Các món ăn chống ngán ngày Tết có rất nhiều, từ canh cua, bún cá rau cần... vô cùng hấp dẫn, dễ ăn.
Canh cua ngày Tết
Bỏ qua vấn đề kinh tế, phần lớn còn lại rất khó khăn để bước qua định kiến của bản thân, của bố mẹ, cô dì chú bác, đại khái: “Tết là phải ở nhà, có đi thì để ra Giêng đi”. Vậy là, vẫn “cổ hủ lạc hậu” ở nhà sắm sanh, sửa soạn đón Tết. Ngoài gói hoặc mua bánh chưng chắc chắn phải có thêm nồi canh măng. Rồi khi nhiều khi cũng chẳng cần mua, người này tặng, người kia biếu, đôi khi cái giò đi một vòng qua nhà mấy người họ hàng rồi lại vòng về và nằm trong tủ lạnh nhà mình… Mâm cỗ truyền thống cúng chiều 30, sáng mùng 1 đã đủ. Phần còn lại của cái tủ lạnh chật ních đồ ăn kia chính là đồ chống ngán sau Tết. Chống ngán có khi bắt đầu từ sớm, mùng 2 trở đi, tùy theo tính nết của từng gia đình.
Có khi đồ chống ngán là cân cua đồng giã tay đã được cấp đông từ trước Tết, thêm chút dấm bỗng, rau sống, còn bún tươi thì có cũng được không cũng được. Cua đồng giã tay ngâm cho tan đá rồi đem lọc bỏ bã, thêm chút muối cho gạch đặc và dễ nổi. Nước lăn tăn sủi thì vớt gạch để riêng, cho vào nồi một 2 muôi dấm bỗng tùy theo khẩu vị thích chua hay không chua. Hành khô phi thơm xào gạch cua, cà chua sắt múi cau thả vào nồi, đun liu riu, nêm mắm muối vừa ăn nữa là có nồi riêu cua. Vẫn nồi riêu ấy mà bỏ hành hoa thái nhỏ, thêm bún thì thành bún riêu. Còn cứ thế mà chần thêm thịt bắp bò, sườn sụn thì thành lẩu riêu cua bắp bò. Mấy cây giò chưa ăn hết thì có thể cắt ra nhúng vào nồi riêu cua cũng được. Rau nhúng lẩu thì thường là xà lách, tía tô, hoa chuối, mùi ta… Có thêm vài cọng rau muống hay mồng tơi nữa là ngon lắm rồi.
Mấy năm trở lại đây, cái “tục lệ” mới phát sinh là mùng 2, mùng 3 đổ ra đường đi chúc Tết, đi lễ, tiện rẽ vào hàng riêu cua vỉa hè ăn một bát chống ngán đã đỡ hơn rất nhiều. Ấy là bởi nhiều người đã ý thức được việc trữ đông 1 - 2 kg cua đồng nó có lợi như thế nào. Phần nữa, nếu không phải là quán quen bán quanh năm mà chỉ là thời vụ mới mở, có khi ăn xong bát bún, đứng lên thanh toán là biết dại đơn dại kép nó cụ thể thế nào. Vừa không ngon, vừa bị chặt chém mà về đau bụng như chơi.
Bún cá rau cần
Ngoài riêu cua ra, có cách chống ngán khác tương đối hiệu quả là các món từ cá. Canh riêu cá nấu cũng khá đơn giản. Cá trắm cỏ hay trắm trắng thậm chí rô phi chẳng hạn, lọc ra lấy thịt để cắt miếng rán giòn. Cái đầu và bộ xương ninh lên lấy nước, khi ninh thêm chút nước cốt gừng, rồi miếng nghệ, cà chua bổ múi cau, dấm bỗng có thì ngon nhất, còn không có thể nấu với tai chua, khế chua… Mùa này có rau cần, nấu bún cá rất tiện. Sắp bún, cá cắt miếng rán giòn, chần qua rau cần, đổ nước dùng cá lên là có bát bún nóng, ngon lại ít mỡ màng. Nếu không thích ăn bún thì vẫn cái nước dùng đó dùng làm lẩu, cá rán hoặc thái phi lê cắt miếng nhúng lẩu. Rau ăn lẩu cá có thể là cải cúc, rau cần, dọc mùng….
