Theo các chuyên gia, người dân không nên quá lo lắng dẫn tới việc ngày nào cũng mua kit test nhanh COVID-19 để xét nghiệm.
Có người quá lo lắng, sốt ruột, mua cùng lúc nhiều kit xét nghiệm nhanh về để ngày nào cũng tự test.
Các chuyên gia khẳng định việc này không cần thiết và gây lãng phí bởi, sau khi tiếp xúc với F0 phải có thời gian nhất định để virus nhân lên, xét nghiệm ngay không có giá trị, ít nhất phải 3-4 ngày sau hãy test.
Nếu vừa tiếp xúc với nguồn lây hoặc ở giai đoạn ủ bệnh, bạn có thể đã nhiễm bệnh song tải lượng virus thấp… nếu test cũng không chính xác vì khả năng âm tính cao bởi virus chưa nhân lên đủ số lượng để phát hiện bằng test nhanh. Nếu bạn không có triệu chứng thì có thể test vào ngày thứ 5 và ngày thứ 7 sau tiếp xúc F0.
Trong trường hợp gia đình có người mang thai, người mắc bệnh lý nền, nếu lo lắng quá thì trước hết cần tuân thủ biện pháp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế và đợi đến ngày thứ 4 mới nên test, nếu âm tính thì ngày thứ 7 test lại để hoàn toàn yên tâm.
Còn các trường hợp khác chỉ cần nên test khi có các biểu hiện nghi ngờ như: chảy nước mũi, ho, sốt, đau nhức mình mẩy…
Trên kết quả test, vạch mờ hay đậm cũng không nói lên được bệnh nặng, nhẹ, nhiều hay ít virus như nhiều người vẫn nghĩ. Ngoài ra, khi có xét nghiệm test nhanh dương tính, Bộ Y tế cũng khuyến cáo không nhất thiết phải làm xét nghiệm RT-PCR khẳng định.
Nhiều người cho rằng sau thời gian mang bệnh mà test nhanh âm tính tức là khỏi bệnh. Các chuyên gia cho rằng điều này không chính xác. Bởi test nhanh âm tính chỉ có nghĩa là nguy cơ lây thấp vì còn ít hoặc không còn virus ở đường hô hấp trên do đó vẫn phải tiếp tục theo dõi. Ví dụ ngày thứ 5 test nhanh âm tính thì không được chủ quan mà vẫn phải theo dõi "độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi" hay còn gọi là SpO2 đủ 10 ngày.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, trung tâm Oxy cao áp Việt Nga, khẳng định, không cần test nhanh "vô tội vạ" mỗi ngày. Bác sĩ cũng không khuyến khích việc test nhanh mẫu gộp tại nhà. Với các F0 điều trị tại nhà, nếu không phải nhập viện, tải lượng virus cũng như kết quả test nhanh sẽ có dạng như hình mình họa dưới đây.
Bác sĩ Hoàng hướng dẫn cách test cụ thể như sau:
+ Nếu có các dấu hiệu như cảm cúm tầm này, nhiều khả năng bạn đã nhiễm SARS-CoV2, cần lập tức tự cách ly ngay, nhưng chưa nên test vội. Ta gọi ngày này là ngày D.
+ Một ngày sau khi có các dấu hiệu cảm cúm (D+1), nếu test 2 vạch, bạn đã nhiễm SARS-CoV2. Đối chiếu với bảng trên để tự đánh giá mình đang ở ngày thứ bao nhiêu. Nếu test 1 vạch, ngày hôm sau (D+2) nên test thêm lần nữa. Nếu ngày (D+2) test âm tính, bạn đợi thêm 2 ngày (D+4) rồi tiếp tục test. Nếu vẫn âm tính thì có thể tạm yên tâm.
+ Nếu dương tính ngày (D+1), bạn ước tính ngày P5 của mình theo hướng dẫn trong hình. Đến ngày P5, chưa cần test vội. Ngày (P5+1), bạn test. Nếu âm tính chúc mừng bạn. Nếu vẫn còn vạch T mờ, 2-3 ngày sau test lại lần nữa. Sau khi test lại mà vẫn còn vạch T mờ, bạn cũng không nên quá lo lắng, vì đến ngày này nguy cơ lây cho người khác rất thấp.
"Hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế cho biết, nếu bạn tiêm đủ vaccine, không phải nhập viện thì sau 10 ngày (14 ngày nếu chưa tiêm đủ vaccine), bất kể còn vạch mờ hay không, bạn không cần phải cách ly nữa. Như vậy, nếu biết cách tiết kiệm, mỗi F0 chỉ tốn 2-3 que test nhanh. PCR cũng không quá cần thiết nữa, đo SpO2 thường xuyên quan trọng hơn", bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.
PV (th)
Test nhanh âm tính, đừng vội nghĩ đã khỏi bệnh |
Test nhanh dương tính ma túy, tài xế khai “cắn kẹo” để bay cho phê |
Test nhanh COVID-19 vô tội vạ, nhiều người "viêm màng túi": Chuyên gia cảnh báo |