm 2024, trình được mức thu cụ thể, chính sách cụ thể, bắt đầu có thể tiến hành thu phí từ 2024.

Vì sao lại thu phí?

Theo Giám đốc Sở GTVT, trước tình hình ùn tắc giao thông ngày càng diễn biến nghiêm trọng do điều kiện về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông không theo kịp được tốc độ phát triển của phương tiện giao thông cá nhân nên năm 2017, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 04 thông qua Đề án về quản lý phương tiện góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố giai đoan 2017-2020, tầm nhìn 2030 với 37 nhóm giải pháp.

Trong đó có giải pháp xây dựng Đề án thu phí để hạn chế một số loại phương tiện giao thông cơ giới, cụ thể là ôtô vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông để giảm lượng ôtô đi vào, góp phần giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường.

Sau 5 năm thực hiện, Hà Nội cũng đã triển khai được 28/37 nhiệm vụ góp phần giảm gia tăng phương tiện giao thông cá nhân, cũng như giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên tình hình này vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy, thành phố phải thực hiện đồng bộ 37 nhóm giải pháp này, trong đó có giải pháp thu phí phương tiện xe vào nội đô.

Tuy nhiên, vấn đề phí ùn tắc giao thông chưa có trong danh mục phí lệ phí do Quốc hội ban hành nên UBND thành phố Hà Nội có văn bản báo cáo Thủ tướng từ năm 2018, Thủ tướng giao Bộ Tài chính xem xét. Trên cơ sở đề xuất thống nhất của Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đồng ý về mặt chủ trương cho thành phố Hà Nội xây dựng đề án về loại phí này, trình HĐND thành phố thông qua để báo cáo với Chính phủ.

Tuy nhiên, năm 2020, Quốc hội có Nghị quyết số 115 ngày 9/6/2020, đề nghị cho phép HĐND thành phố Hà Nội ban hành một số loại phí chưa có trong danh mục Luật phí và lệ phí. Vì vậy, UBND thành phố giao Sở Xây dựng xây dựng một đề án để báo cáo UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành phí này theo tinh thần Nghị quyết 115 của Quốc hội. Trong thông báo mới nhất để chuẩn bị cho kỳ họp cuối năm, HĐND thành phố cũng thống nhất vào kỳ họp này sẽ xem xét quyết định và thông qua Đề án này.

Hà Nội thu phí phương tiện cá nhân để tránh ùn tắc Hà Nội thu phí phương tiện cá nhân để tránh ùn tắc

Hà Nội dự kiến thu phí giảm ùn tắc giao thông với phương tiện cá nhân vào nội đô cao nhất là 60.000 đồng/lượt, mức ...

87 trạm thu phí ô tô vào nội đô dự kiến được đặt ở những vị trí nào? 87 trạm thu phí ô tô vào nội đô dự kiến được đặt ở những vị trí nào?

Theo báo cáo mà tư vấn trình Sở GTVT Hà Nội, 87 trạm thu phí phương tiện (ô tô) ra vào nội đô sẽ được ...

/ cand.com.vn