Bây giờ, nấu nướng gì cũng tiện, nhiều khi chẳng cần chờ tới mùa hay khó khăn bởi khoảng cách địa lý, cứ lên mạng xã hội là có đủ. Một khay cá rô đồng “ship” từ Hưng Yên, Hải Dương về Hà Nội thì miếng cá đã được tách sẵn bỏ xương, chỉ việc đem xào qua với nghệ. Nước ninh cá đóng sẵn vào chai và trữ đông, khi nào có nhu cầu ăn thì lấy ra rã đông, thêm mỳ bánh đa trắng hoặc đỏ, bún khô, bún tươi gì cũng được. Có thể nấu bánh đa cá rô với rau cải xanh hoặc rau ngót đều ngon….
Ở Cổ Loa, Đông Anh có một món đặc sản chống ngán sau Tết rất nổi tiếng là bún xào cần. Bún ở nơi này cũng rất đặc biệt, nó được biết đến với tên gọi là bún Mạch Tràng. Sợi bún to hơn bún thường chút xíu, nhưng vẫn bé hơn bún để làm bún bò Huế. Bún Mạch Tràng không trắng tinh mà chỉ ngà ngà do người dân dùng gạo mộc.
Bún được xào theo cách của người Cổ Loa, thế nào đó mà đảm bảo bún và rau cần cùng với mỡ lợn quyện vào nhau. Sợi bún vẫn còn nguyên nhưng bên dưới chảo lại có cháy. Có nhiều lý do để giải thích cho quá trình xào, đảo nhiều nhưng bún lại không nát, lửa to, đủ để bén chảo, bún và cần đều ở mức chín tới. Thêm vào đó, chỉ có bún Mạch Tràng mới cho ra được đặc sản bún xào cần Cổ Loa.
Nhiều người không phải dân Cổ Loa, học mót đặc sản đất Thành cổ, thi thoảng cũng làm bún xào cần để chống ngán ngày Tết. Tuy nhiên, bún ở đây là bún thường, chảo toàn chảo chống dính, bếp là bếp từ, nên đôi khi cháy cũng không có mà bún thì một sợi vỡ làm dăm bảy khúc. Nhưng mà, sau những bánh chưng, canh măng, giò xào, chả mỡ… thì bún xào cần (không có thịt) thực sự là món chống ngán không có gì ngon hơn.
Mâm cỗ truyền thống cúng chiều 30, sáng mùng 1 đã đủ. Phần còn lại của cái tủ lạnh chật ních đồ ăn kia chính là đồ chống ngán sau Tết. Chống ngán có khi bắt đầu từ sớm, mùng 2 trở đi, tùy theo tính nết của từng gia đình.
Đón trẻ mầm non trở lại trường sau Tết, TP.HCM có thiếu giáo viên?
Từ 14/2, trẻ mầm non ở TP.HCM sẽ quay trở lại trường sau hơn 9 tháng nghỉ học để phòng dịch COVID-19. |
Mẹo "xử lý" bánh chưng thừa sau Tết Nguyên đán
Sau Tết, nhà bạn vẫn còn nhiều bánh chưng, làm sao để "giải quyết" hết mà không gây ngán ngẩm? |
Người Hà Nội “nghiến răng” đi chợ sau Tết
Các chợ chính tại Hà Nội chưa họp lại, nguồn cung không nhiều khiến giá các mặt hàng thực phẩm tăng cao. Đặc biệt, giá ... |
Thanh long tăng giá mạnh sau Tết
Mỗi kg thanh long tại vườn tuần qua tăng 1.000 - 3.000 đồng. |